CÁC BÀ MẸ XƯA VÀ NAY
Châm Ngôn 31
Mục sư Võ Thị Hiền
Có một em thiếu niên, một lần kia, ra trước Hội đồng Chấp sự trắc nghiệm, để được trở thành tín đồ chính thức trong hội thánh. Lúc ấy, có một chấp sự hỏi em:
– “Cháu có muốn trở nên giống như Chúa Giê-xu không?”
Em thiếu niên hơi bối rối trước câu hỏi ấy. Suy nghĩ một hồi, em ngước mặt lên chậm rãi trả lời:
– “Thưa ông, cháu không biết, vì từ trước đến nay cháu chưa bao giờ nghĩ đến điều ấy”. Rồi với vẻ quả quyết trên gương mặt, em mạnh dạn nói tiếp:
– “Nhưng cháu biết chắc là cháu muốn trở nên giống như mẹ cháu”.
Điều đó có nghĩa là đời sống tốt đẹp, gương mẫu của người mẹ đã đem lại ảnh hưởng tốt cho em, đến nổi em muốn trở thành giống như mẹ mình.
Hôm nay, nhân ngày Lễ Mẹ, chúng ta sẽ cùng nhau suy nghĩ về “Các bà mẹ xưa và nay”.
I. Những Người Mẹ Xa Xưa
1. Những bà mẹ trong Kinh Thánh
a. Bà mẹ của vua Lê-mu-ên
Châm Ngôn 31 là một trong các viên ngọc quý nhất của Kinh Thánh. Chương này của sách Châm Ngôn ghi lại lời, của mẹ vua Lê-mu-ên khuyên con trai mình. Lời lẽ của bài Châm ngôn ấy dù ngắn gọn nhưng rất thâm thúy. Đây không phải là bức tranh tưởng tượng mà là chuyện thật. Câu chuyện hay bức tranh ấy đã chụp từ một cuộc sống thật ở trong thế giới này. Đây là bức tranh về nếp sống gia đình mà trong đó hình ảnh và cách sống của người mẹ được nổi bật hẳn lên: Đức tánh siêng năng, lòng yêu thương, sự khôn ngoan trong lời nói, khéo léo trong quản lý công việc việc nhà, đều được bày tỏ rõ ràng ở đây.
Bí quyết để có được các đức tánh ấy, hay bí quyết đời sống thành công của bà mẹ này được tóm tắt trong mấy chữ: “Kính sợ Đức Giê-hô-va”. Cụm từ “Kính sợ Đức Giê-hô-va” có nghĩa là tôn kính Chúa, tin cậy Chúa, và ghét bỏ những điều xấu. Bà mẹ này kính sợ Đức Giê-hô-va, có nghĩa là đã tôn kính Chúa, tin cậy Chúa, và sống đẹp lòng Chúa.
Chúng ta có thể lắm cho rằng bức tranh này hoặc người mẹ trong Châm Ngôn 31 này là người mẹ của thời xa xưa. Nhưng nếu đọc kỹ các đức tánh ấy, chúng ta sẽ thấy các tánh hạnh ấy không có gì là lỗi thời hoặc xa xưa cả. Những đức tánh của người mẹ này như là các nền tảng của xã hội. Theo thời gian, những gì thuộc về bề ngoài sẽ thay đổi; nhưng những đức tánh bên trong của người mẹ thì không bao giờ thay đổi.
Điều chúng ta học được ở đây là người mẹ này nhờ nơi sự kính sợ Chúa nên đã sản sinh các đức thánh tốt. Và cũng nhờ vào sự kính sợ Chúa mà bà đã được thành công trong thiên chức làm mẹ của mình.
b. Người mẹ và bà ngoại của Ti-mô-thê
Theo sự tường thuật của Phao-lô trong II Ti-mô-thê 1:5; 3:14-15, Ơ-nít là mẹ của Ti-mô-thê và Lô-ít là bà ngoại của Ti-mô-thê. Hai bà này có lòng yêu mến Chúa và hết lòng chăm sóc, dạy dỗ Ti-mô-thê học biết Kinh Thánh từ lúc còn thơ ấu. Khi Ti-mô-thê lớn lên đã trở thành người phục vụ Chúa có nhiều kết quả tốt đẹp. Chính Phao-lô cũng đã xác nhận rằng sở dĩ Ti-mô-thê có đời sống tin kính Chúa tốt, là do công khó dạy dỗ của mẹ và bà ngoại của Ti-mô-thê.
Điều chúng ta học được ở đây là người mẹ và bà ngoại Ti-mô-thê đã hết lòng gây dựng Ti-mô-thê cho Chúa. Hai bà đã nuôi dạy, chăm sóc Ti-mô-thê cho đến lúc khôn lớn, rồi hướng dẫn Ti-mô-thê tin Chúa và trở thành người hầu việc Chúa.
II. Những Người Mẹ Ngày Nay
1. Susanna Wesley là mẹ của John và Charles Wesley
Theo Châu Thanh kể lại, Susanna Wesley sinh vào tháng Giêng năm 1669 tại London, Anh Quốc. Khi lớn lên bà đã gặp mục sư Samuel Wesley và hai người thành hôn ngày 11 tháng 11 năm 1688 tại nhà thờ Anh Quốc giáo. Trong suốt cuộc đời, Susanna Wesley đã sanh 19 người con; trong số đó 9 người chết lúc còn nhỏ, chỉ có 10 người sống đến tuổi trưởng thành, vì vào cuối thế kỷ 17 các dịch vụ y tế còn nhiều giới hạn.
Trong thời gian hầu việc Chúa tại South Ormsby, Mục sư Samuel Wesley đảm nhận ba hội thánh nên phải đi lại thường xuyên. Năm 1696, Mục sư Samuel Wesley được thuyên chuyển về làm mục sư quản nhiệm tại Epworth. Tại đây, ông thường được mời đi giảng tại London và nhiều thành phố khác. Do người chồng thường xuyên vắng nhà, cho nên trách nhiệm nuôi dạy các con được trao lại cho bà Susanna Wesley.
Lúc gia đình còn sống tại South Ormsby, vì ở làng quê, không có trường học, Susanna Wesley đã quyết định mở một lớp học tại nhà để dạy các con. Khi gia đình sống tại Epworth, Susanna Wesley đã dành riêng một căn phòng làm lớp học cho các con. Susanna dạy các con mỗi tuần 6 ngày; mỗi ngày học 6 giờ: từ 9 giờ sáng đến 12 giờ trưa, và từ 2 đến 5 giờ chiều. Susanna Wesley dạy các con văn học, thi ca, âm nhạc, toán, khoa học, Latin, Hy Lạp, và thần học.
Bên cạnh việc dạy các con trong lớp, mỗi tuần Susanna Wesley dành riêng một giờ để gặp riêng, trò chuyện với mỗi đứa con, và hướng dẫn các con trong đời sống tâm linh. Không chỉ dạy con, trò chuyện với con, hằng ngày Susanna Wesley dành thì giờ cầu nguyện cho các con. Tất cả các con của bà Susanna Wesley đều biết rằng, khi mẹ cầm cuốn Kinh Thánh và bắt đầu cầu nguyện, là lúc chúng đừng bao giờ gây ồn ào hay quấy rầy bà; bởi vì đây là lúc Susanna Wesley tìm kiếm mặt Chúa. Mỗi ngày Susanna Wesley dành một giờ đồng hồ để tương giao với Chúa và cầu nguyện cho từng đứa con của mình. Mấy đứa trẻ biết mẹ cầu nguyện cho mình nên rất dè dặt khi bị cám dỗ muốn làm chuyện gì sai quấy.
Susanna Wesley rất quan tâm đến sự hiểu biết Lời Chúa của các con. Ngoài việc dùng Kinh Thánh làm sách tập đọc, dạy Kinh Thánh cho các con trong giờ cầu nguyện mỗi tối, Susanna Wesley muốn các con được nghe những bài giảng tốt. Như đã nói ở trên, chồng bà là mục sư Samuel Wesley thường xa nhà có khi cả vài tháng, do đó, ông phải nhờ một truyền đạo giảng cho hội thánh. Bài giảng của vị truyền đạo thường đề cập tới những vấn đề xã hội, không sâu nhiệm, và ít dùng Kinh Thánh. Bà mẹ Susanna Wesley lo lắng cho các con không được bồi dưỡng tâm linh khi nghe vị truyền đạo giảng vào sáng Chúa Nhật. Do đó, vào buổi chiều, bà tập hợp các con vào nhà thờ, tất cả cùng hát Thi Thiên, rồi bà đọc những bài giảng của cha bà là mục sư tiến sĩ Samuel Annesley hoặc những bài giảng của chồng mình là mục sư Samuel Wesley cho các con nghe. Không bao lâu sau, các tín hữu và dân chúng gần đó xin được tham dự giờ thờ phượng của gia đình. Một thời gian sau, giờ thờ phượng do bà Susanna Wesley hướng dẫn vào buổi chiều, tăng lên 200 người; trong khi đó giờ thờ phượng chính thức vào buổi sáng tại nhà thờ Epworth, càng lúc càng ít người tham dự.
Đức Chúa Trời đã kêu gọi bà Susanna Wesley để làm một người mẹ tin kính; và các con của bà: John Wesley đã thành lập Phong Trào Giám Lý đem lại sự thức tỉnh cho nhiều người; và Charles Wesley, đứa con trai út của bà đã sáng tác hơn chín ngàn bài thơ, được dùng làm thánh ca tôn ngợi Chúa tại hàng trăm quốc gia trên thế giới. Vì thế, Susanna Wesley được một số nhà nghiên cứu, gọi là “người mẹ của Phong Trào Giám Lý”.
2. Bà mẹ của một người con xa quê hương
Vào 40 năm trước, tôi có đọc một bài viết “Nhớ Mẹ” của một người con xa xứ, viết cho người mẹ đang sống tại quê nhà Việt Nam.
“Thưa mẹ, con đã xa mẹ hơn 4 năm rồi, nhưng hình ảnh của mẹ không lúc nào lìa xa tâm trí con. Nhiều đêm con không ngủ được vì con quá thương nhớ mẹ.
Con vẫn biết mẹ cũng có những yếu đuối của con người, nhưng con không bao giờ để ý đến những yếu đuối đó. Đối với con mẹ là người đàn bà mạnh mẽ nhất, vị tha nhất, và vâng phục Chúa nhất.
Mẹ đã cam chịu biết bao thử thách, đắng cay trong đời, nhưng con ít khi thấy mẹ mở miệng than van hay trách móc Chúa. Lúc em con bị bắt ra Hà Nội, con tưởng mẹ sẽ khóc ngất vì buồn khổ, nhưng mẹ thật bình tĩnh. Ngày ba con về với Chúa, nhìn đàn con hơn 10 đứa, ai cũng khóc cho mẹ nhưng mẹ yên lặng chịu đựng. Sau đám tang, mẹ trở về nhà với hai bàn tay trắng, thế mà mẹ vẫn bình tĩnh hầu việc Chúa, khích lệ các anh chị em trong hội thánh và còn cứu giúp cho họ nữa. Thật như lời mẹ nói, “Chúa sẽ lo”, con đã thấy Chúa lo nhiều hơn con mong đợi. Chúa đã ban phước cho mẹ và gia đình ta rất nhiều.
Mấy năm nay đang khi bao người than khóc vì khốn khổ, con nghe nói mẹ vẫn cười. Mẹ vẫn vui vẻ cứu giúp và ngày đêm làm quần quật để nuôi đàn con. Đọc thư của các em con, con biết mẹ chịu khổ nhiều cả trong tinh thần lẫn thể xác, thế mà có bao giờ con nghe mẹ than thở hoặc đọc được một lời phiền trách nào trong thư đâu!
Con nhớ lúc xưa khi mẹ bị người khác làm hại, mẹ im lặng cầu nguyện cho họ. Khi bị chỉ trích, mẹ cười xòa bỏ qua. Mẹ đã làm đúng lời mẹ dạy chúng con: “Hãy tập nhịn nhục và tha thứ”. Con chưa bao giờ nghe mẹ to tiếng với ai. Nụ cười của mẹ đã đánh đổ được biết bao nhiêu thù nghịch.
Đức tin của mẹ đối với Chúa thật vững như đá, thảo nào hoàn cảnh ngang trái chẳng bao giờ xô động được niềm tin của mẹ.
Con không biết đến bao giờ mới gặp lại mẹ, nhưng cho dù con không được diễm phúc nhìn lại gương mặt trìu mến của mẹ, con tin rằng thế nào con cũng sẽ thấy mẹ trên thiên đàng vì mẹ thật là người yêu Chúa”.
Điều chúng ta học được ở đây là người mẹ Việt Nam này đã cam chịu mọi thử thách, đắng cay trong đời, để dạy cho con mình về sự lo liệu, chu cấp của Chúa. Bà đã nhịn nhục cầu nguyện cho những người muốn làm hại và chỉ trích bà, để có thể dạy cho các con về bài học nhịn nhục và tha thứ. Và đây đúng thật là một bà mẹ yêu Chúa và yêu con mình!
Tóm lại, chúng ta đã suy nghĩ về các bà mẹ xưa và nay. Có một mục sư đã thuật lại ba kinh nghiệm phước hạnh trong đời sống của một người mẹ. Và đặc biệt người mẹ đó chính là người, mà vị mục sư đã dắt đưa về với Chúa trước đó.
Người mẹ này đã dạy dỗ, hướng dẫn con mình tin Chúa và có hai người con bước vào thiên chức hầu việc Chúa. Bà mẹ này đã làm chứng lại ba phước hạnh lớn trong đời sống của mình: (1) Ngày bà quỳ gối cầu nguyện tiếp nhận Chúa; (2) Ngày bà nghe người con út mình giảng bài giảng đầu tiên; và (3) Ngày bà dẫn đưa một giáo sư và người chị của vị giáo sư đó đến tin nhận Chúa.
Nhân ngày Lễ Mẹ, xin Chúa giúp cho các bà mẹ tiếp tục nhớ đến, “Con cái là cơ nghiệp Đức Giê-hô-va ban cho; bông trái của tử cung là phần thưởng”, để có thể làm trọn thiên chức làm mẹ của mình trước mặt Chúa (Thi Thiên 127 : 3-5).
Xin Chúa giúp cho những người làm con hãy luôn tưởng nhớ đến công ơn cha mẹ để vâng phục mẹ, tôn kính mẹ, và làm đẹp lòng mẹ, theo như Lời Chúa dạy, “Hỡi những người làm con, hãy vâng lời cha mẹ mình trong Chúa, vì đây là điều phải lẽ. ‘Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi’ — ấy là điều răn thứ nhất, có kèm theo lời hứa ‘để ngươi được phước và được sống lâu trên đất” (Ê-phê-sô 6:1-3).