CHÚA CỨU THẾ VÀO ĐỜI – Sứ điệp Giáng sinh 2024


CHÚA CỨU THẾ VÀO ĐỜI

“Ngài đã từ bỏ chính mình, mang lấy hình đầy tớ, và trở nên giống như loài người” (Phi-líp 2:7).

Từ xưa đến nay trên thế giới, không có một nhân vật nào được mọi người biết đến và yêu kính cho bằng Chúa Cứu Thế Giê-xu. Lý do là vì “Ngài vốn có hình Đức Chúa Trời, song chẳng coi sự bình đẳng mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm giữ; chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người; Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự” (Phi-líp 2:5-8).

Mầu nhiệm về Chúa Cứu Thế vào đời là một mầu nhiệm tột đỉnh của sự mặc khải. Mầu nhiệm về Chúa vào đời không phải là điều không thể hiểu được. Mầu nhiệm về Chúa Cứu Thế vào đời không phải là “bó tay.com”. Nếu được Thánh Linh soi sáng chỉ dẫn, chúng ta có thể hiểu được mầu nhiệm này. Thánh Kinh đã tiết lộ cho con người biết ít nhiều về sự mầu nhiệm của Chúa Cứu Thế vào đời. Vì thế, trong mùa Giáng sinh này, ta sẽ nhờ Lời Chúa để tìm hiểu lẽ thật kỳ diệu này.

I. Lời Giải Thích Về Chúa Cứu Thế Vào Đời

Việc Chúa Cứu Thế vào đời là một mầu nhiệm rất diệu kỳ. Chúa đã vào đời tại Bết-lê-hem, quê quán của vua Đa-vít đúng theo lời tiên tri ghi chép trong Thánh Kinh Cựu ước, đồng thời cũng làm nổi bật bản tính khiêm tốn của Chúa Cứu Thế. Ngài đã vào đời qua thân xác của một hài nhi đặt nằm trong máng cỏ. Vua thiên đàng đã vào đời trong sự ngỡ ngàng và lưu tâm của các mục đồng. Chúa Cứu Thế vào đời trong niềm vui loan báo tin mừng của các thiên sứ. Thiên Chúa vào đời trong ước vọng chiêm ngưỡng tôn thờ của các nhà thông thái phương Đông.

Hơn hai ngàn năm trước, giữa đêm khuya tăm tối đầy gió lạnh, nơi đồng không cô quạnh thì vị Vua thiên đàng đã vào đời để ở giữa chúng ta. Từ trời cao, Chúa Giê-xu là Vua thiên đàng; và ở dưới trần thế, Ngài thuộc hoàng tộc Đa-vít. Chúa Giê-xu có thể tự chọn cho mình bất cứ nơi nào Ngài muốn để được sinh ra. Ngài có thể được hạ sinh trong một hoàng cung giàu sang, ấm cúng. Hoặc ít ra, Ngài có thể vào đời nơi một gia đình giàu có đầy đủ tiện nghi. Nhưng Chúa Giê-xu đã chọn chuồng chiên Bết-lê-hem nghèo hèn cô quạnh để vào đời.

Chúa Giê-xu đã yêu thương chúng ta và đến ở giữa chúng ta. Thật vậy, lễ giáng sinh là lễ của tình yêu. Và con trẻ nằm trong máng cỏ kia là bằng chứng cao cả nhất của tình yêu Thiên Chúa đối với con người. Cho dù Thiên Chúa đã từng bày tỏ tình yêu của Ngài trước khi Chúa Giê-xu giáng sinh, nhưng tột đỉnh của tình yêu Ngài chỉ được bày tỏ trọn vẹn, khi Ngôi Hai Thiên Chúa vào đời. Tột đỉnh của tình yêu Thiên Chúa được bày tỏ trọn vẹn khi Chúa Cứu Thế chấp nhận làm con của trinh nữ Ma-ri và sống cuộc đời hoà đồng ở giữa chúng ta. Vì yêu thương chúng ta, Chúa không đòi hỏi sự tương xứng giữa Trời và người. Tình Ngài là tình không điều kiện. Tình Ngài là tình không biên giới.

Trong một lớp giáo lý nọ, sau khi giải thích một phân đoạn Thánh Kinh xong, cô giáo bèn đặt một câu hỏi rất đơn sơ: “Tại sao Thiên Chúa lại yêu thương chúng ta nhiều đến như thế?” Cả lớp đều yên lặng. Các em chăm chú suy nghĩ rồi nhìn trộm nhau, xem ai có thể trả lời đúng câu hỏi đó. Bổng có một em đứng lên mạnh dạn trả lời cũng rất đơn sơ: “Bởi vì Chúa chỉ yêu có mỗi từng người một trong chúng ta mà thôi”.

Chỉ mỗi từng người một trong chúng ta mà thôi sao? Vâng, chính thế, nhưng có mấy ai trong chúng ta đã từng lãnh hội được ý tưỏng sâu xa đó. Thiên Chúa, Đấng Toàn năng đã dựng nên trời đất, Đấng cai trị cả vũ trụ, không gian, mưa nắng ngày đêm, Đấng đó chỉ biết có mỗi một mình tôi thôi và chỉ yêu một mình tôi mà thôi. Đức Chúa Trời không chỉ yêu thương nhân loại một cách chung như yêu thương một đoàn người không tên tuổi, nhưng Ngài còn biết yêu thương và ân cần chăm sóc từng người như một kỳ công của Ngài đã tạo dựng. Bởi thế, chúng ta có thể nói được rằng, Chúa đã vào đời vì yêu thương tôi.

Chúa Cứu Thế Giê-xu đã vào đời ở giữa chúng ta, nhưng ở giữa chúng ta để làm gì? Nói cách khác lý do Chúa Cứu Thế vào đời là gì?

II. Lý Do Chúa Cứu Thế Vào Đời

         Lý do Chúa Giê-xu vào đời là đem con người trở về cùng Đức Chúa Trời để hưởng phước hạnh của Ngài. Chúa Cứu Thế là Vua của vũ trụ đã vào đời trong chuồng chiên, máng cỏ, rồi sống ở giữa trần gian như một người bần hàn để hoà mình với nhân loại. Chúa Cứu Thế là Thượng Đế Toàn năng đã làm một hài nhi bé bỏng trong đêm giáng sinh, để thông cảm các yếu đuối và bất toàn của con người.

Khi nói về quyền năng của Chúa Cứu Thế, Thánh Kinh chép: “Ngươi không biết sao, không nghe sao? Đức Chúa Trời hằng sống, là Đức Giê-hô-va, là Đấng đã dựng nên các đầu-cùng đất, chẳng mỏi chẳng mệt; sự khôn-ngoan Ngài không thể dò. Ngài ban sức-mạnh cho kẻ nhọc-nhằn, thêm lực-lượng cho kẻ chẳng có sức” (Ê-sai 40:28-29). Nhưng khi ông Giăng kể lại, lúc Chúa đến thăm một làng nhỏ ở Sa-ma-ri, đã viết, “Vì đi đường mệt mỏi, Chúa ngồi nghỉ bên giếng” (Giăng 4:6). Một lần khác, khi đến thăm mộ của một người bạn, Chúa thấy hai em của người chết đã khóc, và những người Do-thái đứng xung quanh cũng khóc, nên Chúa xúc động và “tuôn trào nước mắt” (Giăng 11:35).

Chúa Cứu Thế Toàn năng chẳng hề mỏi mệt, đã tình nguyện vào đời để chịu mệt mỏi, xúc động, và khóc lóc như chúng ta. Thánh Kinh bày tỏ, “Chúa trở nên giống như chúng ta về mọi phương diện, để làm Thầy Tế lễ tối cao, nhân từ, trung thực, để chuộc tội cho mọi người” (Hê-bơ-rơ 2:14-17 BDY). Việc Thiên Chúa vào đời hoà mình với chúng ta cũng đã được nhà tiên tri Ê-sai loan báo cách đây hơn 2.700 năm rằng: “Nầy, một gái đồng-trinh sẽ chịu thai, sanh ra một trai, và đặt tên là Em-ma-nu-ên” (Ê-sai 7:14).

Tại nước Ba Tư ngày xưa có một vị vua rất danh tiếng tên là Shah Abbis, rất yêu thương đồng bào mình. Để hiểu dân tình một cách tốt hơn, vua thường mặc những y phục trá hình khác nhau để hoà mình với dân chúng.

Ngày kia, vua đến bên cạnh một người thợ hầm gạch đang mặc áo quần lem luốt. Vua cũng ăn mặc như người ấy, ngồi trò chuyện với người. Buổi trưa lại cùng ăn những chiếc bánh khô nhạt nhẽo mà người thợ kia đem theo làm lương thực. Hai người trò chuyện có vẻ thân thích nhau lắm. Vua Abbis thường hay đến thăm người thợ kia như vậy. Càng ngày người thợ càng cảm thấy yêu mến ông bạn của mình, mà cho đến lúc ấy anh ta cũng không ngờ đó là vua của nước Ba Tư.

Rồi một hôm, nhà vua tỏ thật cho người thợ biết mình chính là vua Ba Tư. Vua cũng nói thêm là anh có cần xin vua ban cho ân sủng nào chăng. Nhưng người thợ ngồi nhìn vua một cách trìu mến và cũng không giấu được sự ngạc nhiên. Cuối cùng, anh nói: “Muôn tâu thánh thượng, ngài đã vui lòng lìa nơi điện ngọc để hạ giáng, cùng ngồi với hạ thần ở nơi hèn hạ dơ bẩn này, cùng ăn những thức ăn tồi tàn với hạ thần, và chia sẻ những tâm sự vui buồn với hạ thần. Thiết tưởng đó là đủ lắm rồi. Đối với nhiều người, thánh thượng có thể ban những ân sủng nào khác, nhưng đối với hạ thần, hạ thần chỉ tha thiết thỉnh cầu thánh thượng một điều: Ấy là mong rằng thánh thượng đừng đòi lại cái ân sủng mà thánh thượng đã đoái ban cho hạ thần lâu nay. Ân sủng ấy chính là mối tương giao thấm thiết mà thánh thượng đã đem lại cho kẻ bần hàn này”.

Chúa Cứu Thế vào đời chẳng những để hoà mình với chúng ta trong cuộc sống đau khổ lầm than của con người, mà Ngài còn hoà mình để gánh chịu tội lỗi chúng ta. Thánh Kinh chép, “Ðức Chúa Trời đã làm cho Ðấng vốn chẳng biết tội lỗi trở nên tội lỗi vì chúng ta, hầu cho chúng ta nhờ Ðấng đó mà được trở nên sự công bình của Ðức Chúa Trời” (II Cô-rinh-tô 5:21).

Chúng ta là những con người bất toàn đáng bị Chúa tuyên án hình phạt đời đời trong hoả ngục. Nhưng đang khi chúng ta ở trong cảnh tuyệt vọng đó, Chúa Cứu Thế là Đấng Vô tội đến bên chúng ta nhỏ nhẹ nói rằng: “Con để Ta đứng trong địa vị tội nhân của con, và con hãy qua đứng trong địa vị vô tội của Ta”. Đang khi đứng trong địa vị tội nhân của chúng ta, Chúa Cứu Thế đã gánh vác hết thảy tội lỗi chúng ta đã phạm, rồi chịu chết thay chúng ta trên thập tự giá. Chúng ta nhờ đứng trong địa vị thánh thiện vô tội của Chúa Cứu Thế, và nhờ có huyết của Chúa đã đổ ra để rửa sạch tội lỗi, nên được Đức Chúa Trời nhìn nhận là người công chính thánh thiện. Vì thế, lý do của Chúa Giê-xu vào đời là để con người chúng ta được trở thành con cái của Đức Chúa Trời. Lý do Chúa vào đời là như vậy, nhưng Chúa Giê-xu có thực hiện được mục đích ấy khi Ngài đến thế gian không? Chúng ta sẽ suy nghĩ tiếp về:

III. Phước Hạnh Do Chúa Cứu Thế Vào Đời

Sự vào đời của Chúa Giê-xu đem lại ít nhất 2 phước hạnh lớn cho nhân loại.

  1. Giải cứu loài người ra khỏi tội lỗi

Trong lời báo tin cho Giô-sép về sự sinh ra của Chúa Giê-xu, thiên sứ đã nói: “Hỡi Giô-sép, con cháu Đa-vít, ngươi chớ ngại lấy Ma-ri làm vợ, vì con mà người chịu thai đó là bởi Đức Thánh Linh. Người sẽ sanh một trai, ngươi khá đặt tên là Giê-xu, vì chính con trai ấy sẽ cứu dân mình ra khỏi tội (Ma-thi-ơ 1:20-21).

         Chúa Giê-xu vào đời không phải để lập một tôn giáo, hay phổ biến một nền luân lý hoặc để rao giảng một học thuyết mới. Nhưng Ngài vào đời là để giải cứu con người ra khỏi tội lỗi, nơi mà con người đã và đang vùng vẫy để mong tự giải thoát nhưng vô hiệu. Chúa vào đời là để đem con người trở về phục hoà với Đức Chúa Trời bằng cách chịu chết thay cho con người trên thập tự giá. Bởi đó, con người có thể nhờ Ngài mà được cứu khỏi tội lỗi, khỏi sự định tội, và được dự phần trong nước vinh hiển đời đời của Ngài.

Chúng ta sợ tội nhưng không tránh được tội chăng? Chúng ta muốn làm điều lành nhưng chẳng làm được chăng? Chúng ta muốn làm điều tốt nhưng không thể thực hiện được chăng? Xin đừng tuyệt vọng, vì Chúa Giê-xu đã vào đời để cứu con người ra khỏi quyền lực của tội lỗi. Chúng ta hãy đến với Chúa Cứu Thế Giê-xu để kinh nghiệm được sự giải cứu lạ lùng của Ngài (Rô-ma 7:14-25).

  1. Ban bình an trong lòng kẻ tin

Đêm nay là đêm giáng sinh, đêm khai mở một kỷ nguyên mới, như tiên tri Ê-sai đã loan báo: “Dân đi trong nơi tối tăm đã thấy sự sáng lớn; và sự sáng đã chiếu trên những kẻ ở xứ thuộc về bóng của sự chết… Vì có một con trẻ sanh cho chúng ta, tức là một con trai ban cho chúng ta; quyền cai trị sẽ nấy trên vai Ngài. Ngài sẽ được xưng là Đấng Lạ lùng, là Đấng Mưu luận, là Đức Chúa Trời Quyền năng, là Cha Đời đời, là Chúa Bình an. Quyền cai trị và sự bình an của Ngài cứ thêm mãi không thôi, ở trên ngôi Đa-vít và trên nước Ngài, đặng làm cho nước bền vững, và lập lên trong sự chánh trực công bình, từ nay cho đến đời đời” (Ê-sai 9: 1, 5-6).

Tiên tri Ê-sai nhấn mạnh, Chúa Cứu Thế được xưng là Chúa Bình An. Nếu đọc lại câu chuyện giáng sinh, chúng ta cũng sẽ thấy, trong đêm giáng sinh đầu tiên, để chào mừng sự ra đời của Chúa Cứu Thế và cũng để đem tin vui đến cho loài người, ca đoàn thiên binh với thiên sứ đã hát lên để chúc bình an cho loài người, “Vinh danh Thượng Đế trên trời. Bình an dưới đất cho người Ngài thương” (Lu-ca 2:14).

Thật vậy, sự giáng sinh của Chúa Giê-xu có kết quả là đem bình an đến cho lòng người. Bình an là điều quý báu đối với loài người, nhưng kể từ khi loài người bất tuân Thượng Đế và phạm tội, thì con người đã bị mất bình an trong lòng. Chính vì thế mà Chúa Giê-xu vào đời, để thực hiện chương trình cứu rỗi cho con người, hầu đem con người trở về với sự bình an của Ngài.

Sự bình an Chúa ban cho chúng ta không chỉ có nghĩa là không chiến tranh loạn lạc, mà còn có ý nghĩa tích cực hơn như tiếng Do-thái diễn tả: tự do, không bị khuấy rối, khoẻ mạnh, an toàn thư thái… Sự bình an này bao gồm mọi ân huệ linh hồn và thể xác mà Đức Chúa Trời muốn ban tặng cho con người. Đó là sự bình an mà tiên tri Ê-sai đã diễn tả bằng hình ảnh, “một đứa con được mẹ ẳm vào lòng cho bú và được vỗ về trên đầu gối mẹ” (66:12-13). Đó cũng là sự bình an mà thánh Phao-lô đã nói tới một cách trân trọng ở thư tín gửi cho các tín hữu tại Ga-la-ti, “bình an và lòng thương xót sẽ có, đối với những kẻ… đã trở nên tạo vật mới”. Sự bình an đó thế gian không ban cho được, và cũng chẳng có thể lấy mất đi khỏi những người tin Chúa. Sự bình an đó là do Đức Chúa Trời ban tặng vào tâm hồn những người đã được đổi mới bởi đức tin.

Trong mùa Giáng sinh này, tôi cầu nguyện cho ông bà anh chị em, để khi suy ngẫm về sự vào đời của Chúa Cứu Thế, ai nấy đều nhận biết rằng, Chúa Giê-xu “vốn có hình Đức Chúa Trời, song chẳng coi sự bình đẳng mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm giữ; chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người”. Ngài vào đời để bày tỏ Đức Chúa Trời cho con người. Chúa vào đời để làm ứng nghiệm lời tiên tri trong Kinh Thánh. Và Chúa vào đời để trở nên sinh tế chuộc tội cho loài người.

Ước mong quý ông bà anh chị em chẳng những nhận biết về mầu nhiệm Chúa Cứu Thế vào đời, mà còn sẽ làm giống như các nhà thông thái Đông phương “sấp mình xuống mà thờ lạy Ngài” trong mùa giáng sinh 2024 và suốt cả cuộc sống.

 

Giám mục Tô Văn Út

Giáng sinh 2024

Tải bài giảng ↓

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *