Bài giảng ĐÀO TẠO NHỮNG NHÀ LÃNH ĐẠO GIỐNG CHÚA GIÊ-XU

ĐÀO TẠO NHỮNG NHÀ LÃNH ĐẠO

GIỐNG CHÚA GIÊ-XU

(Mác 10:43-45).

Vào đầu năm 1967, có 3 mục sư (nhà truyền giáo Billy Graham, nhà thần học John Stott và Giám mục Jack Dain) đã cùng nhau cầu nguyện, để xem Chúa muốn LÀM GÌ thông qua họ. Đây là BỘ BA CẦU NGUYỆN đầu tiên của Phong trào truyền giáo thế giới. BỘ BA này đã thảo luận về khả năng KẾT NỐI các nhà lãnh đạo Cơ đốc từ khắp nơi trên thế giới của mọi giáo phái, trong việc thực hiện Đại Mạng Lệnh. Nhờ tình bạn này, đã nảy sinh Hội nghị về Truyền giáo Thế giới lần thứ nhất tại Thụy sĩ vào năm 1974. BÂY GIỜ là năm 2024, tức là sau 50 năm, chúng tôi với hơn 5.000 đại biểu, thuộc hơn 220 quốc gia, được đến dự Hội nghị lần 4 tại Hàn Quốc.

Hội nghị lần 4 này, nhằm mục đích thúc đẩy TẦM NHÌN BỐN PHẦN: (1) Đem Tin lành cho mọi người trên khắp thế giới. (2) HỘI THÁNH đào tạo môn đồ cho các dân tộc ở khắp mọi nơi. (3) Đào tạo những NHÀ LÃNH ĐẠO giống Chúa Giê-xu cho mọi hội thánh và mọi mục vụ. Và (4) Tạo ra ẢNH HƯỞNG tích cực của Vương quốc Chúa, trong mọi lĩnh vực của xã hội

Hai tuần trước, chúng ta đã suy nghĩ phần 1 và 2 của tầm nhìn, là ĐEM TIN LÀNH cho mọi người trên khắp thế giới, và HỘI THÁNH đào tạo môn đồ cho các dân tộc ở khắp mọi nơi. Tối nay, tôi muốn chia sẻ cho hội thánh phần 3 của tầm nhìn, là Đào tạo những NHÀ LÃNH ĐẠO giống Chúa Giê-xu cho mọi hội thánh và mọi mục vụ. Lãnh đạo giống Chúa Giê-xu là lãnh đạo như thế nào.

I. Lãnh đạo giống Chúa Giê-xu là lãnh đạo CÓ MỤC TIÊU cụ thể

II. Lãnh đạo giống Chúa Giê-xu là mong muốn khởi đầu từ những việc nhỏ

III. Lãnh đạo giống Chúa Giê-xu là mong muốn đến với những ai đang cần đến mình

I. Lãnh đạo giống Chúa Giê-xu là lãnh đạo CÓ MỤC TIÊU cụ thể

Vua Sa-lô-môn là người khôn ngoan nhất thế giới xưa nay, đã nói ra những lời khôn ngoan này: “Cái khôn của kẻ sáng suốt, là biết rõ đường mình đi” (Châm ngôn 14:8). Và thật vậy, nhiều năm về trước, một trường đại học danh tiếng ở Hoa Kỳ đã khám phá ra, là chỉ có 3% sinh viên tốt nghiệp, đã viết ra một cách rõ ràng các mục tiêu của mình. Mười năm sau, trường đại học này thực hiện một nghiên cứu tiếp theo nghiên cứu trước đó, và kết quả cho thấy 3% sinh viên tốt nghiệp đạt được thành quả về phương diện tài chính tốt hơn 97% các sinh viên nghiệp còn lại. Ba phần trăm đó, chính là những sinh viên đã viết ra mục tiêu của họ.

Nhà tiên tri Ha-ba-cúc kể chuyện: “Chúa bảo tôi: Con hãy viết xuống khải tượng (mục tiêu), ghi khắc rõ ràng trên bảng đá, để người nào chạy ngang qua cũng đọc được” (Ha-ba-cúc 2:2).

Thưa hội thánh, khi chúng ta NHẬN RA, Chúa muốn chúng ta làm điều gì, thì hãy VIẾT NÓ ra. Chúa Giê-xu biết rõ mục tiêu hoặc khải tượng của Ngài: “Ta đã đến trần gian để TÌM VÀ CỨU kẻ bị hư mất” (Lu-ca 19:10). Chúa Giê-xu cũng biết rõ Ngài cần phải BAN CHO điều gì. Chúa nói: “… Ta đến, để ĐEM LẠI sự sống và sự sống sung mãn” (Giăng 10:10).

Cũng vậy, ngày nay chúng ta có thể làm giống như Ha-ba-cúc và Chúa Giê-xu. Khi về nhà, chúng ta hãy lấy một tờ giấy, ngay đầu tờ giấy thứ nhất hãy viết “ƯỚC MƠ và MỤC TIÊU (chức vụ) đời tôi”. Sau đó cầu nguyện, xin Chúa BÀY TỎ cho mình kế hoạch ,mà Chúa đã định cho cuộc đời mình. Rồi chúng ta MỖI NGƯỜI bắt đầu viết chi tiết, những gì chúng ta muốn TRỞ THÀNH. Chúng ta viết chi tiết những gì Chúa muốn chúng ta LÀM. Chúng ta viết chi tiết những gì mình Chúa muốn chúng ta CÓ trong cuộc sống của mình. Chúng ta hãy để Chúa HƯỚNG DẪN ước mơ và MỤC TIÊU của mình, và VIẾT RA cách chi tiết trên trang giấy.

Kế tiếp, lấy tờ giấy THỨ HAI ra và viết “MỤC TIÊU 12 tháng của tôi”. Sau đó liệt kê những gì mình muốn thực hiện trong 12 tháng tới.

Tiếp theo, lấy tờ giấy THỨ BA ra và viết “MỤC TIÊU 30 ngày của tôi”. Sau đó, viết chi tiết những gì mình mong muốn hoàn thành trong 30 ngày tới.

Cuối cùng, lấy tờ giấy THỨ TƯ ra và viết “Công việc thường ngày lý tưởng của tôi.” Rồi, viết vào đó viết SÁU ĐIỀU quan trọng nhất, mình sẽ làm trong 24 tiếng đồng hồ tới. Thưa hội thánh, tương lai của MỖI TÔI TỚ và CON CÁI Chúa, được giấu trong những công việc thường ngày mình làm. Vậy, hãy THIẾT LẬP MỤC TIÊU cho chính mình.

II. Lãnh đạo giống Chúa Giê-xu là mong muốn khởi đầu từ những việc nhỏ

Chúa Giê-xu biết rằng những thành quả lớn lao mà chúng ta CÓ ĐƯỢC, là nhờ những mong muốn khởi đầu từ những việc nhỏ. Hãy để ý xem. Cây sồi bắt đầu từ trái sồi. Một người con người cao lớn bắt đầu từ một phôi thai nhỏ bé trong bụng dạ người mẹ.

Chúng ta hãy khao khát khởi đầu từ những việc nhỏ. Chúng ta hãy bắt đầu bằng những gì mình có. Những gì mình đang sở hữu, chính là điểm xuất phát. Đừng trở nên giống người đàn ông trong Kinh Thánh, một người có một tài năng nhưng lại KHÔNG CHỊU sử dụng tài năng đó. Hãy sử dụng những gì mình đã được ban tặng, chúng ta sẽ nhận lãnh nhiều hơn nữa.

Chúa Giê-xu có một KHỞI ĐẦU khá êm ả. Nhưng Ngài không dừng lại đó. Ngài đã sống ba mươi năm mà KHÔNG làm bất kỳ phép lạ nào. Nhưng một ngày nọ, Chúa thực hiện phép lạ đầu tiên của mình, và trở thành Chúa Cứu Thế.

Đa vít có một CÁI NÁ, nhưng ông đã trở thành một vị vua.

Giô-sép bị bán làm NÔ LỆ, nhưng ông đã trở thành Tể Tướng của Ai Cập.

Bà góa Sa-rép-ta chỉ có một miếng BÁNH NHỎ, nhưng bà đã dâng chiếc bánh đó vào tay Chúa, và nhờ đó mà nhà bà KHÔNG THIẾU thức ăn trong nạn đói.

Những gì chúng ta đã được ban tặng, thì ĐỦ để tạo nên những gì mình đã được hứa ban. Vậy ai dám khinh thường bước KHỞI ĐẦU KHIÊM TỐN này?

Lần kia, Chúa muốn dạy một bài học cho dân Ngài. Chúa tìm cách cho họ hiểu lời giáo huấn Ngài. Nhưng dân chúng như ĐỨA BÉ QUÁ LỚN không thể bú sữa mẹ. Dân chúng chế giễu nhà tiên tri Ê-sai và bảo: “MỘT mệnh lệnh ở đây, MỘT mệnh lệnh ở đó. Chỗ nầy MỘT qui tắc, chỗ kia MỘT qui tắc. Nơi nầy MỘT bài học, nơi nọ MỘT bài học” (Ê-sai 28:10).

Thưa hội thánh, những gì chúng ta đang có ngày nay, thì ĐỦ để tạo nên những thứ khác, mà chúng ta mong muốn trong tương lai. Chúa Giê-xu hiện hữu trước khi thế giới được tạo dựng. Ngài còn nhớ lúc mà trái đất và con người chưa tồn tại. Chúa Giê-xu biết những việc VĨ ĐẠI khởi đi từ những VIỆC NHỎ. Xin Chúa giúp chúng ta nhìn thấy CÁCH Chúa khởi sự từ một việc nhỏ bé, và chuyển nó TRỞ NÊN một thành công lớn trong chức vụ của chúng ta.

 III. Lãnh đạo giống Chúa Giê-xu là mong muốn đến với những ai đang cần đến mình

 Có ai đó đang cần đến chúng ta. Vậy, chúng ta hãy năng động lên và tìm đến những ai đang cần đến mình. Hãy mở rộng tương giao với láng giềng, hãy lui tới với những thành viên trong gia đình. Hãy nhấc điện thoại lên và gọi cho ai đó, và hãy mạnh dạng viết vài dòng cho người bạn thân. Có thể chúng ta còn nhút nhát, e dè và thậm chí còn thiếu tự tin, nhưng nếu không tương giao với người khác, chúng ta sẽ khó có cơ hội nói về Chúa cho người khác.

Chúa Giê-xu biết rõ điều này. Chúa đã không dựng dinh trấn ở giữa mỗi phố thị và nói: “Đây là cung điện của ta, đây là nơi duy nhất các ngươi có thể gặp được ta”. Trái lại, Chúa ĐI ĐẾN nơi con người buôn bán. Ngài ĐI ĐẾN bến thuyền của dân chài. Ngài ĐI ĐẾN hội trường. Ngài ĐI thăm dân chúng tại nhà của họ. Ngài ĐI khắp mọi nơi. Chúa “ra đi thăm các thành, các làng mạc, rao giảng Tin Mừng và chữa lành người bệnh khắp nơi” (Lu-ca 9:6).

Điều gì NGĂN CẢN chúng ta mở lòng ra để tương giao với những người khác? Phải chăng đó là sự LO LẮNG trong lòng, hay nỗi E SỢ rằng mình sẽ bị từ chối hoặc bị coi thường?

Những người thành công trong việc thực thi Đại Mạng Lịnh là những người biết VƯƠN RA, để đến với người khác. Họ cũng E NGẠI bị từ chối lắm chứ, nhưng họ TIN rằng mục tiêu của mình, là điều đáng quan tâm hơn cả.

Chúa Giê-xu đã TỪ BỎ những gì tiện lợi, thoải mái cho mình. Chúa đã chấp nhận rời xa Cha trên trời và các thiên sứ. Ngài mong muốn đi vào những nơi, mà ở đó không có sự thánh thiện và không hoàn hảo. Nhờ đó, Ngài đã bước vào cuộc sống của những ai cần đến Ngài. Vậy, hôm nay chúng ta hãy lập danh sách truyền giáo, bao gồm người trong họ hàng, láng giềng, bạn hữu… để cầu nguyện và làm chứng cho họ.

 Một tôi tớ Chúa kể chuyện: “Những TRỞ NGẠI lớn nhất đối với việc thực thi Đại Mạng Lịnh của Chúa, KHÔNG NẰM ở các tôn giáo khác, sự đàn áp hay sự không tin Chúa của dân chúng (mặc dù đây là những trở ngại), MÀ LÀ nằm trong hội thánh, và trong sự KHÔNG VÂNG PHỤC của dân Chúa.” Rồi ông đã thách đố các nhà lãnh đạo Hội thánh về BA TRỞ NGẠI: (1) Quyền lực và lòng kiêu hãnh; (2) Sự nổi tiếng và thành công; và (3) Sự giàu có và lòng tham. BA TRỞ NGẠI đó đã cùng nhau TẠO NÊN sự thất bại, trong việc thực thi Đại Mạng Lịnh của Chúa. Giải pháp của ông là KÊU GỌI hội thánh trở lại với sự khiêm nhường, chính trực và giản dị”.

Vậy, hôm nay, chúng ta hãy CẦU NGUYỆN, xin Chúa dấy lên những nhà lãnh đạo giống Chúa Giê-xu cho mọi hội thánh và mọi khu vực thế tục của xã hội. Và chúng ta sẽ CẦU NGUYỆN cho những trường Kinh Thánh, trong việc đào tạo các nhà lãnh đạo giống Chúa Giê-xu trong sự khiêm nhường, giản dị và chính trực. Lãnh đạo giống Chúa Giê-xu là lãnh đạo CÓ MỤC TIÊU cụ thể. (2) Lãnh đạo giống Chúa Giê-xu là mong muốn khởi đầu từ những việc nhỏ. Và (3) Lãnh đạo giống Chúa Giê-xu là mong muốn đến với những ai đang cần đến mình để nói về Chúa cho họ. Hôm nay, chúng ta sẽ quyết tâm trở thành NHỮNG NHÀ LÃNH ĐẠO GIỐNG CHÚA GIÊ-XU. Amen? chúng ta sẽ quyết tâm ĐÀO TẠO  NHỮNG NHÀ LÃNH ĐẠO GIỐNG CHÚA GIÊ-XU. Amen?

Giám mục Tô Van Út

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *