CÁI CHẾT LẠ LÙNG
Ma-thi-ơ 27:45-54; 27:45-52
Giám mục Tô Văn Út
Trong nhân thế xưa nay, có nhiều người đã xả thân vì chính nghĩa. Cũng có lắm người đã xả thân vì người công bình, lương thiện.
Một Socrate đã chấp nhận chén độc dược, vì lẽ phải. Một Gandhi đã tuyệt thực, vì nền tự do, độc lập của dân Ấn Độ. Một Lê Lai đã liều mình chịu chết, để cứu vua Lê Lợi.
Tôi tin rằng mỗi người chúng ta còn nhớ gương hy sinh của Lê Lai trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Sử ký viết rằng: Khi mới khởi nghĩa, vua Lê Lợi còn yếu thế, nên có lần bị quân nhà Minh bao vây rất ngặt nghèo. Lúc đó. Lê Lai xin vua Lê Lợi cho mặc áo bào của vua ra trận để cho quân Minh bắt giết. Khi giết chết Lê lai, quân Minh tưởng đã giết được vua Lê Lợi nên rút quân đi nơi khác. Nhờ đó vua Lê Lợi mới thoát nạn. Sau đó, vua Lê Lợi đã thành công trong việc khôi phục lại nền độc lập cho đất nước.
Chúa Giê-xu cũng xả thân chịu chết trên thập tự giá. Nhưng sự chết của Chúa Giê-xu có những điểm đặc thù gì so với sự xả thân của các bậc vĩ nhân thế giới? Tại sao Chúa Giê-xu phải mang thập tự giá? Tại sao trong khi các vĩ nhân thế giới xả thân cho người hiền lương, công chính thì Chúa Giê-xu lại chịu chết cho người có tội? Tại sao Chúa Giê-xu là người công nghĩa lại chết như kẻ bất nghĩa? Tại sao sự chết của Chúa Giê-xu là khác hẳn với mọi người vì có nhiều phép lạ cặp theo?
Tối nay, tôi muốn cùng với quý ông bà anh chị em suy nghĩ đến cái chết lạ lùng của Chúa Giê-xu. Sự chết của Chúa Cứu Thế Giê-xu được gọi là lạ lùng vì có ba phép lạ đã xảy ra.
I. Sự chết của Chúa Cứu Thế Giê-xu được gọi là lạ lùng vì bóng tối bao trùm khắp đất.
II. Sự chết của Chúa Cứu Thế Giê-xu được gọi là lạ lùng vì bức màn trong đền thờ bị xé làm đôi từ trên xuống dưới.
III. Sự chết của Chúa Cứu Thế Giê-xu được gọi là lạ lùng vì đất rúng động dữ dội, đá lớn vở ra, các mồ mã cũng mở tung và nhiều thi thể của các thánh qua đời được sống lại.
I. Sự chết của Chúa Cứu Thế Giê-xu được gọi là lạ lùng vì bóng tối bao trùm khắp đất
Ma-thi-ơ 27: 45 chép: “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chin, Từ giữa trưa đến ba giờ chiều khắp cả xứ đều tối tăm mù mịt”. Sau khi Chúa Giê-xu chịu đóng đinh trên thập tự giá 3 tiếng đồng hồ thì bóng tối bao trùm khắp đất trong 3 tiếng đồng hồ nữa, tức là từ 12 giờ trưa đến 3 giờ chiều. Đang lúc giữa trưa một một ngày mùa hè, mặt trời chiếu sáng, thình lình sự tối tăm bao trùm che khuất mặt trời. Đó là một việc chỉ một mình Đức Chúa Trời làm được.
Trước thảm kịch Con Đức Chúa Trời chịu chết vì tội thế nhân, muôn vật mặc một màu tang trong im lặng u buồn. Trước thảm kịch Con Đức Chúa Trời chịu chết vì tội thế nhân, muôn vật cúi đầu che mặt lại mà không dám nhìn lên. Trong lịch sử nhân loại từ đầu chí cuối, không có sự chết của ai đáng ghi nhớ và được cảm động bằng sự chết của Chúa Giê-xu. Bức màn đen đã phủ trên đồi Gô-gô-tha và cả xứ Do Thái để biểu hiện tội lỗi và tình trạng tuyệt vọng của nhân loại.
Thiết tưởng 3 tiếng đồng hồ đó là thời gian thê lương và ảm đạm nhất xưa nay. Dân Do Thái và chính quyền La Mã đã làm một việc mà kết quả của nó là trời đất tối tăm và muôn vật âu sầu. Nhưng không phải chỉ có dân Do Thái và chính quyền La Mã đã đóng đinh Chúa Giê-xu mà là toàn thể nhân loại đã đóng đinh Ngài. Nếu tôi và quý ông bà anh chị em không phạm tội thì đâu có cảnh Chúa Giê-xu chịu chết trên thập tự giá. Và nếu Chúa không vì yêu yêu thương chúng ta, thì đâu có cảnh Chúa Giê-xu chịu chết trên thập tự giá.
Do đó, sự chết của Chúa Giê-xu trên thập tự giá không phải là thất bại và tuyệt vọng, mà là đắc thắng và hướng lên một ngày vinh quang. Bởi lẽ, Chúa Giê-xu đã “vì tội lỗi chúng ta mà mà bị vết, vì sự gian ác chúng ta mà bị thương. Bởi sự sửa phạt Ngài chịu, chúng ta được bình an; bởi lằn roi Ngài, chúng ta được lành bệnh”.
Phi-e-rơ cũng nhận biết chân lý ấy, nên ông viết: “Ngài gánh tội lỗi chúng ta trong thân thể Ngài trên cây gỗ. Đấng Christ cũng vì tội lỗi chịu chết một lần, là Đấng công bình thay cho kẻ không công bình để dẫn chúng ta đến cùng Đức Chúa Trời (I Phi-e-rơ 2:23).
Khi nghĩ đến Chúa Giê-xu, con Đức Chúa Trời chịu đóng đinh trên thập tự giá, sứ đồ Giăng cũng viết: “Ấy chính Ngài làm tế lễ chuộc tội chúng ta, không những vì tội lỗi chúng ta thôi đâu mà cũng vì tội lỗi của cả thế gian nữa” (I Giăng 2:2).
Quả thật, sự chết của Chúa Giê-xu trên thập tự giá là một lẽ mầu nhiệm trọng đại, ít người hiểu biết, và chẳng ai hoàn toàn dò thấu được. Đối với các triết gia trên thế giới, chân lý về thập tự giá dường như là việc dại dột. Đối với những kẻ tưởng mình là công bình và khoe mình thanh sạch theo nghi thức, thì họ bực tức khi nghe đến chân lý ấy. Nhưng người nào cảm thấy gánh nặng tội lỗi của mình và đặt lòng tin cậy nơi Chúa Giê-xu, tin rằng trên thập tự giá Ngài đã gánh vác tội lỗi của mình và của nhân loại, thì người đó sẽ thấy các lời Thánh Kinh trên là đúng. Nhờ Chúa Giê-xu chịu chết, mà chúng ta đã được buông tha khỏi tội lỗi. Nhờ Chúa Giê-xu chịu chết, mà chúng ta đã được ban cho quyền năng để sống đời công chính.
Chúng ta đã biết sự chết của Chúa Cứu Thế Giê-xu được gọi là lạ lùng vì bóng tối bao trùm khắp đất. Bây giờ suy nghĩ tiếp phần thứ hai:
II. Sự chết của Chúa Cứu Thế Giê-xu được gọi là lạ lùng vì bức màn trong đền thờ bị xé làm đôi từ trên xuống dưới.
Ma-thi-ơ 27: 51a chép: “Và nầy, cái màn trong đền thờ bị xé ra làm hai từ trên chí dưới”. Trong đền tạm của dân Do Thái tại đồng vắng, cũng như trong đền thờ tại Giê-ru-sa-lem, thì giữa nơi thánh và nơi chí thánh có một bức màn từ trên phủ xuống phân cách hai nơi. Không ai được phép vào nơi chí thánh. Chỉ có thấy tế lễ thượng phẩm mỗi năm được vào đó một lần với chậu huyết trong tay, để làm lễ chuộc tội rồi trở ra (Xuất Ê-díp-tô ký 26:31-35; 30:10; Hê-bơ-rơ 9:1-27).
Dân chúng chỉ được đến hành lang, thầy tế lễ chỉ được đến nơi thánh. Không ai được phép vượt qua bức màn để vào nơi chí thánh trước sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Nếu ai làm vậy sẽ bị ngã chết lập tức. Trường hợp đó cũng giống như ngày nay có những chỗ quan trọng mà chúng ta thấy tấm bảng viết những chữ CẤM VÀO hoặc CẤM VƯỢT QUA hầu ngăn cách mọi người vào đó.
Ngăn cách có lẽ là một trong những khổ đau lớn nhất của con người. Có những người bị ngăn cách vì bức tường như người dân Đông và Tây Đức trước kia. Có những người bị ngăn cách vì những khoảng không gian rộng lớn hơn, xa nhau hàng vạn dặm như người Việt tị nạn trước đây. Có những người không bị ngăn cách vì không gian nhưng lại bị ngăn cách vì những điều khác. Nhiều người sống gần nhau nhưng vẫn thấy cách xa nhau vì khác tư tưởng. Có những người sống gần nhau nhưng vẫn thấy cách xa nhau vì khác ý thức hệ. Nhiều người sống gần nhau nhưng vẫn thấy cách xa vì không có cùng một mục đích sống.
Ngăn cách giữa người với người bao giờ cũng làm chúng ta đau khổ vì ai sống trên đời cũng cần tình thân. Nhưng có một ngăn cách còn đáng sợ hơn, đó là ngăn cách giữa con người với Đức Chúa Trời, Đấng đã tạo dựng chúng ta.
Có bao giờ quý ông bà anh chị em nghĩ đến ngăn cách đó không? Cuộc sống của chúng ta sở dĩ có nhiều bất hạnh cũng chỉ vì sự ngăn cách đó. Cuộc sống của chúng ta sở dĩ có nhiều đau khổ cũng chỉ vì sự ngăn cách đó. Cũng giống như bóng đèn không được nối với dòng điện, chúng ta không có sức mạnh để làm gì cả. Cũng giống như một cành cây không dính với gốc, chúng ta không có sức sống để làm gì cả. Ngày nào chúng ta còn bị phân cách với Đức Chúa Trời, ngày đó chúng ta còn đau khổ.
Trải qua các đời, nhân loại biết có Đức Chúa Trời hoặc biết có ông Trời nhưng Ngài ở xa quá. Người Việt chúng ta thường nói: “Vãn hơi kêu chẳng thấu Trời”. Nhưng thật ra ông Trời không ở xa. Chỉ vì tội lỗi, đã làm chúng ta xa cách với Ngài. Chỉ vì tội lỗi, đã che khuất mặt Ngài khỏi chúng ta (Ê-sai 59: 1-2).
Dân Do Thái khao khát đến gần Đức Chúa Trời, nhưng không thể nào đến được, vì không ai có quyền cắt bỏ bức màn ấy. Mãi cho đến khi Chúa Giê-xu chịu chết trên thập tự giá, lúc Ngài kêu lên một tiếng lớn, “Mọi sự đã trọn–Sự cứu rỗi đã làm xong” (Giăng 19:30) rồi trút linh hồn thì bức màn trong đền thờ bị xé làm đôi từ trên xuống dưới. Đây là do chính bàn tay Đức Chúa Trời đặt vào nên bức màn ấy mới bị xé từ trên xuống dưới.
Khi xé bức màn đó, Đức Chúa Trời công khai tuyên bố với toàn thể nhân loại là sự cứu chuộc đã hoàn thành. Con đường vào nơi chí thánh đã mở toang. Tội nhân được tự do trực tiếp đến gần Ngài nhờ sự chết chuộc tội của Chúa Giê-xu trên thập tự giá. Kể từ đó, tấm bảng CẤM VÀO được thay thế bằng tấm bảng MỜI VÀO (Hê-bơ-rơ 10:19). Chính vì thế mà Chúa Giê-xu đã phán: “Ta là Con đường, Chân lý, và Sự sống, chẳng bởi Ta không ai được đến cùng Cha” (Giăng 14:6).
Bức màn bị xé làm đôi là một phép lạ lớn lao chứng minh sự chết của Chúa Giê-xu có hiệu lực mở một con đường từ hành lang vào nơi chí thánh, tức là từ đất lên trời. Ngài thật là Con Đức Chúa Trời. Ngài chính là Chúa Cứu Thế của nhân loại. Quý vị hết thảy có nhận Ngài là Chúa Cứu Thế chưa?
Chúng ta đã biết sự chết của Chúa Cứu Thế Giê-xu được gọi là lạ lùng vì bóng tối bao trùm khắp đất. Sự chết của Chúa Cứu Thế Giê-xu được gọi là lạ lùng vì bức màn trong đền thờ bị xé làm đôi từ trên xuống dưới.
Bây giờ suy nghĩ tiếp phần thứ ba:
III. Sự chết của Chúa Cứu Thế Giê-xu được gọi là lạ lùng vì đất rúng động dữ dội, đá lớn vở ra, các mồ mã cũng mở tung và nhiều thi thể của các thánh qua đời được sống lại.
Ma-thi-ơ 27: 51b-52 chép: “đất thì rúng động, đá lớn bể ra, mồ mả mở ra, và nhiều thây của các thánh qua đời được sống lại”. Khi Chúa Cứu Thế Giê-xu chịu chết trên thập tự giá thì đất rúng động dữ dội trong phạm vi đồi Gô-gô-tha để chứng minh sự chết của Ngài là sự chết của Chúa Cứu Thế.
Tiếp theo là các mồ mã cũng mở tung và nhiều thi thể của các thánh qua đời được sống lại. Phần mộ của người Do Thái ở trong các vầng đá, nên khi đất rúng động, thì các vầng đá bể ra, phần mộ đồng thời cũng mở tung và thi hài của các thánh đồ sống lại.
Việc này cũng chỉ xảy ra trong phạm vi của đồi Gô-gô-tha, liên quan đến các nghĩa trang gần đó. Các thánh đồ không ra khỏi phần mộ cho đến khi Chúa Cứu Thế Giê-xu sống lại vào ngày thứ ba. Họ có hiện ra cho nhiều người tại Giê-ru-sa-lem cùng thấy. (Họ không sống lại như Chúa Giê-xu nhưng sống lại như La-xa-rơ). Việc đó nói lên sự chết của Chúa Giê-xu có quyền lực mạnh mẽ, phá tan sự chết, đem lại sự sống cho kẻ chết. Đồng thời nó cũng báo trước sự sống lại của các tín đồ trong ngày Chúa Giê-xu trở lại thế gian lần thứ hai.
Có người hỏi rằng: Người chết sống lại cách nào? Lấy thể xác đâu mà sống lại? Phao-lô giải thích: “Vật gì người gieo ra nếu không chết đi trước đã, thì không sống lại được. . . . Sự sống lại của kẻ chết cũng như vậy. Thân thể đã gieo ra là hay hư nát, mà sống lại là không hay hư nát” (I Cô-rinh-tô 15:35-49).
Người ta kể chuyện về người giúp việc của nhà hóa học danh tiếng Faraday: Ngày nọ, người giúp việc làm rớt cái chén nhỏ bằng bạc vào chậu acid. Cái chén ấy lập tức bị hòa tan, biến mất trong chậu acid đó. Faraday thấy vậy liền lấy một ít chất hóa học bỏ vào chậu, và chỉ trong vài phút, những gì thuộc về bạc đều lắng xuống hết ở dưới đáy chậu. Faraday đổ nó ra, thấy có một khối bạc hình dạng xấu xí. Sau đó, ông đem nó đến thợ bạc và làm thành lại một chén nhỏ bằng bạc giống như trước.
Cũng vậy, nếu nhà hóa học Faraday có thể tìm lại được chén nhỏ bằng bạc đã bị hòa tan trong chậu acid; chắc chắn Đức Chúa Trời toàn năng cũng có thể khôi phục thân thể đã chết của những người tin nhận Ngài, để cho họ sống lại và sống đời đời trong ngày Chúa Giê-xu tái lâm. Sự chết xảy đến cho những người tin Chúa như là một giấc ngủ hoặc như là một giai đoạn giao thời giữa cuộc sống đời tạm này và cuộc sống vĩnh cửu của đời sau. Sứ đồ Phi-e-rơ khi nghĩ đến thực sự này, đã vui mừng thốt lên: “Ngợi khen Đức Chúa Trời… chúng ta nhờ sự Chúa Cứu Thế Giê-xu từ trong kẻ chết sống lại mà có được HY VỌNG SỐNG” (I Phi-e-rơ 1:3).
Tóm lại, chúng ta đã biết: sự chết của Chúa Cứu Thế Giê-xu được gọi là lạ lùng vì bóng tối bao trùm khắp đất. Sự chết của Chúa Cứu Thế Giê-xu được gọi là lạ lùng vì bức màn trong đền thờ bị xé làm đôi từ trên xuống dưới. Và Sự chết của Chúa Cứu Thế Giê-xu được gọi là lạ lùng vì đất rúng động dữ dội, đá lớn vở ra, các mồ mã cũng mở tung và nhiều thi thể của các thánh qua đời được sống lại.
Sự chết lạ lùng kèm theo những phép lạ đó chính là lời Đức Chúa Trời chào mừng Chúa Giê-xu đã toàn thắng sự chết. Sự chết lạ lùng kèm theo các phép lạ đó cũng đánh mạnh vào mắt, vào tai, vào trí, vào lòng của những người Do Thái vô tín, để nói cho họ biết Chúa Giê-xu chính là Đấng Cứu Thế. Qua sự chết lạ lùng đó, thầy đội là viên sĩ quan chỉ huy bọn lính La Mã đóng đinh Chúa Giê-xu cũng phải hoảng hốt kêu lên: “Thật, người này là Con Đức Chúa Trời!”
Vậy, nếu Chúa Giê-xu là Con Đức Chúa Trời, thì sự chết của Ngài là “. . . theo kỳ hạn chịu chết vì kẻ có tội”. Nếu Chúa Giê-xu là Con Đức Chúa Trời, thì sự chết của Ngài là “. . . vì chúng ta mà chịu chết” (Rô-ma 5:6-8). Nếu Chúa Giê-xu là Con Đức Chúa Trời, thì Ngài là Đấng yêu chúng ta và phó chính mình Ngài vì tội chúng ta (Ga-la-ti 2:20).
Chúa chết để đem chúng ta ra khỏi nơi tối tăm tuyệt vọng. Chúa chết để đem chúng ta đến nơi sáng láng lạ lùng. Chúa chết để mở con đường vào nơi chí thánh. Chúa chết để đem chúng ta đến gần Đức Chúa Trời. Chúa chết để phá tan quyền lực của tử thần. Chúa chết để đem chúng ta “vượt khỏi sự chết mà đến sự sống”. Thật, “Người này là Con Đức Chúa Trời!” Thật, Người này là Cứu Chúa của thế gian”.