Sứ điệp Phục sinh 2021 – SÁNG TẠI NGÔI MỘ TRỐNG

SÁNG TẠI NGÔI MỘ TRỐNG

“Ngài sống lại rồi, chẳng còn ở đây, hãy xem nơi đã táng xác Ngài” (Mác 16:6)

Có một vị giáo sĩ đang giảng giải Phúc âm giữa chợ của một ngôi làng ở Bắc Ấn-độ. Khi giảng xong, một tín đồ Hồi giáo đến tuyên bố: “Thưa ông, chúng tôi có một điều mà ông không có, và điều này quý hơn bất cứ những gì ông có.” Vị giáo sĩ nói: “Xin ông vui lòng cho tôi biết điều ấy là gì đi.”

Người tín đồ Hồi giáo đáp: “Khi đi đến thành thánh của chúng tôi là Mecca, chúng tôi tìm thấy ít nhất là một quan tài. Còn lúc đến thành thánh của các ông là Giê-ru-sa-lem, các ông không tìm thấy gì ngoài NGÔI MỘ TRỐNG.”

Vị giáo sĩ mỉm cười nói: “Đó là điều khác biệt giữa các tôn giáo chúng ta. Mohammed đã chết và xác người còn nằm trong mộ. Các nhà sáng lập tôn giáo, mỗi người cũng có ngôi mộ riêng. Chỉ riêng Chúa Cứu Thế Giê-xu đã không còn ở trong mộ. Ngài sống lại rồi và đang nắm tất cả uy quyền trên trời dưới đất trong tay.”

Xưa nay, khi có một vị giáo chủ qua đời, người ta thường đến nơi mộ người để thờ lạy, và sau đó họ làm cho nơi ấy thành một trung tâm hành hương. Nhưng trong lịch sử Cơ Đốc giáo không hề có những cuộc hành hương nào như vậy nơi mộ của Chúa Cứu Thế. Ngôi mộ của Chúa Giê-xu đã trở thành trống không, chỉ ba ngày sau khi an táng. Và điều lạ lùng là trải qua hơn 2000 năm nay, dù cho loài người cố gắng tìm kiếm bằng bất cứ cách nào, cũng không sao tìm ra thi thể của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Lý do vì sao? Câu trả lời được tìm thấy qua lời tuyên bố của thiên sứ: “Ngài sống lại rồi, chẳng còn ở đây, hãy xem nơi đã táng xác Ngài” (Mác 16:6). Lời tuyên bố này bày tỏ ba điều quan trọng:

  1. Thực sự của ngôi mộ trống
  2. Lời giải thích về ngôi mộ trống
  3. Tầm quan trọng của ngôi mộ trống

I. Thực Sự Của Ngôi Mộ Trống

Theo Thánh Kinh, Chúa Giê-xu đã chết trên thập tự giá và đã được chôn trong thạch mộ. Nhưng Ngài không chết luôn, đến ngày thứ ba Chúa từ cõi chết sống lại. Thực sự đó chẳng những đã được Thánh Kinh Tân ước ghi chép rõ ràng, mà cả Thánh Kinh Cựu ước cũng đã nói trước thật đầy đủ:

  1. Cựu ước

           Nhiều thế kỷ trước khi Chúa Giê-xu đến thế gian, Đức Chúa Trời đã mặc khải cho các trước giả Cựu ước viết về sự sống lại của Chúa Cứu Thế.

Trong Thi-thiên 16:10, ta đọc thấy lời dự ngôn này: “Vì Chúa sẽ chẳng bỏ linh hồn tôi trong Âm phủ, cũng không để cho người thánh Chúa thấy sự hư nát.” Lời Đức Chúa Trời cho biết rằng, Âm phủ sẽ chẳng giữ được Chúa Giê-xu. Ngài phải từ cõi chết sống lại.

  1. Tân ước

Nhà chép Phúc âm Ma-thi-ơ đã thuật lại: “Sáng Chúa nhật, trời mới rạng đông, Ma-ri Ma-đơ-len và Ma-ri mẹ Gia-cơ đi thăm mộ Chúa. Bỗng nhiên, có trận động đất dữ dội: một thiên sứ của Chúa từ trời giáng xuống, lăn tảng đá khỏi cửa mộ và ngồi lên trên. Mặt thiên sứ sáng như chớp nhoáng, áo trắng như tuyết. Bọn lính canh run rẩy khiếp sợ, trở nên bất động như xác chết. Thiên sứ bảo: Đừng sợ, tôi biết các bà tìm Chúa Giê-xu, Đấng đã chịu đóng đinh trên cây thập tự. Nhưng Chúa không ở đây đâu. Ngài sống lại rồi, đúng như lời Ngài nói. Hãy đến xem chỗ Chúa đã nằm…” (Ma-thi-ơ 28:1-7 BDY).

Chúa Cứu Thế Giê-xu đã chết vì tội lỗi của nhân loại, nhưng Ngài không chết luôn. Dấu niêm phong và toán lính canh La-mã không thể giữ thân thể Ngài lại dưới lòng đất. Ngôi mộ trống không của Ngài đã nói lên cho mọi người biết rằng Ngài đã đắc thắng tử thần để sống lại và đang sống cho đến muôn đời. Thực sự này đã khiến cho Cơ Đốc Giáo trở nên khác biệt với tất cả các tôn giáo.

II. Lời Giải Thích Về Ngôi Mộ Trống

Sự sống lại của Chúa Giê-xu là trung tâm của Cơ Đốc giáo, nên lời giải thích về ngôi mộ trống được rất nhiều người chú ý đến. Các lời giải thích được chia làm hai loại: lời giải thích của kẻ chống đối Chúa, và lời giải thích của thiên sứ.

  1. Lời giải thích của kẻ chống đối Chúa

 a. Xác Chúa đã bị các môn đệ đánh cắp

          Đây là lời giải thích lâu đời nhất về ngôi mộ trống. Lời giải thích này do các nhà lãnh tụ Do thái chủ mưu. Họ mua chuộc bọn lính để phao tin đồn rằng các môn đệ đã đánh cắp thi thể Chúa rồi tạo nên huyền thoại là Chúa đã sống lại (Ma-thi-ơ 28:11-15). Tuy vậy, thuyết trên không thể đứng vững trước những sự kiện hiển nhiên. Làm sao các môn đệ có thể đánh cắp thi thể Chúa được khi có cả một đội lính La-mã ngày đêm canh giữ ngôi mộ, đồng thời còn có một vầng đá lớn chận ngay trước cửa mộ. Hơn nữa, hơn 2000 năm nay dù cho người ta có khổ công tìm kiếm bằng bất cứ cách nào, họ cũng không sao tìm được thi thể Chúa. Mặt khác, làm thế nào ta có thể tin được rằng các môn đệ yếu đuối kia lại sẵn sàng chịu chết chỉ cốt để bênh vực cho một bí mật giả tạo? Samuel Abgunrin quả quyết: “Người ta có thể chết vì bị lừa gạt, nhưng không thể chết cho điều mà họ biết là hoàn toàn dối trá.”

b. Xác Chúa bị kẻ chống đối Ngài đánh cắp

          Nhiều người cho rằng những nhà lãnh tụ Do thái đã đánh cắp thi thể Chúa để các môn đệ không thể phao tin rằng Ngài đã từ cõi chết sống lại. Lời giải thích này cũng không hợp lý, vì nếu kẻ thù đã thật đánh cắp xác Chúa thì họ chỉ cần trao xác Ngài ra khi nghe các môn đệ rao giảng Chúa đã sống lại.

c. Chúa chưa thật chết mà chỉ bị bất tỉnh

          Vào thế kỷ 19, người ta đưa ra lời giải thích là Chúa chưa thật chết mà chỉ bị bất tỉnh mà thôi. Lời giải thích trên đã không còn được nhắc đến nhiều trong thế kỷ này. Bernard Ramn quả quyết: “Thuyết bất tỉnh nhân sự chỉ là một kế lẫn tránh của nhiều án tích có chủ tâm và không có một chút phê chuẩn lịch sử nào cả. Thật thế, thuyết trên chẳng nói lên được gì hết ngoài sự cố ý của con người trong việc chối bỏ phép lạ siêu nhiên về sự sống lại của Chúa Cứu Thế.”

  1. Lời giải thích của thiên sứ

“Chúa Giê-xu sống lại rồi, chẳng còn ở đây,” chính là lời giải thích của thiên sứ về ngôi mộ trống. Lời giải thích này được kể là đúng đắn nhất từ xưa đến nay vì nó đã được chứng minh nhiều nhất. Thật vậy, các nhà chép Thánh Kinh Tân ước đã nói về sự sống lại của Chúa Giê-xu như là một biến động có thể khảo sát, có thể chứng minh. Trong I Cô-rinh-tô 15, Phao-lô đưa ra một bảng danh sách những người đã nhìn thấy Chúa Giê-xu sống lại:

(1) Chúa Giê-xu hiện ra cho Phi-e-rơ

(2) Chúa hiện ra cho các sứ đồ

(3) Chúa hiện ra cho hơn 500 anh em trông thấy cùng một lúc. Chứng cớ này có giá trị nhiều nhất vì không phải Chúa chỉ hiện ra cho một người xem thấy, mà còn hiện ra cho 500 người cùng một lần xem thấy, và hầu hết những người đã được nhìn tận mắt Chúa phục sinh vẫn còn sống, khi Phao-lô viết thư Cô-rinh-tô, nên người ta có thể kiểm chứng những thực sự về việc Chúa đã hiện ra.

          (4) Chúa hiện ra cho Gia-cơ

(5) Chúa hiện ra cho hết thảy các sứ đồ

(6) Chúa hiện ra cho Phao-lô

Trong các sách Phúc âm còn ghi chép nhiều lần khác Chúa hiện ra trong khoảng thời gian 40 ngày, lúc Chúa còn lưu lại trên đất sau ngày phục sinh.

Vậy nên, một lần nữa minh chứng cho ta thấy lời giải thích của thiên sứ “Ngài sống lại rồi, chẳng còn ở đây,” chính là lời giải thích đúng đắn nhất về ngôi mộ trống.

 III. Tầm Quan Trọng Của Ngôi Mộ Trống

Ngôi mộ trống đã nói lên cho thế giới biết những điều quan trọng nào? Điều quan trọng thứ nhất mà ngôi mộ trống đã bày tỏ là:

  1. Vì Chúa Giê-xu đã sống lại nên Ngài chính là Cứu Chúa sống

Người ta kể lại về một người có ý định sáng lập một tôn giáo mới nên đã đến với vị giáo sư lão thành hỏi ý kiến xem mình phải bắt đầu như thế nào. Vị giáo sư nói với người rằng điều đó rất giản dị. Trước hết người phải viết ra những giáo huấn cho tôn giáo mà người đã đề xướng rồi phân phát cho các môn đệ của người.

– “Rồi tôi phải làm gì nữa?” Người ấy hỏi.

– Vị giáo sư trả lời: “Sau đó ông phải tự để mình chịu đóng đinh, chịu chết và được chôn. Đến ngày thứ ba ông phải từ cõi chết sống lại và hiện ra cho 500 người.”

Chúng ta đã biết đoạn kết của câu chuyện là người ấy chẳng bao giờ thực hiện được theo lời dạy của vị giáo sư lão thành đó. Chẳng phải chỉ người này không làm được mà tất cả mọi người trên đất đều cũng bất lực trước sự chết. Ngoài Chúa Cứu Thế Giê-xu, không ai dám tự nhận mình có thể từ cõi chết sống lại.

Do đó, điều quan trọng thứ nhất mà ngôi mộ trống bày tỏ: Chúa Giê-xu chính thật là Cứu Chúa sống. Sự phục sinh của Ngài đã đem lại sự bảo đảm là Ngài có đủ khả năng làm Cứu Chúa của loài người. Sự phục sinh của Ngài đã đem lại sự bảo đảm là Ngài có đủ tư cách trở thành vị Cứu tinh của nhân loại. Sự phục sinh của Ngài đã đem lại sự bảo đảm là Đức Chúa Trời đã nhìn nhận công trình cứu chuộc của Ngài trên thập tự giá, theo lời Thánh Kinh chép: “Chúa Cứu Thế chịu chết đền tội chúng ta, và sống lại để chứng nhận chúng ta là người công chính” (Rô-ma 4:25 BDY).

  1. Vì Chúa Giê-xu sống lại nên đã đem đến cho người tin Ngài hy vọng sống

Hy vọng sống ấy được Thánh Kinh bày tỏ: “Chúa Cứu Thế thật đã sống lại, Ngài sống lại đầu tiên trong muôn triệu người sẽ sống lại. Do một người mà có sự chết, cũng do một người mà có sự sống lại của kẻ chết. Do A-đam mọi người đều chết, do Chúa Cứu Thế mọi người đều sẽ sống lại. Sự sống lại diễn ra theo thứ tự: Chúa Cứu Thế Giê-xu sống lại trước hết, đến ngày Chúa tái lâm, những người thuộc về Ngài sẽ sống lại” (I Cô-rinh-tô 15:20-23 BDY).

Có người hỏi rằng: Người chết sống lại cách nào? Lấy thể xác đâu mà sống lại? Phao-lô giải thích: “Vật gì người gieo ra nếu không chết đi trước đã, thì không sống lại được. Còn như vật người gieo, ấy không phải là chính hình thể sẽ sanh ra, chẳng qua là một cái hột, như hột lúa mì hay là hột giống nào khác. Đức Chúa Trời cho nó hình thể tùy ý Ngài lấy làm tốt, mỗi một hột giống, cho một hình thể riêng… Sự sống lại của kẻ chết cũng như vậy. Thân thể đã gieo ra là hay hư nát, mà sống lại là không hay hư nát; đã gieo ra là nhục, mà sống lại là vinh; đã gieo ra là yếu, mà sống lại là mạnh; đã gieo ra là thể huyết khí, mà sống lại là thể thiêng liêng… Nhưng chẳng phải thể thiêng liêng đến trước, ấy là thể huyết khí; rồi thể thiêng liêng đến sau… Như chúng ta đã mang ảnh tượng của người thuộc về đất, thì chúng ta cũng sẽ mang ảnh tượng của người thuộc về trời” (I Cô-rinh-tô 15:35-49).

Người ta kể chuyện về người giúp việc của nhà hóa học danh tiếng Faraday: Ngày nọ, người giúp việc làm rớt cái chén nhỏ bằng bạc vào chậu acid. Cái chén ấy lập tức bị hòa tan, biến mất trong chậu acid đó. Faraday thấy vậy liền lấy một ít chất hóa học bỏ vào chậu, và chỉ trong vài phút, những gì thuộc về bạc đều lắng xuống hết ở dưới đáy chậu. Faraday đổ nó ra, thấy có một khối bạc hình dạng xấu xí. Sau đó, ông đem nó đến thợ bạc và làm thành lại một chén nhỏ bằng bạc giống như trước.

Cũng vậy, nếu nhà hóa học Faraday có thể tìm lại được chén nhỏ bằng bạc đã bị hòa tan trong chậu acid; chắc chắn Đức Chúa Trời toàn năng cũng có thể khôi phục thân thể đã chết của những người tin nhận Ngài, để cho họ sống lại và sống đời đời trong ngày Chúa Giê-xu tái lâm. Cho dù người tin Chúa có bị chết trong biển, có bị quăng cho thú dữ cắn xé, có bị tra tấn cho đến chết, đó cũng không phải là điểm chung cuộc. Sự chết xảy đến cho những người tin Chúa như là một giấc ngủ hoặc như là một giai đoạn giao thời giữa cuộc sống đời tạm này và cuộc sống vĩnh cửu của đời sau. Sứ đồ Phi-e-rơ khi nghĩ đến thực sự này, đã vui mừng thốt lên: “Ngợi khen Đức Chúa Trời… chúng ta nhờ sự Chúa Cứu Thế Giê-xu từ trong kẻ chết sống lại mà có được HY VỌNG SỐNG” (I Phi-e-rơ 1:3).

Để kết luận, tôi nhớ nhiều năm trước, có một người Trung hoa sau khi tiếp nhận Chúa đã kể lại kinh nghiệm tìm chân lý của mình như vầy:

“Tôi đã đến với Phật giáo để gõ cửa, thì chỉ được nghe một tiếng dội lại từ ngôi mộ. Tôi đến với Mahommed để gõ cửa, thì không nghe tiếng trả lời. Tôi đến với Khổng giáo để gõ cửa, thì chỉ thấy bụi bặm của nhiều thế kỷ đang đóng một lớp thật dầy trên ngôi mộ. Đoạn tôi đến với Chúa Giê-xu để gõ cửa, thì được thấy NGÀI ĐANG SỐNG. Chúa đến tận cửa mời tôi vào. Ngài đã cứu rỗi tôi, đặt vào lòng tôi sự vui mừng, hiện nay đôi chân tôi đang bước đi trên con đường phước hạnh và vinh hiển.”

Tôi tin chắc anh chị em sẽ có được kinh nghiệm trên khi anh chị em bằng lòng đặt niềm tin nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu.

Tôi tin chắc lòng anh chị em sẽ được tươi vui, bình an; đôi chân anh chị em sẽ bước đi trên con đường cứu rỗi, khi anh chị em bằng lòng đặt niềm tin nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu.

Tôi tin chắc hy vọng sống sẽ ngập tràn trên cuộc đời anh chị em, khi anh chị em bằng lòng đặt niềm tin nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu.

Tôi biết được như vậy vì thực sự của ngôi mộ trống, lời giải thích về ngôi mộ trống, và tầm quan trọng của ngôi mộ trống là những bảo đảm chắc chắn cho chúng ta.

Giám mục Tô Văn Út

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *