MỖI HỘI THÁNH TƯ GIA LÀ MỘT CĂN CỨ TRUYỀN GIÁO
Viết bởi Leo Harris |
A. HỘI THÁNH TÂN ƯỚC
Theo khuôn mẫu Tân Ước, các Hội Thánh tư gia nên:
- Có tài chánh do các chi thể dâng hiến.
- Do các trưởng lão quản trị.
- Do các chấp sự được chỉ định phụng sự.
Họ phải có nhiệm vụ truyền giáo và truyền bá phúc âm. Nếu tin lành được rao truyền có hiệu quả cho mọi người xung quanh, thì mỗi Hội Thánh tư gia phải trở thành một căn cứ cho các hoạt động truyền giáo. Đây là khuôn mẫu trong Hội Thánh Tân Ước đầu tiên.
- Hội Thánh ở Giêrusalem
Bảy đoạn đầu trong sách Công-vụ mô tả các hoạt động của Hội Thánh đầu tiên tại Giêrusalem.
Dường như sau sự tuôn đổ của Thánh Linh vào ngày lễ Ngũ tuần, Hội Thánh đã mất nhiều năm để huấn luyện và trang bị chức vụ hầu việc cho các tân tín hữu. Sau đó Hội Thánh bắt đầu yên nghỉ trong sự an ủi thuộc linh và quên lời dạy dỗ của Chúa Jesus.
Chúa Jesus phán “Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền phép, và làm chứng về ta tại thành Giêrusalem, cả xứ Giuđê, xứ Samari, cho đến cùng trái đất ” (Công 1:8).
Sự làm chứng phải được bắt đầu ở Giêrusalem (quê hương của bạn), sau đó là đến những vùng lân cận (xứ Giuđê) và rồi đến những điểm xa hơn để rồi đến tận cùng trái đất.
- Sự Bắt Bớ Tạo Nên Sự Truyền Giáo
Khi Hội Thánh Giêrusalem không làm theo lời ủy thác này, Chúa đã cho phép sự bắt bớ xảy ra để họ bị tan lạc. Chỉ đến lúc đó tin lành mới được đem đến những nơi khác.
Công-vụ đoạn 8 đã kể lại câu chuyện này. Trong số những người bị sự bắt bớ làm tản lạc là Philíp. Ông đã đi xuống Samari và rao giảng về Đấng Christ cho dân ở đây. Một cuộc phục hưng lạ lùng đã xảy ra.
Trong đoạn 9 chúng ta thấy có các tín đồ ở Đamách và trong câu 31, chúng ta thấy có “các Hội Thánh trong cả xứ Giuđê, xứ Galilê và xứ Samari “.
Đến 11:19, chúng ta thấy “Những người bị tản lạc bởi sự bắt bớ xảy đến về dịp Êtiên, bèn đi đến xứ Phênixi, đảo Chíprơ và thành Antiốt, chỉ giảng đạo cho người Giuđa thôi “.
- Hội Thánh Ở Antiốt
Tất cả các trung tâm Cơ đốc mới mẻ này đều là sản phẩm của hoạt động truyền giáo của Hội Thánh Giêrusalem. Tuy nhiên trong Công-vụ đoạn 13, một trong những Hội Thánh mới này đã phát triển thành “một căn cứ hoạt động” khác. Đó là Hội Thánh ở Antiốt.
Trong suốt thời gian kiêng ăn cầu nguyện ở Antiốt, Thánh Linh đã xác quyết sự kêu gọi cho Phaolô và Banaba để thực hiện cuộc hành trình truyền giáo đến những nơi xa. Tại Antiốt, họ đã đặt tay trên hai sứ đồ này rồi sai đi.
Đoạn 13, 14 mô tả về cuộc hành trình của Phaolô và Banaba. Sau khi họ đã đi được khoảng hai năm, Kinh Thánh chép:
“Từ nơi đó, hai người chạy buồm về Antiốt, là chỗ mình đã ra đi, được giao phó cho ân điển của Đức Chúa Trời, để làm công việc mình vừa mới làm xong. Hai người vừa đến nơi, nhóm họp Hội Thánh rồi, bèn thuật lại mọi việc Đức Chúa Trời đã cậy mình làm, và Ngài mở cửa đức tin cho người ngoại là thể nào. Hai người ở tại đó lâu ngày với các sứ đồ ” (14:26-28).
Hội Thánh tại Giêrusalem luôn được xem là trung tâm ban đầu mà từ đó tin lành được rao ra. Nhưng ở đây Hội Thánh tại Antiốt đã bảo trợ cho công việc truyền giáo và trở thành một căn cứ cho các hoạt động truyền giáo.
Đúng ra là Phaolô, Banaba và các anh em khác có đến Giêrusalem, để dự hội nghị các sứ đồ và trưởng lão (Công-vụ 15). Hội nghị này được hình thành để đưa ra những giáo lý căn bản. Tuy nhiên bức tranh trong sách Công-vụ là một trong những thành phố và Hội Thánh tư gia địa phương tự trị quan tâm đến việc truyền giáo.
Ở Antiốt, năm chức vụ được vận hành dưới quyền làm đầu của Chúa Jesus Christ. Họ hoạt động trong quyền năng của Thánh Linh và bảo trợ cho công cuộc truyền giáo của họ.
- Sự Nhận Thức Về Chức Vụ Ân Tứ
Mỗi Hội Thánh tư gia hoạt động dưới sự giám sát của các trưởng lão tại đó, nhưng tất cả mọi người đều nhận thức đầy đủ về các chức vụ ân tứ mà Đức Chúa Trời đã ban cho để lãnh đạo, hướng dẫn và thúc giục họ.
Trong sách Công-vụ, các chức vụ sứ đồ đã hoạt động trong nhiều năm từ một trung tâm. Chúng ta thấy Phaolô đã ở Antiốt “cả năm” trước khi các cuộc hành trình truyền giáo của ông được mô tả trong Công-vụ đoạn 13 và 14.
Từ cuộc hành trình truyền giáo trở về, ông đã ở lại Antiốt “lâu ngày với các môn đồ “.
Phaolô ở lại Côrintô 18 tháng (Công 18:11). Ông đã ở liên tục ba năm tại Êphêsô (20:17, 31).
Do đó chúng ta thấy chức vụ sứ đồ của Phaolô đã được sử dụng trong các Hội Thánh, tại những thành phố then chốt như là những trung tâm để thi hành chức vụ trong thời gian lâu dài như thế nào.
Tuy nhiên các Hội Thánh tại các thành phố và các Hội Thánh tư gia này là những căn cứ truyền giáo tự trị để truyền bá tin lành.
- Khuôn Mẫu Cho Ngày Nay
Chắc chắn đây là khuôn mẫu mà Chúa đã dự định cho chúng ta noi theo. Chúng ta sẽ tiếp tục theo khuôn mẫu này trải qua các thế kỷ trong thời đại Hội Thánh, qua cả lịch sử của Hội Thánh trên đất.
Nguyện Đức Chúa Trời dấy lên nhiều Hội Thánh tư gia hơn nữa để tiếp tục chương trình truyền giáo và chinh phục linh hồn. Ý chỉ của Đức Chúa Trời là các Hội Thánh tư gia này sẽ sinh ra các Hội Thánh tư gia khác.
Bằng cách này, theo luật gia tăng cấp số, không những tin lành được loan ra mà các Hội Thánh tư gia cũng được hình thành như những gia đình thuộc linh cho những người đến với Đấng Christ.
B. NHỮNG PHƯƠNG PHÁP GỢI Ý VỀ SỰ TRUYỀN GIÁO CHO THỜI ĐẠI CỦA CHÚNG TA
Ở đầu phần này, chúng tôi đã khái quát một chương trình gồm năm điểm để có sự phục hưng như sau:
* Một sự khao khát sâu xa
* Một chương trình xác định
* Đội Hiệp Một
* Những ý tưởng có kỷ luật
* Chức vụ giải cứu
Tất cả những điều này đều đã được xem xét ngoại trừ điểm thứ hai.
Chương trình được xác định, hoặc các phương pháp ra đi truyền giáo của mỗi Hội Thánh hoặc một nhóm các Hội Thánh, đều phải được tiến hành theo những điều kiện và hoàn cảnh của địa phương. Tuy nhiên đây là một vài phương tiện truyền giáo đề nghị. Ở nhiều nơi, các phương pháp này được xem là có hiệu quả và có lẽ là phù hợp với sự hướng dẫn của Thánh Linh.
- Rao Giảng Tin Lành
Không gì có thể thay thế cho sự rao giảng được xức dầu về Lời Đức Chúa Trời. Đây là phương pháp do Đức Chúa Trời dùng để cứu rỗi con người. Theo tiêu đề này, chúng tôi muốn nói đến: Sự rao giảng trong nhà, trong các Hội Thánh, các hội trường, trong các trại truyền giáo cũng như ở ngoài trời (xem ICôr 1:21).
- Các Chiến Dịch Bằng Sự Viếng Thăm Của Những Nhà Truyền Giáo.
Chức vụ được xức dầu của một nhà truyền giáo có thể gây một ảnh hưởng lớn. Truyền giáo là một phương pháp có trong Kinh Thánh để cứu người. Có những nhà truyền giáo được Đức Chúa Trời kêu gọi mà phẩm chất của họ được chứng minh và những người này đã được dùng để đem lại ích lợi lớn trong việc ra đi truyền giáo trong các Hội Thánh thành phố hoặc các Hội Thánh tư gia.
- Các Phim Ảnh Cơ Đốc
Sự thành công của phim ảnh tùy thuộc rất nhiều vào các điều kiện khác nhau ở mỗi địa phương. Chúa có thể dùng một phim thích hợp cho một thời điểm thích hợp tại một nơi thích hợp. Phương pháp này nếu được sử dụng cách khôn ngoan, có thể đem những người mới đến các Hội Thánh tư gia và chinh phục họ bằng Tin lành.
- Truyền Đạo Đơn
Việc in Lời của Đức Chúa Trời là một hình thức truyền giáo rất quan trọng. Nhiều tổ chức đã chứng tỏ được sức mạnh rất lớn của truyền đạo đơn.
Chúng ta phải cố trao truyền đạo đơn cho càng nhiều người càng tốt. Sử dụng phương pháp truyền giáo này là một cơ hội lớn cho các Hội Thánh địa phương.
- Cá Nhân Chứng Đạo
Dường như có rất nhiều người được cứu qua phương pháp chứng đạo cá nhân. Một trong những cách làm chứng hữu hiệu nhất của Hội Thánh tư gia là chứng đạo cá nhân của những người đã kinh nghiệm được ân điển và quyền năng của Đức Chúa Trời trong đời sống của họ. Các tín đồ đều có thể thi hành chức vụ này trong công việc, trong những mối giao tiếp xã hội, ngay cả việc đi từ nhà này sang nhà khác để làm chứng.
- Các Sinh Hoạt Thanh Niên
Theo báo cáo cho biết một điều khiếm khuyết trong tất cả các tội phạm tuổi thành niên là chúng không kinh nghiệm đời sống Cơ đốc sống động. Đây là môi trường lớn, là cơ hội để chinh phục những người trẻ, từ em bé nhỏ tuổi nhất đến những thiếu niên lớn nhất. Trong phương pháp truyền giáo này, các Hội Thánh tư gia có một cơ hội rất tốt.
- Sự Quảng Bá
Đúng là phép lạ có thể làm bất cứ điều gì để quảng bá về tin lành. Vì vậy chúng ta có thể dùng các phương tiện truyền thông đại chúng cách có kết quả.
Sự quảng bá bằng báo chí thường được chứng tỏ là rất hiệu quả. Các tờ bướm và truyền đạo đơn có thể được sử dụng đem lại lợi ích lớn. Radio và TV là hai phương tiện có thể đem hàng ngàn người đến với tin lành.
Trong thế giới hiện đại này, Hội Thánh tại thành phố nên kiếm cách sử dụng tất cả các phương tiện hiện đại để đến với thế hệ hiện đại này. Tin lành luôn thỏa mãn tấm lòng của tất cả mọi người.
Chúng ta hãy tìm cách làm theo khuôn mẫu của Tân Ước. Chúng ta hãy chấp nhận sự thách thức của thời đại chúng ta. Chúng ta hãy dự định một “hoạt động truyền giáo”. Chúng ta hãy chinh phục những người hư mất bằng bất cứ giá nào trước khi Đấng Christ trở lại. Chúng ta sẽ được khen thưởng bằng niềm vui mừng về sự hầu việc Chúa và nhận lấy mão triều thiên từ tay Ngài khi Ngài trở lại.