Vấn Đề Nghèo Đói
Theo Quan Điểm Cơ Đốc
Đại dịch Covid-19 tới nay đã trực tiếp giết chết hơn nửa triệu người trên khắp thế giới, và những ca nhiễm mới vẫn đang tăng ngày qua ngày. Mỹ tiếp tục đứng đầu danh sách nạn nhân của Covid-19 về cả số ca nhiễm lẫn tử vong, trong khi Brazil, Mexico, Ấn Độ, và Nam Phi là các điểm nóng nhất về tốc độ lây lan của virus. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm nay 13/7/2020 thông báo thế giới có số ca nhiễm Covid-19 mới trong ngày tăng cao kỷ lục, đến 230.370 trường hợp dương tính trong 24 giờ. Tính đến ngày 13/7, theo một thống kê của Reuters, cả thế giới gần đạt đến hơn 13 triệu ca nhiễm virus corona, và dịch bệnh đã giết chết hơn 571.000 người trong bảy tháng qua.
CNN đưa tin ngày 12/7: Một báo cáo gần đây của tổ chức Oxfam — liên minh quốc tế gồm 17 tổ chức hoạt động tại 94 quốc gia để tìm giải pháp cho nghèo đói và bất công — đã cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu sẽ nghiêm trọng hơn do đại dịch, và nó có khả năng khiến người chết mỗi ngày nhiều hơn là căn bệnh viêm phổi do virus corona gây ra. “Đại dịch là đòn đánh cuối cùng giáng vào hàng triệu người đang phải vật lộn với tác động của xung đột, biến đổi khí hậu, bất bình đẳng và hệ thống lương thực-thực phẩm đứt gãy. Hệ thống này làm suy nhược hàng triệu công nhân và người sản xuất lương thực-thực phẩm”, giám đốc điều hành tạm thời của Oxfam, ông Chema Vera, nhận định.
Nhiều người mất thu nhập, thiếu hỗ trợ xã hội (do làm việc trong lĩnh vực kinh tế phi chính thức), bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn của chuỗi cung ứng… Việc phong tỏa, hạn chế đi lại cũng ảnh hưởng cả nông dân, công nhân và nhân viên cứu trợ nhân đạo. Những thách thức mới này làm trầm trọng hơn các vấn đề đã có từ lâu như chiến tranh, biến đổi khí hậu, bất bình đẳng gia tăng… và điều này lại làm trầm trọng hơn nạn đói toàn cầu. Oxfam đang kêu gọi các doanh nghiệp lớn trong ngành lương thực-thực phẩm, đồ uống như Coca-Cola, Unilever, General Mills… góp sức đẩy lùi nạn đói.
Chính phủ Việt Nam cũng ban hành Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Theo Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 Chính phủ vừa ban hành, người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng trở lên do các doanh nghiệp gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19, không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương thì được hỗ trợ với mức 1,8 triệu đồng/người/tháng.
Các nhà tỷ phú, doanh nghiệp, nhà thờ, và hội từ thiện cũng đã và đang cố gắng để giúp đỡ những người có lợi tức thấp trong nhiều tháng qua, và sự giúp đỡ đó mỗi ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, với sự giúp đỡ như thế, cuộc sống người nghèo vẫn còn rất khó khăn. Tổ chức phi chính phủ quốc tế Oxfam cho biết, ước tính 122 triệu người nghèo nhất trên hành tinh có thể bị đẩy sâu hơn vào cảnh đói ăn, và 12.000 người có thể chết mỗi ngày liên quan đến đại dịch Covid-19 vào cuối năm nay.
Nhân mùa dịch Covid 19, chúng ta là người Cơ Đốc Giám lý phải đặt lại vấn đề nghèo đói dưới ánh sáng lời Chúa, hầu có thể hết sức chu toàn những gì có thể làm được cho những người nghèo khổ quanh ta.
Thần học chân thật và đúng đắn đối với Đức Chúa Trời, là Đấng được bày tỏ qua Chúa Giê-xu, người Na-xa-rét, bao giờ cũng là tin lành cho những người nghèo khổ, người bị áp bức, bệnh hoạn và tù đày. Đó là tin lành bởi vì nó nói về một Đức Chúa Trời yêu thương, Đấng đã bày tỏ tình yêu cho mọi người và muốn con người có sự an sinh và đầy đủ, là Đấng “yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy, không bị hư mất mà được sự sống đời đời.” (Giăng 3:16)
Nền thần học đúng với Thánh Kinh bày tỏ một Đức Chúa Trời công bằng, trước sau như một đồng cảm và đứng về phía những người nghèo và yếu đuối hơn là những kẻ giàu có, cậy quyền thế. Đây chính là tin lành bởi vì nó bày tỏ Đức Chúa Trời yêu thương và tha thứ cho những ai nhận lấy ân điển như một món quà vô giá (Ê-sai 55:1). Đây là nền thần học mà John và Charles Wesley cùng những nhà truyền đạo Giám lý tiên khởi đã mang tới cho những cư dân ở Anh và Mỹ quốc.
Trong Ngũ Kinh, Đức Chúa Trời đã dạy dân Y-sơ-ra-ên, khi họ vào sống trong đất hứa đượm sữa và mật rồi, trong mỗi 3 (ba) năm họ phải biệt riêng ra một năm gọi là năm dâng hiến một phần mười. Nói cách khác, cuối mỗi năm thứ ba, con dân Chúa sẽ lấy một phần mười của mùa màng thu hoạch được trong năm ấy (gọi là năm dâng hiến một phần mười) đem phân phối cho “người Lê-vi, khách lạ, kẻ mồ côi, và cho người góa bụa, dùng làm lương thực trong các thành ngươi, và những người ấy sẽ ăn no nê” (Phục-truyền luật-lệ ký 26:12).
Thiên Chúa cũng dạy người Y-sơ-ra-ên trong mỗi 7 (bảy) năm phải dành ra một năm sa-bát. Trong thời gian ấy “hãy để đất hoang cho nghỉ, hầu cho kẻ nghèo khổ trong dân sự ngươi được nhờ lấy hoa quả đất đó, còn dư lại bao nhiêu, thú vật ngoài đồng ăn lấy. Cũng hãy làm như vậy về vườn nho và cây Ô-li-ve” (Xuất ê-díp-tô ký 23:11).
Đức Chúa Trời còn dạy cứ mỗi 50 (năm mươi) năm phải dành ra một năm Hân hỉ. Năm thứ năm mươi này là thánh, mọi người trên toàn đất nước sẽ được công bố tự do, hoan hỉ. Dân chúng sẽ không gieo, không gặt, không hái. Năm ấy, mọi người có quyền lấy lại tài sản mình, người nô lệ được tự do trở về với gia đình. Đây là năm đầy hân hoan, hạnh phúc (Lê-vi ký 25:8-12).
Ngoài ra Đức Chúa Trời cũng dạy con dân Ngài không được áp bức người góa bụa và kẻ mồ côi. Người nào cho đồng bào nghèo vay tiền, không được theo lối cho vay lấy lãi (Xuất ê-díp-tô ký 22:21-27). “Khi gặt hái thổ sản, đừng gặt sạch tận gốc đồng, cũng đừng mót lại phần đã sót; đừng vặt sạch vườn nho, đừng nhặt những trái nho đã rơi xuống đất. Hãy để các phần ấy cho người nghèo và khách tạm trú” (Lê-vi ký 19:9-10 BDY).
Sách Châm-ngôn cho thấy người nữ tài đức là người “mở đưa tay ra giúp kẻ khó khăn, giơ tay mình lên tiếp người nghèo khó” (31:20).
Qua Tân Ước, Chúa dạy ta “đừng vị kỷ nhưng phải lưu ý đến quyền lợi người khác” (Phi-líp 2:4 BDY). Khi đãi tiệc, ta đừng mời bạn hữu, anh em, bà con hay láng giềng giàu có, vì họ sẽ mời lại để báo đền. Ngược lại, nên mời người nghèo khổ, tàn tật, què quặt, đui mù (Lu-ca 14:12-14). Lời Chúa trong Ma-thi-ơ 25:31-46 cho thấy, nếu ta không cứu giúp người nghèo khổ, tức là ta từ khước Chúa. Phao-lô nhắc Ti-mô-thê: “Con hãy khuyên bảo người giàu có ở đời này: đừng kiêu ngạo và tin tưởng nơi tiền của không bền lâu, nhưng phải đặt hy vọng nơi Thượng Đế, Đấng rộng rãi ban mọi vật cho chúng ta được hưởng. Hãy khuyên họ làm điều lành, chuyên lo việc từ thiện, mở lòng rộng rãi và sẵn sàng cứu trợ, tích trữ một kho tàng tốt đẹp cho đời sau để hưởng được sự sống thật” (I Ti-mô-thê 6:17-19 BDY). Sứ đồ Giăng cũng đặt lại vấn đề đó: “Nếu một tín hữu có của cải sung túc, thấy anh em mình thiếu thốn mà không giúp đỡ, làm sao có thể gọi là người có tình thương của Thượng Đế? Các con ơi, đừng yêu thương đầu môi chót lưỡi, nhưng phải thật lòng yêu thương người khác và chứng tỏ tình yêu đó bằng hành động” (I Giăng 3:17-18 BDY).
Các tín hữu trong Hội thánh Giê-ru-sa-lem đều coi mọi sự như của chung: đất đai, của cải được bán đi mà phân phát cho mọi người, tùy theo nhu cầu từng người. Ngày ngày họ đồng tâm nhất trí chuyên cần lui tới Đền thờ, bẻ bánh ở nhà, cùng nhau chia sẻ của nuôi thân, lòng hân hoan, dạ đơn thành, trong lời ngợi khen Thiên Chúa, trong sự mến phục của toàn dân (Công-vụ các sứ-đồ 2:44-47). Ở giữa họ không có ai túng thiếu (Công vụ 4:34-35).
Hội thánh đầu tiên cũng cử ra bảy người đầy dẫy Thánh Linh và khôn ngoan để lo việc phân phối lương thực cho các người nghèo (Công vụ 6:1-7). Về sau, khi có cơn đói kém xảy ra vào thời Hoàng đế La Mã Claudius (41-54 S.C), các tín hữu nước ngoài quyết định mỗi người tùy theo khả năng gửi quà cứu trợ anh em tín hữu xứ Giu-đê (Công vụ 11:27-30). Hội Thánh Ma-xê-đoan và Hy-lạp đã quyên trợ cho các tín hữu túng thiếu tại Giê-ru-sa-lem (Rô-ma 15:25-27). Phao-lô đã tổ chức quyên tiền trong các hội thánh xứ Ga-la-ti để giúp đỡ những tín hữu nghèo khổ tại Giê-ru-sa-lem (I Cô-rinh-tô 16:1-4). Phao-lô làm chứng về các hội thánh xứ Ma-xê-đoan, “Trong lúc bị khó khăn thử thách, họ vẫn vui mừng, dù nghèo khổ cùng cực, họ vẫn rộng rãi cứu trợ mọi người” (II Cô-rinh-tô 8:2 BDY). Phao-lô nói tiếp: “Tôi xin xác nhận, không những họ đóng góp tùy khả năng, với tinh thần tự nguyện. Họ nài nỉ chúng tôi cho họ dự phần giúp đỡ các tín hữu xứ Giu-đê. Họ đã làm quá điều chúng tôi mong ước: trước hết, họ hiến dâng tất cả cho Chúa, rồi cho chúng tôi, theo ý muốn Thượng Đế” (II Cô-rinh-tô 8:3-5).
Hơn nữa, Thánh Kinh Tân Ước còn dạy ta: “Ai xin gì, cứ cho; ai mượn gì, đừng từ chối” (Ma-thi-ơ 5:42). Khi bố thí, đừng khua chiêng giống trống cho người ta chú ý. Nhưng khi tay phải ta cứu tế, đừng để tay trái biết, nên giữ cho kín đáo (Ma-thi-ơ 6:2-4). Một trong những biểu quyết của Giáo Hội nghị tại Giê-ru-sa-lem là “nhắc chúng tôi cứu tế người nghèo khổ” (Ga-la-ti 2:10). Ta đừng chỉ mưu lấy lợi riêng mình nhưng phải lưu ý quyền lợi người khác (Phi-líp 2:4). Người giàu đừng kiêu hãnh, đừng đặt hy vọng vào cái vô thường của phú quý. Nhưng hãy làm điều lành, chuyên lo việc từ thiện, mở lòng rộng rãi và sẵn sàng cứu trợ (I Ti-mô-thê 6:17-19). Người lãnh đạo phải là người không tham lam (I Ti-mô-thê 3:3). Người tin theo Chúa Cứu Thế không được khinh miệt người nghèo (Gia-cơ 2:1-7). Trong ngày phán xét, những kẻ từ chối không chịu cứu giúp người nghèo khổ, sẽ bị đưa vào nơi hình phạt đời đời (Ma-thi-ơ 25:31-46).
Ta đừng quên của cải mình có là thuộc về Đức Chúa Trời, thậm chí chính chúng ta cũng thuộc về Ngài, vì cả vũ trụ là của Ngài. “Đất và muôn vật trên đất, thế gian và những kẻ ở trong đó, đều thuộc về Đức Giê-hô-va. Bạc là của Ta, vàng là của Ta, Đức Giê-hô-va vạn quân phán vậy” (Thi-thiên 24:1; A-ghê 2:8). Ngài ban cho ta “mọi thứ cỏ kết hột mọc khắp mặt đất và các loài cây sanh quả có hột giống; ấy sẽ là đồ ăn cho các ngươi. Còn các loài thú ngoài đồng, các loài chim trên trời và các động vật vật khác trên mặt đất, phàm giống nào có sự sống thì Ta ban cho mọi thứ cỏ xanh đặng dùng làm đồ ăn” (Sáng-thế ký 1:28-30).
Chúa cho ta của cải mà ta không giúp kẻ thiếu thốn thì ta chính là “một quản gia, bị cáo với chủ rằng người tiêu phá (tài sản) của chủ” (Lu-ca 16:1). Chúa cho ta quyền quản lý tiền bạc, ta phải sử dụng nó theo mạng lệnh của Ngài: “Ta khuyên các con phải biết dùng của cải trần gian làm việc nghĩa, để khi tiền của hết, các con được tiếp vào nhà đời đời (Lu-ca 16:9 BDY). Nhưng khi ta bố thí “đừng cho tay tả biết tay hữu làm việc gì, hầu cho sự bố thí được kín nhiệm, và Cha, là Đấng thấy trong chỗ kín nhiệm, sẽ thưởng cho” (Ma-thi-ơ 6:3-4).
Thánh Kinh ghi chép việc nghĩa của Áp-đia: “Khi Giê-sa-bên diệt hết các Đấng tiên tri của Đức Giê-hô-va, thì Áp-đia có đem một trăm đấng tiên tri đi giấu trong hai hang đá, mỗi hang năm mươi người, dùng bánh và nước mà nuôi họ” (I Các vua 18:4). Tác giả sách Châm ngôn khuyên: “Chớ từ chối làm lành cho kẻ nào xứng đáng, miễn là tay con có quyền làm điều ấy” (3:27). Vì “ai thương xót kẻ nghèo, tức cho Đức Giê-hô va vay mượn; Ngài sẽ báo lại việc ơn lành đó cho người” (Châm-ngôn 19:17).
Vậy, nếu ta có của cải sung túc, thấy anh em mình thiếu thốn thì đừng “chặt dạ” (I Giăng 3:17). Chớ nên nói với anh em, “Hãy đi cho bình an, hãy sưởi cho ấm và ăn cho no, nhưng không cho họ đồ cần dùng về phần xác” (Gia-cơ 2:16). Khi mở lòng dạ ta ra, ta chẳng những đã gìn giữ sự sống thể xác người khác; mà hành động đó còn chứng tỏ ta có đức tin (Gia-cơ 2:14) và có tình thương của Thượng Đế (I Giăng 3:17).
Giám mục Tô Văn Út