Ý NGHĨA SỰ ĐAU KHỔ DƯỚI ÁNH SÁNG THÁNH KINH – Bài 1

Ý NGHĨA SỰ ĐAU KHỔ

DƯỚI ÁNH SÁNG THÁNH KINH

Giám mục Tô Văn Út

Từ xưa đến nay nguyên nhân của đau khổ thật khó hiểu. Người ta thường cho là một huyền nhiệm. Vì những kẻ gian ác xấu xa gặp đau khổ, mà người công bình đạo đức cũng bị đau khổ và còn bị nhiều hơn. Ngày nào ta cũng thấy đau khổ, nếu không phải nơi bản thân, ít ra cũng thấy chung quanh mình: nơi tha nhân, trong xã hội con người. Hôm nay ta chưa khóc, nhưng rồi có ngày ta cũng phải sa lệ:

Nghĩ thân phù thế mà đau

Bọt trong bể khổ bèo đầu bến mê

            Trong các sách cổ điển, ta thấy nhan nhản những lời than não nuột bi ai. Thi hào Nguyễn Du mở đầu tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh bằng những lời này:

Trăm năm trong cõi người ta

Chữ tài  chữ mệnh khéo là ghét nhau

Trải qua một cuộc bể dâu

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng

            Nguyễn Gia Thiều kêu rên:

Thảo nào khi mới chôn nhao

Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra

            Thánh Kinh cũng là bộ sách viết về đau khổ. Đọc Cựu ước ta thấy sách Gióp là những lời ưu uất, ứ nghẹn của một tâm hồn đau khổ. Sách Ca Thương là một bản ai ca một nhà tiên tri đầy nước mắt. Sách Ha-ba-cúc là lời than thở của một tâm hồn buồn bã khi biết đất nước mình bị sửa phạt vì cớ tội ác của nó.

Các trước giả Tân Cựu ước đã đối diện với vấn đề đau khổ và cũng đã đưa ra nhiều câu trả lời khác nhau. Mục đích của các bài viết này là tìm kiếm lời giải đáp về vấn đề đau khổ đã được tiết lộ trong Thánh Kinh. Hy vọng nó sẽ đem lại niềm an ủi cho chúng ta đang khi sống trong thế giới đau khổ, nhất là giữa mùa dịch toàn cầu Covid-19.

 

Bài 1

ĐAU KHỔ

Sự Đoán Phạt

Từ khi bắt đầu lịch sử nhân loại, con người đã nhận biết rằng cuộc sống không phải luôn vui vẻ và dễ dàng. Con người phải làm lụng cực khổ mới đáp ứng được nhu cầu cơm áo. Có lúc thực phẩm thật khó tìm. Có lúc con người phải đương đầu với sự chết gần kề do kẻ thù mang tới. Có lúc phải đối diện với thú dữ hoặc cây trái độc hại. Có lúc phải đối diện với bệnh dịch đáng sợ như Covid-19 có thể cướp lấy mạng sống của nhiều người. Hay một cơn bão có thể làm tổn thất và gây thương tích cho con người. Hoặc một trận lụt kéo tới có thể cuốn trôi tài sản, người thân và ngay cả chính ta. Khi gặp phải vấn đề như thế, tâm trí con người không được yên nghỉ cho tới khi tìm ra lời giải đáp. Từ xa xưa, những người Ba-by-lôn đã trả lời cho vấn đề đó bằng cách cho rằng các vị thần hay nổi giận bất thường, rồi gây ra phong ba bão táp để cho thỏa cơn giận.

Đọc Thánh Kinh ta thấy danh hiệu Đức Giê-hô-va gắn liền với sự công chính và ngay thật. Khi Ngài chọn Y-sơ-ra-ên làm tuyển dân thì Ngài cư xử họ với sự công chính và ngay thật. Dân chúng phạm tội thì cơn thạnh nộ Ngài đổ trên họ qua những tai họa và khổ đau. Vi phạm luật Chúa là có tội, và tội thì phải bị đoán phạt.

Trong buổi ban sơ, gia đình hoặc chi tộc được xem như là một đơn vị. Ý niệm này được thành hình qua kinh nghiệm trong đồng vắng khi mỗi người phải tùy thuộc lẫn nhau để được an ninh và sống còn. Những việc sai quấy và xấu xa của một người có thể ảnh hưởng trên toàn chi tộc. Nói cách khác, thời Cựu ước, sự hình phạt tội lỗi được đặt trong trách nhiệm liên đới. Tội lỗi cá nhân có ảnh hưởng đến chính mình, gia đình, và cả chi tộc mình. Thực sự trên được ghi chép trong sách Giô-suê:

Nhưng dân Y-sơ-ra-ên đã phạm tội bất trung về các vật đáng bị diệt, vì A-can, con trai của Cạt-mi, cháu của Xáp-đi, chắt của Xê-rách thuộc bộ tộc Giu-đa, đã lấy các vật đáng bị diệt ấy, và cơn giận của Đức Giê-hô-va nổi bừng với dân Y-sơ-ra-ên (7:1).

Mặc dù cá nhân A-can phạm tội, nhưng trước mặt Đức Chúa Trời, cả dân Y-sơ-ra-ên đều phạm tội. Vì thế cơn thạnh nộ Ngài đổ trên dân chúng và khiến họ bị thua trận trước đạo quân nhỏ bé A-hi cách nhục nhã.

Trong cùng cách trên, vì cớ tội lỗi của Ma-na-se mà nước Giu-đa bị ngoại bang xâm chiếm:

Tai họa nầy hẳn phải xảy đến cho Giu-đa do lệnh của Đức Giê-hô-va, để đuổi nước Giu-đa khỏi mặt Ngài vì các tội Ma-na-se đã phạm, vì mọi điều vua đã làm, và cũng vì máu vô tội mà vua nầy đã làm đổ ra, khiến cho Giê-ru-sa-lem ngập tràn máu vô tội, đến nỗi Đức Giê-hô-va không còn tha thứ được nữa (II Các vua 24:3-4).

Song song với trách nhiệm liên đới, nếu cha mẹ “ghét” Đức Chúa Trời thì cơn thạnh nộ Ngài sẽ đổ trên con cái họ:

 … vì Ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời của con, là Đức Chúa Trời kỵ tà. Đối với những kẻ ghét Ta, Ta sẽ vì tội đó của tổ tiên mà trừng phạt con cháu họ đến thế hệ thứ ba, thứ tư (Xuất. 20:5b).

Cũng một lẽ ấy, cơn giận Đức Chúa Trời nổi lên cùng Ma-na-se, là vua thờ hình tượng, và còn tiếp tục đến đời vua Giô-si-a (II Các vua 23:26). Bạn có nhớ khi A-háp làm điều ác trước mặt Đức Chúa Trời thì Ngài phán thế nào chăng?  “Trong đời con trai nó, ta sẽ giáng họa trên nhà nó” (I Các vua 21:29).

Ngoài ra, khổ đau còn là sự đoán phạt của việc không vâng theo ý chỉ Đức Chúa Trời. Sáng-thế ký chương 2 và 3 đã ghi lại thực sự đó trước nhất. Do việc không vâng lời Chúa mà người nam “phải chịu khó nhọc mới có vật đất sanh ra mà ăn, cho đến ngày nào ngươi trở về đất, là nơi mà có ngươi ra.”

Tội lỗi là nguyên nhân của sự đau khổ. Lẽ thật này được bày tỏ trong các sách Xuất Ê-díp-tô ký, Phục-truyền luật-lệ ký, Giô-suê, Các quan xét, Các vua, Giê-rê-mi, Ê-xê-chi-ên… Sách Châm-ngôn xác nhận:  Sự nguyền rủa của Đức Giê-hô-va ở trong nhà kẻ ác; nhưng Ngài ban phước cho chỗ ở của người công chính”  (3:33).

Nhiều người đồng ý với quan niệm đau khổ là hình phạt của Đức Chúa Trời giáng xuống vì những tội lỗi của loài người. Đó cũng là niềm tin căn bản của Do Thái giáo. Tuy nhiên, đối với một số người khác lập trường này chỉ đúng khi quốc gia hoặc chi tộc được kể là một đơn vị và sự hình phạt tội lỗi được đặt trong trách nhiệm liên đới; chớ nó không đúng cho cá nhân.

Nhà tỉ phú Gióp, con người công chính, là một bằng chứng đặc biệt trong Cựu ước. Gióp vốn là một người “trọn vẹn và ngay thẳng, kính sợ Đức Chúa Trời và lánh khỏi điều ác;” thì không lý do gì phải bị mất cả tài sản lẫn con cái. Nhưng chưa hết, thân thể Gióp còn bị một thứ ung nhọt lở loét từ bàn chân cho tới chót đầu. Ngay cả bà vợ thân yêu cũng gớm ghiếc ông và xúi giục ông phỉ báng Đức Chúa Trời rồi chết đi. Trong tình trạng ghê sợ đó, Gióp được ba người bạn đến thăm. Họ chẳng những không chia buồn về hoạn nạn của Gióp mà còn tìm cách thuyết phục ông rằng: vì ông bị đau khổ vừa nhiều vừa kinh sợ như vậy, thì hẳn là ông đã phạm tội gì nặng. Họ nêu lý do: đau khổ luôn đến với con người như hình phạt cho một tội phạm nào đó.

Sách Gióp không những phủ nhận niềm tin của nguyên tắc đồng hóa đau khổ với hình phạt của tội mà còn đặt lại vấn đề của niềm tin ấy: giữa đau khổ và tội lỗi có liên hệ, đó là điều hiển nhiên, nhưng rõ rệt là không phải luôn luôn như vậy đâu.

Vì thế, ta sẽ tiếp tục tìm câu giải đáp ở bài kế vào tuần tới.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *