KINH NGHIỆM CHÚA TRONG SỨ VỤ MÔN ĐỒ HÓA GIA ĐÌNH

KINH NGHIỆM CHÚA TRONG SỨ VỤ

MÔN ĐỒ HÓA GIA ĐÌNH

Giám mục Tô Văn Út tổng hợp

Gia đình là hai tiếng thiêng liêng gợi lên cho ta biết bao những hình ảnh đẹp và những tình cảm ấm áp. Nơi đây, ta được sinh ra, nuôi dưỡng và dưỡng dục để trở nên người. Ai cũng được sinh ra bởi một người nữ mà ta gọi thân thương là mẹ và được một người đàn ông dạy dỗ mà ta gọi là bố, là cha. Từ đó, một gia đình gồm cha, mẹ và con cái được thành hình.

Ngày nay, trong các bổn phận gia đình, thì bổn phận của cha mẹ đối với con cái về giáo dục tâm linh thường hay bị bỏ qua. Cha mẹ là những người đã truyền sự sống mình cho con cái, có bổn phận hết sức quan trọng là phải giáo dục chúng nên người hữu dụng cho xã hội và nên người con thảo của Chúa và Giáo hội. Cha mẹ là những nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu của chúng. Vai trò này quan trọng đến nỗi: nếu thiếu sót thì khó lòng mà bổ khuyết được. Vai trò này lại càng quan trọng, khi khả năng giáo dục của Giáo hội bị thu hẹp do hoàn cảnh (giãn cách vì dịch bệnh COVID-19), do đó việc giáo dục Cơ Đốc dường như chỉ còn được thể hiện cách thuận tiện trong gia đình. Hơn nữa, thời đại ngày nay đã đặt ra nhiều vấn nạn về đức tin, đặc biệt cho giới trẻ. Đó là một nguyên nhân to lớn làm cho bổn phận này thêm nặng nề và khẩn thiết.

 Mục Tiêu:

Sau khi hoàn tất bài học này, các học viên sẽ có thể:

  1. Kiến tạo gia đình mình trở thành hội thánh tại gia
  2. Kiến tạo gia đình mình trở thành học đường tại gia
  3. Kiến tạo gia đình mình trở thành trung tâm truyền giáo tại gia

Cầu Nguyện Mở Đầu:

Mời một người cầu nguyện

Ôn Bài (nếu có)

  1. Ôn lại những điểm chính của bài trước
  2. Chia sẻ kinh nghiệm áp dụng
  3. Mời tất cả học viên chia sẻ kinh nghiệm áp dụng của mình
  4. Xác nhận những nỗ lực của các học viên. Chỉ ra các điểm mạnh. Nếu cần hãy sửa sai một cách tế nhị.
  5. Tuỳ ý: Yêu cầu học viên đánh giá tại sao các áp dụng thành công hoặc không thành công.

 

DẪN NHẬP

Bạn đã từng tham dự gia đình lễ bái (môn đồ hóa gia đình) như là bậc cha mẹ hay con cái chưa? Điều gì trong giờ gia đình lễ bái đã khiến buổi nhóm ấy trở nên đặc biệt?

 

 HỌC TẬP

Dàn Ý

  1. Gia đình là hội thánh tại gia
  2. Gia đình là trường học tại gia
  3. Gia đình là trung tâm truyền giáo tại gia

 

Câu Gốc: Ê-phê-sô 6: 4

 

Câu Hỏi Khám Phá

  1. Bạn hãy diễn đạt lại (viết lại) câu gốc trên bằng lời của mình?
  2. Bạn hãy tóm tắt mục tiêu và hy vọng của đời sống mình qua câu gốc ở trên?

 

Câu Hỏi Khám Phá Cho Các Câu Kinh Thánh Phụ (hỗ trợ)

Câu Hỏi Khám Phá

  1. Đọc Sáng-thế ký 4:26 và cho biết nó có phải buổi thờ phượng Chúa trong gia đình, được ghi lại đầu tiên trong Kinh Thánh? Tại sao có? Tại sao không?
  2. Đọc Xuất Ê-díp-tô ký 20: 8-10 và cho biết Đức Chúa Trời đã truyền lệnh cho những người cha trong gia đình, làm gì cho con cái trong ngày yên nghỉ?
  3. Có phải Gióp 1:1-5 là một tường thuật về sự thờ phượng trong gia đình? Tại sao có? Tại sao không?
  4. Theo Phục-truyền 6:6-9; Giô-suê 4: 21-24; Ê-phê-sô 6:4, Đức Chúa Trời đã truyền lệnh cho cha mẹ, phải giáo dục con trẻ như thế nào?
  5. Đọc Lu-ca 2: 39-40, 52 và cho biết mẹ phần xác của Chúa Giê-xu thực hiện triệt để, chương trình giáo dục mẫu mực của người Do Thái như thế nào?
  6. Đọc Lu-ca 2: 40, 52 và cho biết bốn lãnh vực tăng trưởng, trong đời sống Chúa Giê-xu là gì?
  7. Đọc Châm Ngôn 1:8; 22:6 và cho biết những hướng dẫn liên quan đến việc cha mẹ giáo dục con cái là gì?
  8. Đọc Sáng-thế ký 4:1-16; Rô-ma 12:18, 21; Giăng 13:35 và cho biết Chúa muốn gia đình, phải thể hiện cung cách sống như thế nào để truyền giáo?

 

ÁP DỤNG

 

Bài Tập

Học thuộc lòng Ê-phê-sô 6: 4.

 

Tóm Tắt Ý Chính

Kinh Nghiệm 

Kinh nghiệm 1: Bà Susannah Wesley, mẹ của 2 nhà truyền giáo nổi tiếng là Charles và John Wesley làm chứng, là bà để ra một tiếng mỗi ngày cầu nguyện cho 17 đứa con của mình. Thêm vào đó, mỗi tuần, bà để ra một tiếng cho mỗi đứa để dạy dỗ chúng nó về những vấn đề tâm linh. Vì vậy mà hai đứa con trai của bà là Charles and John Wesley là hai vị mục sự và nhà giáo sĩ, đã ảnh hưởng và phục hưng nước Anh và Hoa Kỳ, trong lịch sử Hội thánh của Chúa.

Kinh nghiệm 2: Theo tài liệu của báo Đời Sống Cơ Đốc Nhân và Đức Tin, năm 1677 có một người nam đã cưới một người nữ xấu nết làm vợ. Đến năm 1900, trong các con cháu của gia đình gồm có:

771 người là tội phạm

250 người bị bắt giam vì bạo động

60 người là trộm cướp

39 người phạm tội giết người

40 người mắc bệnh dương mai

Trong khi đó, gia đình của ông Jonathan Edwards là người tin kính Chúa, cẩn thận dạy dỗ con cái theo đường lối Chúa. Tính đến thế hệ thứ ba kể cả Jonathan Edwards là một nhà truyền giảng phục hưng và là viện trưởng của đại học (và chủng viện) Princeton.

1.344 người làm giáo sư, trong số đó có nhiều người làm viện trưởng đại học.

186 người làm mục sư và chấp sự trong hội thánh

86 người là nghị sĩ Thượng viện

3 người là nghị sĩ Hạ viện

30 người là quan tòa

1 người là phó tổng thống Hoa Kỳ

 

Ý Chính

Gia Đình Là Hội Thánh Tại Gia

Giáo hội là thân thể mầu nhiệm của Chúa Giê-xu (Ê-phê-sô 1:22). Xét về cơ cấu tổ chức, Giáo hội đã được chia thành nhiều giáo hạt, giáo hạt gồm có nhiều hội thánh, và hội thánh là nhiều gia đình tín hữu hợp lại. Mỗi gia đình là một hội thánh tại gia (một bầy nhỏ) hoặc một viên gạch xây nên tòa nhà Giáo hội. Chúa Giê-xu hiện diện trong gia đình khi vợ chồng, cha mẹ, con cái cùng cầu nguyện và thờ phượng. Hoàn cảnh sống hiện nay gây nhiều khó khăn trở ngại cho việc gia đình cùng họp chung cầu nguyện và thờ phượng. Tuy nhiên, đây là việc quan trọng đòi hỏi cha mẹ và con cái cùng quyết tâm thực hiện, nếu muốn Chúa ban phước cho gia đình.

Gia Đình Là Trường Học Tại Gia

Gia đình phải môn đồ hóa cho những người trong nhà với nhau. Cha mẹ là những người đầu tiên phải rao truyền và giáo dục đức tin cho con cái: Qua lời nói và gương sáng, cha mẹ huấn luyện con cái sống đạo và phục vụ người. Cha mẹ thận trọng giúp đỡ con cái trong việc lựa chọn bậc sống, và nếu thấy người con nào có ơn kêu gọi dâng mình cho Chúa, thì phải tận tình nuôi dưỡng ơn kêu gọi đó. Con cái góp phần riêng vào việc thánh hóa cha mẹ bằng cách chu toàn nghĩa vụ làm con: tôn kính, vâng lời, giúp đỡ, yêu mến và phụng dưỡng cha mẹ”.

Gia Đình Là Trung Tâm Truyền Giáo Tại Gia

Chúa ban Đại mạng lịnh: Các con “hãy đi khiến muôn dân trở nên môn đồ Ta, hãy nhân danh Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh làm báp-têm cho họ và dạy họ giữ mọi điều Ta đã truyền cho các con…” (Ma-thi-ơ 28:19-20). “… khi Đức Thánh Linh giáng trên các con thì các con sẽ nhận lấy quyền năng và làm chứng nhân cho Ta tại thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri cho đến cùng trái đất” (Công-vụ 1:8).

Chúa muốn gia đình làm chứng cho Chúa trước mặt mọi người, bằng lời nói cũng như bằng việc làm và bằng gương sáng. Chúa kêu gọi gia đình tham gia với Ngài để cứu rỗi những người sống gần gũi chúng ta, tất cả không trừ ai. Do đó, gia đình tín hữu có bổn phận phải thực hiện việc môn đồ hóa chẳng những cho chính mình, giữa những người sống dưới cùng một mái nhà, mà còn cho những người khác sống chung quanh ta nữa.

Ngoài ra, gia đình tín hữu còn có bổn phận thực hiện việc chứng đạo và môn đồ hóa những gia đình xóm giềng ở chung quanh mình. Người ngoài thường đánh giá Đạo Chúa theo những gì mắt họ thấy, tai họ nghe được nơi các gia đình tin Chúa. Do đó, gia đình tín hữu giữ một vai trò hết sức quan trọng, trong việc loan báo Tin lành cho gia đình chưa tin Chúa. Vì thế, những thành viên trong gia đình phải sống thế nào để khi nhìn vào gia đình tin Chúa, người ta phải ngỡ ngàng sửng sốt và tự hỏi: “Sao họ có thể sống yêu thương nhau đến thế? Họ cũng chật vật, vất vả, thiếu thốn đâu kém gì chúng ta?…”. Và cũng từ những thắc mắc đó, họ dễ dàng tìm hiểu nguyên do để rồi tin nhận và thờ phượng Chúa như gia đình chúng ta. Một gia đình sống chân thật, hiền lành, khiêm tốn, đạo đức, bác ái dấn thân phục vụ … chính là một sự loan báo đầy sức hấp dẫn và thuyết phục trong sứ mạng loan báo Tin lành của Chúa cho mọi người.

  1. Khuyến khích các học viên suy ngẫm một vài phút, về cách họ có thể áp dụng bài học.
  2. Quan trọng! Nhấn mạnh là học viên phải viết các Kế Hoạch Áp Dụng của họ (trước khi họ áp dụng) và mang theo các báo cáo áp dụng (sau khi phần áp dụng của họ được thực hiện) theo trong buổi học tiếp theo.

 

Kế Hoạch Áp Dụng

Viết Một Tuyên Bố Sứ Mạng Của Gia Đình

Tôi bắt đầu bằng việc hoàn thành tuyên bố sau: “Tôi tin rằng Chúa muốn gia đình chúng tôi thực hiện việc môn đồ hóa gia đình.” Sau đó, tôi quyết định xem có thể trả lời sự kêu gọi này như thế nào trong gia đình mình, với những người hàng xóm và những người bạn, trong Hội thánh và trên khắp đất.

Trưng Bày Bản Tuyên Bố Sứ Mạng

Tôi và gia đình cùng nhau tạo ra bản tuyên bố sứ mạng một cách vui vẻ, rõ ràng và đặt ở nơi cả gia đình có thể nhìn thấy. (Chúng tôi đã vẽ tuyên bố sứ mệnh của mình trên một bảng gỗ cũ.)

Kế Hoạch Thực Hiện

Môn đồ hóa gia đình là một phần của cuộc hành trình tuyệt vời cùng với Đức Chúa Trời. Nó nuôi dưỡng bầu không khí cho phép con cái chúng tôi phát triển, đặc biệt là khi có thêm sự hỗ trợ và nuôi dưỡng của cộng đồng đức tin lớn hơn.

Môn đồ hóa gia đình là chìa khóa dẫn đến phước lành trong Châm ngôn 22:6: “Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo; Dầu khi nó trở về già, cũng không hề lìa khỏi đó”. Môn đồ hóa gia đình cũng là chìa khóa dẫn đến phước lành trong Gia-cơ 1:25: “Nhưng người nào xem xét kỹ càng luật pháp toàn hảo nầy, là luật pháp đem lại sự tự do, và bền tâm suy xét, không phải chỉ nghe rồi quên đi, nhưng thực hành luật đó, thì sẽ được phước trong công việc mình”.

Một tôi tớ Chúa (Tim Challies) kể chuyện, áp dụng kế hoạch môn đồ hóa gia đình của mình: Khi gia đình chúng tôi bắt đầu xây dựng thói quen lễ bái trong gia đình, ban đầu là sau bữa tối rồi chuyển sang trước bữa sáng, chúng tôi cho rằng gia đình lễ bái chủ yếu là phương tiện để chúng tôi dạy Kinh Thánh cho con cái. Khi chúng còn nhỏ chúng tôi sẽ tập trung vào những câu chuyện và khi chúng lớn lên, chúng tôi sẽ tập trung vào giáo lý. Và đúng là chúng tôi đã làm như vậy. Ban đầu, chúng tôi tập trung vào các nhân vật và sự kiện quan trọng được tường thuật trong Kinh Thánh, sau đó chúng tôi chuyển sang tập trung các con vào Châm ngôn, các Thư tín và đời sống Cơ Đốc. Điều này, theo tôi, đã được chứng minh là có nhiều lợi ích cho gia đình.

Vậy thì các lợi ích được tìm thấy ở đâu – những lợi ích mà chúng ta không ngờ tới? Trước nhất, chúng tôi đã tìm thấy gia đình lễ bái là một phương tiện quan trọng để công bố sự ưu tiên dành cho gia đình mình. Khi đến với Lời Chúa và cầu nguyện cùng nhau mỗi ngày, chúng tôi đã làm gương trong việc đặt những thực hành làm trung tâm của đời sống Cơ Đốc. Con cái của chúng tôi có thể hiểu cách vợ tôi và tôi nhấn mạnh thời gian tĩnh nguyện cá nhân mỗi ngày (vì tôi làm điều này trước khi chúng thức dậy và vợ tôi (Aileen) thì thực hiện sau khi chúng đi học). Nhưng khi cả gia đình nhóm lại và cùng lễ bái, chúng tôi thể hiện sự ưu tiên và tầm quan trọng của việc lắng nghe tiếng Chúa và nói chuyện với Ngài.

Dành thời gian làm điều này với nhau hằng ngày, cũng là một phương tiện để xây dựng sự gần gũi trong gia đình. Có rất nhiều điều chúng tôi có thể làm để xây dựng mối quan hệ giữa năm người nhà của chúng tôi. Từ lâu chúng tôi đã hiểu rằng chia sẻ kinh nghiệm có ý nghĩa hơn nhiều so với tích lũy tài sản. Tuy chúng tôi vẫn giữ thói quen tặng quà cho nhau vào những ngày thích hợp, nhưng những món quà như thế rất dễ bị lãng quên nhanh chóng. Ngược lại, ký ức về các kỳ nghỉ, các dịp lễ, những khoảng thời gian hay sự kiện đặc biệt khác thì còn lại. Việc gia đình lễ bái kêu gọi chúng tôi đến với những trải nghiệm hằng ngày trong gia đình.

Tuy chỉ có một số buổi đáng chú ý nhưng chúng dần dần tạo ra một điều đặc biệt. Cuối cùng, gia đình lễ bái không chỉ là thời gian chóng vánh mỗi ngày, mà gần giống như một kinh nghiệm bền lâu. Nhìn lại thì nó có vẻ giống một điều lớn lao hơn là hàng ngàn điều nhỏ bé.

Và lợi ích tiếp theo của thói quen này là góp phần tạo lập quy củ và sự ổn định cho cuộc sống chung của gia đình. Như đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc lễ bái gia đình, chúng tôi thấy rằng nó đã trở thành một kiểu quy củ cho cuộc sống chung của chúng tôi. Trong mười tám hoặc hai mươi năm, con cái của chúng tôi đã sống chung cùng chúng tôi. Như vậy, mỗi ngày, thói quen này sẽ tiếp tục gọi chúng tôi tới cùng một chỗ, ở cùng một thời điểm, với cùng một mục đích – để được ở với Chúa ít nhất là một lúc. Đó là một kiểu thói quen, có lẽ giống như việc ăn cùng nhau và đi nhà thờ cùng nhau, tạo nên sự gắn kết trong một gia đình. Không điều gì có thể khiến tôi cảm nhận rõ sự vắng mặt của con trai mình (nó đang đi học ở trường đại học) hơn là nhìn thấy chiếc ghế trống của nó lúc 6:55 sáng.

Cuối cùng, có một điều như thế này: thông qua gia đình lễ bái, chúng tôi làm gương về sự tĩnh nguyện cá nhân, vì hai người gần nhau thì sẽ trở nên giống nhau. Khi cả gia đình đến với Chúa, chúng tôi dạy cách ở riêng với Ngài. Tất cả những gì mà các con cần để xây dựng thói quen tĩnh nguyện cá nhân là bắt đầu bắt chước và biến thói quen lễ bái gia đình này thành thói quen của riêng mình. Chúng tôi đã làm gương về cách cầu nguyện và nội dung cầu nguyện; chúng tôi đã làm gương về cách hiểu Kinh Thánh và áp dụng nó sao cho đúng. Điều này thì không được dạy qua các bài học hoặc các hội thảo mà phải bằng những tấm gương lâu bền.

Nhiều năm qua, nhiều lần tôi cảm thấy thói quen tĩnh nguyện gia đình của chúng tôi trở nên nhàm chán hoặc quá đơn giản. Tuy chưa bao giờ bị cám dỗ từ bỏ nhưng tôi thường bị cám dỗ phức tạp hóa thì giờ này, để đánh giá xem con cái của chúng tôi đã thu nhận được bao nhiêu kiến thức. Nhưng khi nhìn lại gần hai mươi năm làm việc này cùng nhau, tôi thấy có rất nhiều lợi ích tuyệt vời của việc lễ bái đơn giản nhưng trung tín. Tuy con cái chúng tôi đã học được rất nhiều điều, tôi ngày càng tin rằng một số bài học hay nhất và quan trọng nhất không chỉ là các nhân vật, câu chuyện và giáo lý. Gia đình lễ bái không có một mục đích riêng rẽ, nhưng là cả một mạng lưới đan xen và cùng nhau tạo thành một thứ gì đó lớn hơn nhiều so với tất cả các phần của nó gộp lại. (Tim Challies, Mục Đích Và Lợi Ích Của Lễ Bái Gia Đình).

 

Cầu Thay

  1. Chia học viên thành các nhóm nhỏ từ hai đến ba người (trừ phi bài học hướng dẫn làm theo cách khác).
  2. Yêu cầu học viên chia sẻ sơ lược Kế Hoạch Áp Dụng của họ và cầu thay cho nhau.

 

KẾT THÚC

  1. Người hướng dẫn cầu nguyện, hoặc yêu cầu một học viên cầu nguyện
  2. Tạ ơn Đức Chúa Trời vì sự hướng dẫn của Ngài trong suốt buổi học.
  3. Cầu xin sự giúp đỡ của Ngài trong những ngày tới, khi học viên xem xét và áp dụng những điều họ học được.
  4. Chuẩn bị báo cáo các kinh nghiệm áp dụng của họ trong buổi học tới.

Tóm lại, để mở đầu công cuộc cứu chuộc, Chúa đã ban cho thế gian một mẫu gương gia đình do chính Chúa thiết lập. Người ta có thể tìm nơi gia đình đó một bức gương trọn hảo cho các gia đình. Đó là gia đình Na-xa-rét, nơi mà Chúa Cứu Thế đã sống ẩn dật với cha mẹ phần xác và họ đã chu toàn trách vụ làm cha mẹ đối với Chúa Giê-xu. Gia đình thánh này đã trở nên gương mẫu về mọi nhân đức cho các gia đình, như tương thân tương ái, lễ giáo thánh thiện, hiếu thảo tuyệt độ.

 

Phụ lục

Những Điều Cần Làm Trong Giờ Môn Đồ Hóa Gia Đình

Dưới đây là một điều cần làm trong giờ môn đồ hóa gia đình. (Một số trong tất cả những đề nghị dưới đây là ý tưởng của tác giả sách Nuôi Dạy Con Cho Đức Chúa Trời):

A. Dạy Kinh Thánh

A1. Dùng Lời Chúa Làm Trọng Tâm Cho Giờ Môn Đồ Hóa Gia Đình. Trong khi suy nghĩ về nội dung, bạn hãy:

 Cố gắng nghĩ đến nhu cầu khác nhau của từng người trong gia đình, khi bạn dự định cho giờ học Kinh Thánh. Có đứa con nào trong gia đình bạn chưa được cứu chăng? Còn sự tăng trưởng trong niềm tin của những đứa đã được cứu thì sao? Có những nan đề nào giữa vòng các con mà bạn cần dùng Kinh Thánh để khuyên dạy không? Đây là những loại câu hỏi mà bạn cần tự hỏi chính mình khi suy nghĩ đến nội dung của giờ nhóm lại. Lời cầu nguyện xin Chúa hướng dẫn của vợ chồng bạn, sẽ rất quan trọng ở điểm này.

A2. Dưới đây là những phương pháp khác nhau mà bạn có thể sử dụng để dạy Kinh Thánh

(1) Hỏi và Đáp.

Người dạy Kinh Thánh sẽ dùng 3 câu hỏi dưới đây để dạy Kinh Thánh.

– Câu chuyện kể gì? (Phân đoạn Thánh Kinh này nói gì?)

– Câu chuyện (Phân đoạn Thánh Kinh này) dạy gì về Chúa và người theo Chúa?

– Chúng ta vâng lời Chúa như thế nào?

Đặt ra những câu hỏi như vậy sẽ dạy con trẻ biết tự suy nghĩ về ý nghĩa của đoạn Kinh Thánh mà nó vừa nghe. Việc đặt câu hỏi này cũng giúp chúng nghe chăm chú hơn. Hãy hỏi những câu hỏi nào giúp con trẻ vẽ ra được nội dung của phân đoạn Kinh Thánh.

(2) Thay đổi cách đặt câu hỏi. Sau khi đọc Kinh Thánh xong, người hướng dẫn đề nghị những người trong gia đình, hãy hỏi người bên phải (người bên trái, hoặc một cách nào khác) một câu hỏi để người ấy trả lời.

(3) Đề nghị đọc trước một phân đoạn Kinh Thánh. Bạn có thể thông báo, “Tối nay Phi sẽ đọc (hoặc kể) cho chúng ta nghe câu chuyện về người con trai hoang đàng trong Luca 15:11-32.” Sau đó bạn hướng dẫn thảo luận về ẩn dụ đó, hoặc để cho Phi hướng dẫn nếu con đã lớn đủ.

(4) Câu chuyện Kinh Thánh. Với những ấu nhi, đọc một câu chuyện trong quyển Truyện Tích Kinh Thánh có thể hỗ trợ cho việc đọc Kinh Thánh.

(5) Đóng kịch về một câu chuyện Kinh Thánh. Những đứa bé rất thích đóng kịch, nhưng các đứa lớn hơn cũng sẽ muốn tham dự. Cũng đừng loại trừ những người lớn. Nếu gia đình của bạn đông đảo, hãy chia thành hai hoặc ba nhóm, và đóng những vở kịch khác nhau. Nhiều câu chuyện có thể diễn dưới dạng kịch câm hoặc kịch nói. Những đứa bé sẽ thích kịch câm nhất.

(6) Đọc một câu chuyện Kinh Thánh trong quyển “Truyện Kinh Thánh Cho Thiếu Nhi”.

(7) Học thuộc lòng và cùng nhau ôn lại những câu Kinh Thánh. Chọn một câu hay một phân đoạn Kinh Thánh để cả nhà cùng học thuộc lòng. Viết ra trên một tờ giấy lớn hoặc viết lên bảng, để con trẻ vừa thấy lại vừa nghe đọc. Bạn nhớ giải thích từng chữ khó hiểu. Nhớ thường xuyên ôn lại những câu đã học để không ai quên. Giải thích những câu Kinh Thánh ấy liên hệ với đời sống hằng ngày như thế nào. Chơi những trò chơi để giúp chúng ta nhớ được.

(8) Chơi những trò chơi

  1. Những chữ cái đứng đầu. Viết những chữ cái đứng đầu mỗi từ trong câu vào một tấm giấy, HTMĐLLMCNVNCSACE có thể giúp những người trong gia đình nhớ I Phi-e-rơ 5:7, “Hãy trao mọi điều lo lắng mình cho Ngài vì Ngài chăm sóc anh chị em.”
  2. Vòng tròn gia đình. Mỗi người trong gia đình đọc chữ kế tiếp của một câu Kinh Thánh được chọn.
  3. Xóa bớt từ. Viết một câu Kinh Thánh lên bảng hoặc lên một miếng giấy lớn và cứ mỗi lần đọc xong lại xóa bớt vài chữ. Sau đó đề nghị các con đọc lại và thêm những chữ nào còn thiếu. Cuối cùng tất cả những chữ bị thiếu đã được điền vào và ai nấy đều thuộc câu Kinh Thánh ấy.
  4. Chơi đố chữ. Viết hoặc in một câu Kinh Thánh vào miếng giấy lớn để bạn có thể cắt rời từng chữ. Xong bạn xốc những chữ ấy lên lộn xộn. Đề nghị các con sắp xếp thứ tự của những chữ ấy và đọc lớn tiếng.

B. Cùng Cầu Nguyện

Mời vài người cầu nguyện. Một trong những phước hạnh lớn nhất là được nghe con trẻ cầu nguyện. Sau đây là một số lời đề nghị để làm cho giờ môn dồ hóa gia đình có ý nghĩa hơn đối với con trẻ:

  1. Nói về các loại cầu nguyện khác nhau: Cầu nguyện cảm ơn Chúa, cầu nguyện ngợi khen, cầu nguyện chúc tụng, cầu nguyện xưng tội, cầu nguyện cho những nhu cầu của người khác và cho nhu cầu của chính mình.
  2. Hãy bọc plastic hoặc làm những tấm bìa cứng có dán hình của những người mà chúng ta thường xuyên cầu nguyện cho họ như cha, mẹ, con cái, ông bà, Mục sư, các giáo sĩ… Chúng ta có thể chuyền những tấm hình này, trong giờ môn đồ hóa gia đình, để con trẻ cảm thấy thân gần với những người, mà chúng cầu thay.
  3. Lập một lịch cầu nguyện với những nan đề cầu nguyện khác nhau cho mỗi ngày trong tuần hoặc trong tháng. Theo cách này bạn có thể cầu nguyện cho những nan đề khác nhau một cách đều đặn.
  4. Ấn định một “trưởng ban cầu nguyện” (một đứa con lớn) để giữ tất cả những nan đề cầu nguyện.
  5. Đề cập với con trẻ những nan đề cầu nguyện riêng tư, nhưng phải phù hợp với mức độ trưởng thành của chúng (chẳng hạn như tài chánh, nhu cầu thuộc thể hoặc nhu cầu tâm linh). Đừng đưa ra những nan đề mà chúng không hiểu nổi hoặc không phù hợp với chúng về mặt tình cảm. Con trẻ cần được khích lệ để chia sẻ nan đề mà chúng gặp phải với các bạn cùng lớp, cùng trường, những nỗi sợ hãi, những tổn thương, những dự định, những niềm vui, và những thất vọng…
  6. Hãy lập một nan đề cầu nguyện của gia đình theo mẫu này:

Ngày tháng:

Nan đề:

Ngày được Chúa đáp lời:

Các con trẻ sẽ thấy rúng động về việc Chúa đáp lời cầu nguyện cách cụ thể. Một số cách đáp lời có thể là “không” hoặc “chờ đợi”. Bạn nhớ giải thích cho con, về những sự đáp lời khác nhau của Chúa.

  1. Bạn hãy giúp con trẻ diễn tả nan đề cầu nguyện của mình. Ví dụ như, xin Chúa cho “Khải sẽ nhớ những gì nó đã học và làm bài thật giỏi trong kỳ thi Sử vào thứ Sáu này.” nghe sẽ thấy thích hơn là cầu nguyện, “Lạy Chúa, xin cho Khải được điểm cao trong kỳ thi sử thứ Sáu này.”
  2. Cố gắng đừng cười khi nghe lời cầu nguyện ngây ngô của con trẻ. Con trẻ rất thật lòng trong lời cầu nguyện của chúng, vì vậy chúng ta phải tôn trọng.

C. Chọn Thánh Ca

Con trẻ rất thích hát. Hãy tận dụng điểm này để làm cho giờ môn đồ hóa gia đình của chúng ta trở thành thì giờ phước hạnh và vui mừng bằng cách hát những bài thánh ca và đoản ca. Vài đề nghị cho việc hát thánh ca:

  1. Cho các con thay phiên nhau chọn bài hát suốt một tuần hoặc trong một ngày. Đây là điều mà các con bé xíu cũng có thể làm.
  2. Nếu con của bạn biết đàn hoặc có thể chơi một thứ nhạc khí nào, thỉnh thoảng hãy để con “trình diễn” một vài bài thánh ca nào đó, và thường xuyên khích lệ con đàn cho cả nhà hát.
  3. Hãy chọn những bài thánh ca hoặc đoản ca nào có nội dung Kinh Thánh. Bạn nhớ giải thích những từ khó hiểu cho các con. Đôi khi việc thảo luận lời của những bài hát cũng dẫn đến buổi thảo luận Kinh Thánh ích lợi.
  4. Bạn đừng sợ hát những bài đoản ca mới, mạnh mẽ; miễn sao những bài hát ấy có nội dung Kinh Thánh sâu sắc là được.

D. Hãy đọc những đoạn trích dẫn ngắn từ các sách Cơ Đốc

Bạn hãy chọn một số sách Cơ Đốc, những câu chuyện của các nhà giáo sĩ hoặc tiểu sử của các giáo sĩ. Con trẻ cần ý thức về phạm vi toàn cầu của Hội thánh Chúa. Cách duy nhất để chúng ý thức là cho chúng làm quen với gia sản giàu có về những sinh hoạt của các giáo sĩ, là những người đã đem tin lành của Chúa Cứu Thế đi khắp thế giới.

Hãy dùng bản đồ! Khi đọc những tiểu sử và những câu chuyện xảy ra ở đâu trên thế giới, thì chỉ cho chúng thấy trên bản đồ. Con trẻ sẽ được khích lệ để cầu nguyện cho các thiếu nhi ở các nước khác và nhìn thấy đại mạng lệnh truyền giáo do chính Chúa ban truyền đang được ứng nghiệm như thế nào (Mác 16:15).

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *