CHIỀU TRÊN ĐỒI GÔ-GÔ-THA
Giăng 19:17-37; Luca 23:33
Thứ sáu 02-04-2021 là Lễ Kỷ Niệm Chúa Chịu Thương Khó. Năm nay, Giáo hội mời gọi toàn thể con dân Chúa hướng về Gô-gô-tha để suy niệm “Chiều Trên Đồi Gô-gô-tha” hơn hai mươi thế kỷ trước. Gô-gô-tha có nghĩa là đồi sọ, nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu đã bị đóng đinh cách đây hơn 2000 năm. Gô-gô-tha là nơi của sự rủa sả, nhưng cũng là nơi của sự phước hạnh. Gô-gô-tha là nơi bày tỏ lòng yêu thương của Đức Chúa Trời, nhưng cũng là nơi bày tỏ lòng ghen ghét của loài người. Gô-gô-tha là nơi con Đức Chúa Trời hy sinh thân báu để cho chúng ta được sống. Gô-gô-tha là nơi tội lỗi của cả nhân loại được một người vô tội gánh lấy. Gô-gô-tha là nơi mà sự cứu rỗi được hoàn toàn ban tặng cho loài người.
Khi đến Gô-gô-tha, ta sẽ thấy có ba cây thập tự được dựng đứng giữa bầu trời. Hai người trộm cướp bị treo lên cây thập tự bên hữu và bên tả. Còn ở chính giữa, một người mang tên Giê-xu, bị treo lên đó. Tại sao Chúa Giê-xu chịu chết trên thập tự giá? Cái chết của Ngài tại ngọn đồi Gô-gô-tha, có phải như là cái chết của một phạm nhân không? Để được thấy rõ thực sự này, ta sẽ tìm hiểu: Lý do Chúa đến Gô-gô-tha, khổ nhục Chúa chịu tại Gô-gô-tha, và sự thay thế của Chúa ở Gô-gô-tha.
I. Lý Do Chúa Đến Gô-gô-tha
Thánh Kinh bày tỏ, Chúa Giê-xu đến Gô-gô-tha để chịu chết, hầu làm ứng nghiệm các lời tiên tri nói trước về Ngài. Sứ đồ Phao-lô, trong một bài giảng tại thành An-ti-ốt, xứ Bi-si-đi đã xác nhận: “Vì dân thành Giê-ru-sa-lem và các cấp lãnh đạo không biết Chúa, cũng không hiểu các lời tiên tri thường đọc ngày thứ bảy, nên đã giết Chúa và vô tình làm ứng nghiệm lời tiên tri” (Công-vụ 13:27). Phi-e-rơ, trong ngày lễ Ngũ tuần cũng nói sự chết của Chúa Giê-xu, là theo ý định trước và sự biết trước của Đức Chúa Trời (Công-vụ 2:23). Thật vậy, theo Thánh Kinh, Chúa Giê-xu là Chiên Con đã bị giết, từ buổi sáng thế. Ngài “đủ điều kiện bảo đảm chắc chắn cho Giao ước tốt đẹp hơn” (Hê-bơ-rơ 7:22).
Sự chết của Chúa Giê-xu tại Gô-gô-tha đã làm xong công việc cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Nói theo một phương diện, thì sự chết của Chúa Giê-xu là một bi kịch của các bi kịch. Nói theo một phương diện khác, thì sự chết của Ngài là sự chiến thắng của tất cả mọi chiến thắng. Trong lúc loài người là tội nhân thì Chúa Giê-xu là Đấng Cứu Tinh của nhân loại. Ngài đã bằng lòng vì tội lỗi loài người mà chịu chết. Thánh Kinh bày tỏ tại trên núi lúc hóa hình thì “mặt Chúa Giê-xu chiếu sáng như mặt trời, áo Ngài trở nên sắc trắng.” Môi-se và Ê-li, đến nói chuyện với Chúa Giê-xu về “việc Chúa sắp chịu chết tại Giê-ru-sa-lem để hoàn thành chương trình của Thượng Đế” (Lu-ca 9:31). Vì vậy, sự chết của Chúa Giê-xu là sự chết tình nguyện đúng như lời Ngài đã nói: “Không ai cất mạng sống Ta đi được, nhưng Ta tự nguyện hi sinh. Ta có quyền hi sinh mạng sống và có quyền lấy lại. Ta đã nhận mệnh lệnh nầy từ nơi Cha Ta” (Giăng 10:18).
Ngoài ra, sự chết của Chúa Giê-xu tại Gô-gô-tha, cũng là sự hoàn thành nhiệm vụ Ngài trên đất. Trong lời cầu nguyện với Đức Chúa Cha cho các môn đệ, Chúa Giê-xu đã cảm tạ Đức Chúa Cha đã trao cho Ngài uy quyền trên cả nhân loại, để Ngài ban sự sống vĩnh cửu cho những người Cha đã giao thác. Chúa Giê-xu nói tiếp: Họ được sống vĩnh cửu khi nhận biết Cha là Chân thần duy nhất và nhìn nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu là Sứ giả của Cha. Rồi Ngài nói thêm: Con đã làm rạng rỡ vinh quang Cha trên đất, hoàn tất mọi việc Cha ủy thác (Giăng 17:2-4). Để rồi khi chịu đóng đinh trên thập tự giá, Chúa nói: “Mọi việc đã được trọn” (Giăng 19:30). Trên thập tự giá, Chúa Cứu Thế chịu chết đền tội chúng ta, và sống lại để chứng nhận chúng ta là người công chính.
Trong một quyển sách đã được xuất bản với nhan đề: “Tại Sao Tôi Bị Giết?” Tác giả đã nói về một người lính bị giết chết ngoài mặt trận. Sự chết của người đã làm cho những đồng đội còn ở lại, phải tìm hiểu và suy nghĩ xem sự chết đó có ý nghĩa gì cho mỗi người trong bọn. Cũng vậy, sự chết của Chúa Giê-xu cũng từng là một dấu hỏi lớn nhất của lịch sử nhân loại. Tại sao Chúa Giê-xu chết? Tại sao Ngài bị giết? Sự chết của Ngài có ảnh hưởng gì cho loài người? Kinh Thánh giải thích: Chúa Giê-xu đã chịu chết vì tội lỗi chúng ta, đến ngày thứ ba Ngài sống lại để chứng nhận chúng ta là người công chính (Rô-ma 4:25).
II. Khổ Hình Chúa Chịu Tại Gô-gô-tha
Tại Gô-gô-tha, sự đau khổ Chúa Giê-xu phải chịu gồm cả thể xác lẫn linh hồn. Chúa chịu đau khổ trong bàn tay của Sa-tan và của Đức Chúa Trời. Sự đớn đau của Ngài không thể hình dung được. Không có một cái gì có thể thăm dò được chiều sâu nỗi đớn đau của Con Đức Chúa Trời. Ngài đã chịu khổ đau trong lúc còn sống, nhưng tuyệt điểm sự đau khổ của Ngài là ở trên thập tự giá tại Gô-gô-tha.
Thánh Kinh ghi lại khi đúng kỳ hạn đã định, thì Chúa của Thiên Đàng đã từ bỏ tất cả vinh hiển của thiên cung để xuống đời. Chúa được sanh ra vào một đêm tối trời của một tiểu thôn cô quạnh. Chúa không được sự chăm sóc của y tá hoặc bác sĩ, không có người thân thuộc nào đến mừng Ngài. Chúa được sanh ra bởi một nữ đồng trinh, nằm ở giữa cái chuồng của những con chiên. Chúa đã ra đời trong sự nghèo nàn. Chúa đã lớn lên trong sự nghèo nàn. Những năm còn sống trên đất, Chúa không có một chỗ để gối đầu, và khi Chúa chết thì được chôn trong ngôi mộ vay mượn. Tại sao Chúa Giê-xu quá nghèo túng, khổ cực đến thế? Chúa nghèo nàn đến thế là vì chúng ta. Thánh Kinh bày tỏ Chúa Giê-xu là Vua của Thiên Đàng, với đầy đủ mọi vinh hiển của thiên cung. Nhưng Ngài đã bằng lòng trở nên nghèo, để nhờ đó chúng ta được giàu có, được hưởng ân điển dư dật của Đức Chúa Trời. Vào phút chót của cuộc đời Ngài, Thánh Kinh mô tả Chúa như Chiên Con bị dắt đến hang làm thịt, như chiên câm ở trước mặt kẻ hớt lông. Chúa chẳng từng mở miệng, nhưng bằng lòng gánh hết mọi khổ đau của loài người trong thân thể Ngài.
Phao-lô diễn tả sự đau khổ mà Chúa Giê-xu đã chịu như là một sự rủa sả. Thánh Kinh chép: “Chúa Cứu Thế đã cứu chúng ta khỏi bị luật pháp lên án khi Chúa hy sinh trên cây thập tự, tình nguyện thay ta chịu lên án; vì Thánh kinh đã nói: “Ai bị treo lên cây gỗ là người bị lên án” (Ga-la-ti 3:13).Thật vậy, đóng đinh trên thập tự giá là hình phạt của sự rủa sả. Hình phạt này người La Mã chỉ dành cho các nô lệ, hoặc các phạm nhân bị khinh bỉ. Nó là một cực hình khiến cho phạm nhân đau đớn, ô nhục, để rồi chết trong thảm khốc. Phạm nhân phải bị đinh đóng xuyên qua tay và chân. Phạm nhân phải phải bị treo ở giữa trời. Phạm nhân phải bị bỏ đói, bị khát nước cách ghê sợ, đồng thời cả tứ chi cũng bị co quắp lại vì đau đớn. Với những vết thương sưng phù lên, máu chảy nhỏ xuống từng giọt, đầu vị nhức như búa bổ, môi khô, gân cốt trong người bị co rút lại kèm theo cơn khát nước không thể tả; Con Đức Chúa Trời không có chút tội lỗi nào hết, nhưng đã phải chịu treo thân trong đau đớn như vậy suốt 6 tiếng đồng hồ.
Nhưng đó chỉ là cái đau đớn trong cơ thể của Chúa. Cái đau đớn trong tâm linh của Ngài mới là cái đau đớn không một ai trong trần thế có thể chịu nổi. Mục sư Lê Hoàng Phu diễn tả như vầy: Ông bảo chúng ta hãy thử tưởng tượng cái đau khổ của một người lương thiện bị nghi oan, bị kể là bất lương, bị lãnh cái tội và cái hình phạt của người bất lương. Hoặc chúng ta thử tưởng cái nhục nhã, ê chề của một cô gái trong trắng bị vu oan, rồi bị lãnh cái tội lỗi ghê gớm của một người đàn bà xấu nết. Hay trường hợp của một người thanh liêm bị lên án, và bị hình phạt như một tay tham nhũng… Nhưng cái đau khổ của người lương thiện, cái đau khổ của cô gái trong trắng, của người thanh liêm chỉ là cái đau khổ tương đối. Vì đã là con người thì không tội nhiều cũng tội ít, chưa có tội phát ra hành động thì có tội trong tư tưởng. Vì vậy, họ không thể nào sánh với Đấng Thánh Khiết, vô tội. Và cái đau đớn của họ cũng không thấm gì với cái đau đớn tuyệt đối mà Chúa đã gánh chịu trong tâm linh của Ngài khị bị kể là tội lỗi. Cái đau đớn của họ cũng không thấm gì với cái đau đớn tuyệt đối mà Chúa đã gánh chịu trong tâm linh của Ngài khi bị trút hết tất cả các tội lỗi ghê tởm xấu xa nhất của cả nhân loại. Giờ phút đau thương nhất của Chúa Giê-xu, là giờ phút bị Đức Chúa Cha xây mặt, bị Đức Chúa Cha từ bỏ. Giờ phút đau thương nhất của Chúa Giê-xu là giờ phút Ngài kêu lên: “Đức Chúa Trời của con! Đức Chúa Trời của con! Sao Ngài lìa bỏ con?” (Ma-thi-ơ 27: 46). Quả thật, không có sự đau đớn nào có thể sánh được cái đớn đau của Cứu Chúa trên thập tự giá.
Khi Edison chết, để tỏ lòng tôn kính đối với người đã có công chế tạo đèn điện, Tổng thống Hoover, đã ra lệnh cho cả nước, tắt đèn điện trong 2 phút. Nhưng khi Chúa Giê-xu, Đấng Sáng tạo ra ánh sáng chết trên thập tự giá, thì Đức Chúa Trời đã cất ánh sáng đi tại đồi Gô-gô-tha và vùng phụ cận đến 3 tiếng đồng hồ. Không phải để bày tỏ sự tôn kính, mà là để chứng thực cho mọi người biết cái ghê gớm của tội lỗi mà con Đức Chúa Trời phải mang lấy và gánh chịu.
III. Sự Thay Thế Của Chúa Tại Gô-gô-tha
Tại ngọn đồi Gô-gô-tha, Chúa Giê-xu bị treo thân trên thập tự giá để chết thay thế cho những ai? Sứ đồ Phi-e-rơ đã nói: “Vả, Đấng Christ cũng vì tội lỗi, chiu chết một lần, là Đấng công bình, thay cho kẻ không công bình, để dẫn chúng ta đến cùng Đức Chúa Trời” (I Phi-e-rơ 3:18). Ngày xưa, tiên tri Giê-rê-mi, đã hỏi mọi người: “Hỡi những tất cả những ai đi qua đây! Các người không quan tâm gì sao? Hãy đến và xem! Có nỗi buồn nào sánh được với nỗi buồn mà Đức Giê-hô-va đã giáng trên Ngài (tôi) không?” (Ca-thương 1:12). Rồi tiên tri Ê-sai giải thích: “Ngài đã mang sự đau ốm của chúng ta, đã gánh sự buồn bực của chúng ta, mà chúng ta lại tưởng rằng, người đã bị Đức Chúa Trời đánh và đập và làm cho khốn khổ. Nhưng người đã vì tội lỗi chúng ta mà bị vết. Vì sự gian ác chúng ta mà bị thương. Bởi sự sửa phạt người chịu, chúng ta được bình an. Bởi lằn roi người, chúng ta được lành bịnh. Ngài bị hiếp đáp, nhưng khi chịu sự khốn khổ chẳng hề mở miệng, như Chiên Con bị dắt đến hàng làm thịt, như chiên câm ở trước mặt kẻ hớt lông. Ngài chẳng từng mở miệng” (Ê-sai 53: 4-5).
Một nhà văn khi viết về cuộc đời của Chúa Giê-xu, đã nhận định rằng: Tại sao đối với Sam-sôn, Đa-vít, Đa-ni-ên thì được Kinh Thánh bày tỏ như là những người mạnh dạn. Trong khi đó, đối với Chúa Giê-xu thì Kinh Thánh nói Ngài như là một con cừu hay một Chiên con. Điều đó không đúng với cuộc đời của Chúa Giê-xu.
Nhà văn này có ý nghĩ rất tốt, nhưng dường như ông không biết Chúa Giê-xu được gọi là Chiên Con, là vì Ngài đã được Đức Chúa Trời dự bị từ trước để chết cho tội lỗi, là Đấng công bình chết thay cho người không công bình, để dẫn loài người đến cùng Đức Chúa Trời. Và Kinh Thánh còn cho biết thêm, Chúa Giê-xu chẳng những là một Chiên Con thôi đâu, mà Ngài cũng là một con sư tử của Giu-đa. Ngài đến lần thứ nhất với tư cách một Chiên Con của lễ Vượt Qua, để chết cho chúng ta. Nhưng sự đến lần thứ hai của Ngài là trong tư cách của một sư tử của một vị Vua để xét đoán.
Tóm lại, chúng ta đã biết: Lý do Chúa đến Gô-gô-tha, khổ hình Chúa chịu tại Gô-gô-tha, và sự thay thế của Chúa ở Gô-gô-tha. Ông Đặng Ngọc Quốc đã kể lại thực sự đó qua bài Chiều Trên Đồi Gô-gô-tha với những lời hát dưới đây. Mời mọi người cùng hát với tôi.
Chúa tôi cô đơn lặng lẽ mang thập hình
Bước lên trên đồi hồn nghe tan vỡ với muôn sầu đau
Đám đông theo sau, họ như cơn gió không biết hướng đi
Ai nào hay biết, Jesus đớn đau thế cho nhân loại
Cứu Chúa dấu yêu! Thân mang niềm đau
Cứu Chúa dấu yêu! Sao đau thương vơi đầy
Nhân gian đâu thấy, vì quá mến yêu loài người
Jesus phải cam mang bao đớn đau
Chúa! Thân trên thập hình
Nhìn nhân gian với bao mến thương
Chúa tôi yên lặng, tình yêu không thể nói trong lời than
Huyết tuôn bên hông, Jesus đau đớn trút linh hồn
Tội tôi Chúa mang, Jesus dấu yêu Ngài chết thay tôi rồi
Cảm biết Chúa tôi thân mang niềm đau
Cảm biết Cháu tôi sao đau thương vơi đầy
Nhưng tôi câm nín vì tiếng khóc không thành lời
Cứu Chúa dấu yêu Ngài chết thay tôi rồi
Vì yêu loài người, mà Chúa Giê-xu tình nguyện đến Gô-gô-tha, để chết cho tội lỗi loài người. Tại Gô-gô-tha, Ngài đã hy sinh mạng sống để trả giá chuộc tội cho mọi người. Tại Gô-gô-tha, Ngài đã mang lấy trên chính thân Ngài sự đoán phạt mọi tội lỗi của mọi người trong mọi thời đại. Kinh Thánh chép: “Ngài mang tội lỗi chúng ta trong thân thể Ngài trên cây gỗ, để chúng ta chết đối với tội lỗi và sống cho sự công chính; nhờ những vết thương của Ngài mà anh em được chữa lành” (I Phi-e-rơ 2:24). Chúng ta cảm tạ Chúa, mọi công giá đã được làm xong. Sự hình phạt của tội lỗi đã được đền trả. Ở trong Chúa Giê-xu, Ngài gánh chịu mọi đau đớn thay cho chúng ta tại Gô-gô-tha. Cảm ơn Chúa vì con đường khổ nhục Chúa đã bước đi thay cho chúng ta tại Gô-gô-tha. “Cứu Chúa dấu yêu Ngài chết thay tôi rồi!” Amen.
Giám mục Tô Văn Út