Sứ điệp Thương khó 2025 : THẤY CHÚA CHỊU CHẾT

THẤY CHÚA CHỊU CHẾT

Giăng 19:5; Ma-thi-ơ 27: 45-54

Tạ ơn Chúa, hôm nay chúng ta được họp nhau tại đây để thờ phượng Chúa và kỷ niệm một ngày, có một không hai trong lịch sử của loài người… đó là ngày Chúa Cứu Thế Giê-xu chết thay cho loài người tội lỗi. Ngày này tiếng Anh gọi là “Good Friday – Thứ Sáu tốt lành)”. Tại sao ngày Chúa Cứu Thế chịu chết cách sỉ nhục trên thập tự giá, lại được gọi là ngày tốt? Lý do là vì Chúa Cứu Thế không phải chịu chết vì tội lỗi của mình, nhưng Ngài chịu chết là để trả món nợ tội lỗi, cho tất cả những người có niềm tin nơi Ngài. Chúa yêu thương chúng ta và hy sinh tính mạng vì chúng ta, đó là một điều tốt lành, nên Ngày này được gọi là Thứ Sáu tốt lành. Chúa chịu chết là để trả món nợ tội lỗi cho loài người, nên khi Chúa chết, chúng ta thấy nhiều điều lạ lùng xảy ra.

I. Khi Chúa chết, Ngài kêu lớn tiếng: “Thượng Đế ơi! Thượng Đế ơi! Sao Ngài lìa bỏ Con”

Ma-thi-ơ 27: 45-46 chép, “Từ giữa trưa đến ba giờ chiều, bóng tối bao trùm khắp đất. Khoảng ba giờ chiều, Đức Chúa Jêsus kêu lớn tiếng: “Ê-li, Ê-li, lam-ma-sa-bách-ta-ni?” nghĩa là: “Đức Chúa Trời của con! Đức Chúa Trời của con! Sao Ngài lìa bỏ con?”

 Chúa Giê-xu là con Đức Chúa Trời. Ngài là Đấng không có tội. Không ai có thể tìm được một lỗi lầm nhỏ nào trong Ngài.  Vợ của Tổng đốc Phi-lát đã làm chứng về đời sống toàn hảo của Chúa Giê-xu cho chồng mình bằng những lời này, “Xin ông đừng làm gì đến người công bình đó, vì hôm nay tôi bởi cớ người mà đau đớn nhiều trong chiêm bao” (Ma-thi-ơ 27:19). Chính Tổng đốc Phi-lát cũng ba lần tuyên bố: “Giê-xu vô tội” (Giăng 8:39; 19:4,6). Để xác nhận lời tuyên bố đó, Phi-lát đã rửa tay trước mặt mọi người.

Viên đội trưởng La Mã đã nói: “Thật người này là người công bình” (Lu-ca 23:47). Giu-đa Ích-ca-ri-ốt tự thú: “Tôi đã phạm tội vì nộp huyết vô tội”.

Chính ma quỷ là kẻ thù lớn nhất của Chúa Giê-xu cũng thú nhận, “Hỡi Giê-xu, tôi biết Ngài là ai, là Đấng Thánh của Thượng Đế” (Mác 1:24).

Trải qua 21 thế kỷ, mọi người đều công nhận Chúa Giê-xu chính là một người trọn vẹn. Ngay cả chính Đức Chúa Trời cũng đã làm chứng rằng, “Đây là Con yêu dấu Ta, đẹp lòng Ta mọi đàng”. Chúa Giê-xu là người trọn vẹn, toàn hảo. Ngài đã sống cuộc đời đẹp lòng Đức Chúa Trời và người ta, nhưng tại sao trong giờ hấp hối phải kêu lên một tiếng kêu của tận cùng khổ đau, “Đức Chúa Trời tôi ôi! Đức Chúa Trời tôi ôi! Sao Ngài lìa bỏ tôi?”

Trước kia, Chúa Giê-xu đã từng trải ít nhiều về sự từ bỏ. Những người trong gia đình Ngài từ bỏ Ngài. Quê hương Ngài từ bỏ Ngài. Dân tộc Do-thái mà Ngài yêu thương tuyển chọn đã từ bỏ Ngài. Thế giới mà Ngài đến để tìm và cứu kẻ bị hư mất cũng đã từ bỏ Ngài. Nhưng trong những lúc đó, Đức Chúa Trời không bao giờ từ bỏ Ngài. Mỗi giờ phút của đời sống, Ngài đều có thể đến chuyện trò với Đức Chúa Trời. Khi có khó khăn, Ngài đi lên núi để cầu nguyện với Đức Chúa Trời. Khi dân chúng từ bỏ Ngài, thì Đức Chúa Trời ở bên Ngài. Nhưng bây giờ trên thập tự giá, không còn ai để Ngài thông công, tương giao, chuyện trò, ngay cả Đức Chúa Trời cũng từ bỏ Ngài.

Có phải Đức Chúa Trời đã thay đổi rồi không? Có phải tình yêu Đức Chúa Trời đã đổi thay không? Có phải bản tính của Đức Chúa Trời đã thay đổi rồi không? Hay Đức Chúa Trời không giữ lời hứa? Hoặc có phải Chúa Giê-xu đã chọc giận Đức Chúa Trời nên đã bị Ngài từ bỏ? KHÔNG! Ngàn lần không phải! Như vậy, tại sao Chúa Giê-xu bị Đức Chúa Trời từ bỏ?

Lý do được tìm thấy trong Ha-ba-cúc 1:13, “Mắt Chúa thánh sạch chẳng nhìn sự dữ, chẳng có thể nhìn được sự trái ngược”. Câu Thánh Kinh này cho biết mắt Chúa thánh sạch, chẳng có thể nhìn được tội lỗi. Ê-sai 53:6 chép: “Chúng ta thảy đều như chiên đi lạc, ai theo đường nấy: Đức Giê-hô-va đã làm cho tội lỗi của hết thảy chúng ta đều chất trên người”. Nhưng cũng chưa hết, II Cô-rinh-tô 5:21 chép: “Đức Chúa Trời đã làm cho Đấng vốn chẳng biết tội lỗi trở nên tội lỗi vì chúng ta, hầu cho chúng ta nhờ Đấng đó mà được trở nên sự công bình của Đức Chúa Trời”.

Vì cớ tội lỗi của hết thảy chúng ta đều chất trên Chúa Giê-xu, và vì cớ Đức Chúa Trời thánh khiết không thể nhìn được tội lỗi, nên trong giờ phút ở trên thập tự giá, Đức Chúa Trời đã xây mặt khỏi Con Ngài, đã từ bỏ Con Ngài.

Thánh Kinh cho biết Đức Chúa Trời là Đấng thánh khiết trong sạch. Ngài thánh khiết đến nỗi các Sê-ra-phin ở trên trời phải che mặt họ lại trước sự hiện diện của Ngài. Đức Chúa Trời thánh khiết đến nỗi không có loài xác thịt nào có thể đứng nỗi trước mặt Ngài dù chỉ trong giây lát. Đức Chúa Trời thánh khiết đến nỗi ông Gióp là người tốt nhất vào thời đó, khi đến trước sự hiện diện của Chúa, đã thốt lên, “Tôi lấy làm gớm ghê tôi!” Ông Phi-e-rơ cũng có cùng cảm nghĩ đó, khi kêu lên, “Lạy Chúa, xin lìa khỏi con, vì con là người có tội” (Lu-ca 5:8).

 Vậy nên, khi Chúa Giê-xu chịu treo thân trên thập tự giá, khi tất cả tội lỗi thế gian chất trên Chúa Giê-xu, thì Đức Chúa Trời dù phải đau lòng lắm, vì phải từ bỏ Con Ngài trong giờ phút đó, nhưng Ngài cũng phải làm vậy bởi Ngài là Đấng Thánh không chịu được tội lỗi. Đó là lý do Chúa Giê-xu bị Đức Chúa Trời từ bỏ. Quý vị và tôi đã phạm tội. Chúa Giê-xu mang lấy tội lỗi chúng ta trên thập tự giá. Đức Chúa Trời không thể nhìn xem tội lỗi, nên đã từ bỏ Con rất yêu dấu của Ngài. Ở đó, Chúa Giê-xu bị từ bỏ để chúng ta không phải bị từ bỏ.

II. Khi Chúa chết, bức màn trong Đền thờ bị xé đôi từ trên xuống dưới

Ma-thi-ơ 27: 45 chép: “Từ giữa trưa đến ba giờ chiều, bóng tối bao trùm khắp đấtTừ giữa trưa đến ba giờ chiều ”. Sau khi Chúa Giê-xu chịu đóng đinh trên thập tự giá 3 tiếng đồng hồ thì bóng tối bao trùm khắp đất trong 3 tiếng đồng hồ nữa, Đang lúc giữa trưa một một ngày mùa hè, mặt trời chiếu sáng, thình lình sự tối tăm bao trùm che khuất mặt trời. Đó là một việc chỉ một mình Đức Chúa Trời làm được.

Trước thảm kịch Con Đức Chúa Trời chịu chết vì tội lỗi của loài người, muôn vật mặc một màu tang trong im lặng u buồn. Trước thảm kịch Con Đức Chúa Trời chịu chết vì tội lỗi của nhân loại, muôn vật cúi đầu che mặt lại mà không dám nhìn lên. Trong lịch sử nhân loại từ đầu chí cuối, không có sự chết của ai đáng ghi nhớ và được cảm động bằng sự chết của Chúa Giê-xu. Bức màn đen đã phủ trên đồi Gô-gô-tha và cả xứ Do Thái để biểu hiện tội lỗi và tình trạng tuyệt vọng của nhân loại.

Suốt ba tiếng đồng hồ đó là thời gian thê lương và ảm đạm nhất xưa nay. Dân Do Thái và chính quyền La Mã đã làm một việc mà kết quả của nó là trời đất tối tăm và muôn vật âu sầu. Nhưng không phải chỉ có dân Do Thái và chính quyền La Mã đã đóng đinh Chúa Giê-xu mà là toàn thể nhân loại đã đóng đinh Ngài. Nếu tôi và quý ông bà anh chị em không phạm tội thì đâu có cảnh Chúa Giê-xu chịu chết trên thập tự giá. Và nếu Chúa không vì yêu yêu thương chúng ta, thì đâu có cảnh Chúa Giê-xu chịu chết trên thập tự giá.

Do đó, sự chết của Chúa Giê-xu trên thập tự giá không phải là thất bại và tuyệt vọng, mà là đắc thắng và hướng lên một ngày vinh quang. Bởi lẽ, Chúa Giê-xu đã “vì tội lỗi chúng ta mà mà bị vết, vì sự gian ác chúng ta mà bị thương. Bởi sự sửa phạt Ngài chịu, chúng ta được bình an; bởi lằn roi Ngài, chúng ta được lành bệnh”.

Phi-e-rơ cũng nhận biết chân lý ấy, nên ông viết: “Ngài gánh tội lỗi chúng ta trong thân thể Ngài trên cây gỗ. Đấng Christ cũng vì tội lỗi chịu chết một lần, là Đấng công bình thay cho kẻ không công bình để dẫn chúng ta đến cùng Đức Chúa Trời (I Phi-e-rơ 2:23).

Khi nghĩ đến Chúa Giê-xu, con Đức Chúa Trời chịu đóng đinh trên thập tự giá, sứ đồ Giăng cũng viết: “Ấy chính Ngài làm tế lễ chuộc tội chúng ta, không những vì tội lỗi chúng ta thôi đâu mà cũng vì tội lỗi của cả thế gian nữa” (I Giăng 2:2). Nhờ Chúa Giê-xu chịu chết, mà chúng ta đã được buông tha khỏi tội lỗi. Nhờ Chúa Giê-xu chịu chết, mà chúng ta đã được ban cho quyền năng để sống đời công chính.

III. Khi Chúa chết, đất rúng động dữ dội, đá lớn vỡ ra, các cửa mộ mở tung và nhiều người thánh đã chết được sống lại

Ma-thi-ơ 27: 51b-52 chép: “đất thì rúng động, đá lớn bể ra, mồ mả mở ra, và nhiều thây của các thánh qua đời được sống lại”. Khi Chúa Cứu Thế Giê-xu chịu chết trên thập tự giá, đất rúng động dữ dội trong phạm vi đồi Gô-gô-tha để chứng minh sự chết của Ngài là sự chết của Chúa Cứu Thế.

Tiếp theo là các mồ mã cũng mở tung và nhiều thi thể của các thánh qua đời được sống lại. Phần mộ của người Do Thái ở trong các vầng đá, nên khi đất rúng động, thì các vầng đá bể ra, phần mộ đồng thời cũng mở tung và thi hài của các thánh đồ sống lại.

Việc này cũng chỉ xảy ra trong phạm vi của đồi Gô-gô-tha, liên quan đến các nghĩa trang gần đó. Các thánh đồ không ra khỏi phần mộ cho đến khi Chúa Cứu Thế Giê-xu sống lại vào ngày thứ ba. Họ có hiện ra cho nhiều người tại Giê-ru-sa-lem cùng thấy. (Họ không sống lại như Chúa Giê-xu, nhưng sống lại như La-xa-rơ). Việc đó nói lên sự chết của Chúa Giê-xu có quyền lực mạnh mẽ, phá tan sự chết, đem lại sự sống cho kẻ chết. Đồng thời nó cũng báo trước sự sống lại của các tín đồ trong ngày Chúa Giê-xu trở lại thế gian lần thứ hai.

IV. Khi Chúa chết, viên đại đội trưởng đã nhìn nhận: “Người này đúng là Con Thượng Đế!”

Ma-thi-ơ 27:54 chép: “Khi viên đội trưởng và quân lính canh giữ Đức Chúa Jêsus, thấy đất rúng động cùng những gì đã xảy ra thì vô cùng kinh hãi và nói: “Thật, Người nầy là Con Đức Chúa Trời!” Khi Chúa chết, nhiều sự việc lạ lùng xảy ra, đã đánh mạnh vào mắt, vào tai, vào trí, vào lòng của những người Do Thái vô tín, để nói cho họ biết Chúa Giê-xu chính là Đấng Cứu Thế. Qua sự chết lạ lùng đó, thầy đội là viên sĩ quan chỉ huy bọn lính La Mã đóng đinh Chúa Giê-xu cũng phải hoảng hốt kêu lên: “Thật, người này là Con Đức Chúa Trời!”

 Vậy, nếu Chúa Giê-xu là Con Đức Chúa Trời, thì sự chết của Ngài là “. . . theo kỳ hạn chịu chết vì kẻ có tội”. Nếu Chúa Giê-xu là Con Đức Chúa Trời, thì sự chết của Ngài là “. . . vì chúng ta mà chịu chết” (Rô-ma 5:6-8). Nếu Chúa Giê-xu là Con Đức Chúa Trời, thì Ngài là Đấng yêu chúng ta và phó chính mình Ngài vì tội chúng ta (Ga-la-ti 2:20).

Chúa chết để đem chúng ta ra khỏi nơi tối tăm tuyệt vọng. Chúa chết để đem chúng ta đến nơi sáng láng lạ lùng. Chúa chết để mở con đường vào nơi chí thánh. Chúa chết để đem chúng ta đến gần Đức Chúa Trời. Chúa chết để phá tan quyền lực của tử thần. Chúa chết để đem chúng ta “vượt khỏi sự chết mà đến sự sống”. Thật, “Người này là Con Đức Chúa Trời!” Thật, Người này là Cứu Chúa của thế gian”.

Vào tháng 7 năm 1941, một tù nhân đã trốn khỏi trại tập trung của Đức Quốc Xã. Theo quy định của trại này, cứ một tù nhân trốn thoát khỏi trại, thì mười người khác phải chết thế mạng. Viên sĩ quan chỉ tay vào số tù nhân đang đứng xếp hàng trước mặt rồi ông đếm một, hai, ba… tới mười. Khi người thứ mười bị dẫn ra, anh ấy đã khóc thảm thiết và kêu la: “Ôi vợ tôi, con tôi và cả mẹ già của tôi nữa! Tôi sẽ không bao giờ còn được gặp họ nữa!”. Lúc đó, một vị linh mục tù nhân tiến ra xin với viên sĩ quan người Đức, cho mình chết thay người tử tù thứ mười đó. Rồi, cả mười người tử tù bị giam vào ngục và bị bỏ đói cho chết… Sau này, người tử tù đã được vị linh mục chết thay kể lại: sự kiện đó đã tạo ra một ấn tượng tốt đẹp và sâu xa, khiến cho tinh thần và cách sống trong trại thay đổi hẳn. Vị linh mục không chỉ chia sẻ cho các bạn tù một mẩu bánh, vài muỗng canh, vài ngụm nước nhưng chính là cả mạng sống của mình.

Vị linh mục đã hy sinh mạng sống của mình cho người tử tù, chính là một cử chỉ đáng kính phục. Chúa dạy: “Không có tình yêu thương nào lớn hơn tình yêu thương vì bạn hữu mà hy sinh mạng sống mình” (Giăng 15:13). Chúa chẳng những khuyên dạy mà còn thực hành. Chúa có tình yêu lớn nhất nên đã hy sinh tính mạng Ngài vì cả nhân loại. Chúa yêu chúng ta bằng tình yêu lớn nhất, nên đã phó chính mình Ngài vì tội chúng ta (Ga-la-ti 2:20).

Trong Mùa Thương Khó này, tôi cầu nguyện cho hết thảy chúng ta, để nhiều người sẽ THẤY CHÚA CHỊU CHẾT chính là Con Đức Chúa Trời. Nhiều người sẽ tiếp nhận CHÚA CHỊU CHẾT làm Chúa Cứu Thế. Nhiều người sẽ được làm con cái Ngài. Nhiều người sẽ hưởng được sự sống vĩnh phúc (Giăng 3:16). Amen.

 

Giám mục Tô Văn Út

Thương Khó 2025

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *