CẦU NGUYỆN, CHỨNG ĐẠO, VÀ NHỮNG MỐI LIÊN HỆ MÔN ĐỒ HÓA

CẦU NGUYỆN, CHỨNG ĐẠO, VÀ NHỮNG MỐI LIÊN HỆ MÔN ĐỒ HÓA

Giám mục Tô Văn Út

Có ba giá trị căn bản mà mỗi tín hữu và mỗi hội thánh cần phải có: cầu nguyện, chứng đạo, và môn đồ hoá.

Cầu nguyện là mối liên hệ của chúng ta với Đức Chúa Trời. Chứng đạo là sự liên hệ của chúng ta với người chưa tin Chúa. Môn đồ hoá là mối liên hệ của chúng ta đối với những Cơ Đốc nhân khác. Nó bắt đầu với sự hiểu biết Đức Chúa Trời sâu xa hơn (Thi Thiên 103:7).

Đức Chúa Trời đang tìm kiếm người hiểu biết Ngài, để Ngài bày tỏ đường lối Ngài cho họ (Giăng 17:3). Môi-se biết đường lối Đức Chúa Trời. Người biết rằng Chúa sẽ đến. Trọng tâm của Phúc âm là chúng ta biết Đức Chúa Trời qua Đấng Christ.

Truyền đạo 4:12 nói về sợi dây đánh ba tao lấy làm khó đứt: đó là sự cầu nguyện, chứng đạo, và môn đồ hoá. Dây ba tao này sẽ làm cho đời sống hội thánh nhóm tế bào được khoẻ mạnh.

I. Cầu Nguyện

 1. Dành thì giờ cho Chúa

Không có cách nào khác để biết Đức Chúa Trời ngoại trừ dành thì giờ cho Ngài. Nhiều nhà lãnh đạo không thành công vì họ chỉ lo làm việc mà không dành thì giờ ở với Chúa để học biết Ngài. Chúng ta cần làm CUỘC HẸN với Đức Chúa Trời mỗi ngày. Không có con đường tắt. Đấng mà chúng ta đang tôn thờ là Đức Chúa Trời của mối liên hệ. Khi chúng ta dành thì giờ cho Đức Chúa Trời và học biết Ngài, chúng ta mới có thể đem ân phúc Chúa đến cho người khác.

2. Cầu nguyện theo cách Chúa đã cầu nguyện

Lu-ca 11:1-4 bày tỏ rằng Chúa Giê-xu là gương mẫu cho các sứ đồ trong sự cầu nguyện. Đời sống cầu nguyện của Chúa là gương mẫu cho chúng ta. Chúng ta hãy học cầu nguyện theo như bài cầu nguyện Chúa dạy:

Lạy Cha chúng con ở trên trời, danh Cha được tôn thánh

Nước Cha được đến, ý Cha được nên, ở đất như ở trời

Xin cho chúng con hôm nay đồ ăn đủ ngày

Xin tha tội cho chúng con, như chúng con cũng tha kẻ phạm tội nghịch cùng chúng con

Xin chớ để chúng con bị cám dỗ, song cứu chúng con khỏi điều ác

Vì nước, quyền, vinh hiển đều thuộc về Cha đời đời vô cùng. Amen.

3. Nhận lãnh sự đầy dẫy tươi mới của Thánh Linh mỗi ngày

Chúng ta là những nhà lãnh đạo dễ bị trở thành khô hạn. Chúng ta cần được làm đầy bởi sự đọc Lời Chúa hằng ngày và bởi sự nhận lãnh liên tục sự đầy dẫy tươi mới của Thánh Linh (Ma-thi-ơ 4:4; Ê-phê-sô 5:18).

4. Kiêng ăn

Nếu chúng ta đang bị KHÔ HẠN thuộc linh thì hãy dành thì giờ để kiêng ăn. Sự kiêng ăn mang tấm lòng chúng ta đến một nơi mà chúng ta có thể nghe tiếng phán của Đức Chúa Trời trong một cách đặc biệt. Ma-thi-ơ 6:16-18 dạy chúng ta về sự kiêng ăn thường xuyên. Chúng ta chú ý điều Chúa nói: “KHI các con kiêng ăn. . .” chứ không dạy: “NẾU các con kiêng ăn. . .” Vì thế, chúng ta nên hoạch định lịch trình kiêng ăn thường xuyên cho chính mình.

II. Chứng Đạo (Đến Với Người Hư Mất)

Mục đích của Đức Chúa Trời cho mỗi con dân Chúa, mỗi nhóm tế bào, mỗi hội thánh tế bào là mang tin mừng cứu rỗi đến cho người hư mất trong danh sách oikos (danh sách truyền giáo). Thánh Kinh cho biết, Chúa Giê-xu đến để huỷ phá công việc của ma quỷ; đồng thời Chúa đến để tìm và cứu kẻ bị hư mất (Lu-ca 19:10).

1. Chúng ta phải tập chú vào người hư mất

Phao-lô nói với Ti-mô-thê “hãy chịu cực khổ làm việc của người giảng Tin lành, mọi phận sự về chức vụ con phải làm cho đầy đủ” (II Ti-mô-thê 4:5). Chúa cũng muốn chúng ta làm giống như vậy. chúng nên chia sẻ CÂU CHUYỆN ĐỜI TÔI và CÂU CHUYỆN CỦA CHÚA trong mỗi cơ hội chúng ta có. Chúng ta hãy nhìn dân chúng qua cái nhìn động lòng thương xót của Christ.

2. Tân tín hữu mang sự sống đến cho các nhóm tế bào

Các hội thánh và các nhóm tế bào sẽ sớm bị lụn tàn nếu không đến với người hư mất. Khi người hư mất tin Chúa thì họ sẽ mang sự sống vào trong các nhóm tế bào và các hội thánh. Chứng đạo trong nhóm tế bào và trong hội thánh, phải được nhìn thấy như là một LỐI SỐNG của chúng ta.

III. Môn Đồ Hoá (Huấn Luyện Tân Tín Hữu)

Mục vụ của nhóm tế bào sẽ trở thành một mục vụ khác của hội thánh nếu chúng ta không hiểu được rằng môn đồ hoá là việc ƯU TIÊN một của hội thánh. Chúa dạy trong Ma-thi-ơ 28:19: “Hãy đi dìu dắt muôn dân thành môn đệ. . .” Mác 3:14 chép: “Ngài bèn lập 12 người, gọi là sứ đồ, để ở cùng Ngài và sai đi giảng đạo”. Chúa Giê-xu chọn 12 người để “ở với Ngài”.

1. Môn đồ là người học trò, người thực tập

Sứ đồ Phao-lô dẫn Ti-mô-thê đi truyền giáo với mình. Ti-mô-thê trở thành một sứ đồ thực tập (Công vụ 16). Sau đó, Ti-mô-thê được sai phái để làm những công việc Phao-lô làm: Ti-mô-thê lấy những lẽ thật đã học được nơi Phao-lô để TRUYỀN LẠI cho những người trung tín khác. Những người trung tín đó lấy những lẽ thật đã học được nơi Ti-mô-thê để TRUYỀN LẠI cho những người trung tín khác nữa (II Ti-mô-thê 2:2). Qua phương cách này, Phao-lô đã đến được 4 thế hệ!

2.Tư vấn là người huấn luyện

Môi-se huấn luyện môn đồ Giô-suê trong 40 năm để tư vấn và chuẩn bị người cho vai trò lãnh đạo. Ê-li trở thành nhà cố vấn của Ê-li-sê. Ngày nay, Đức Chúa Trời đang làm mới lại lẽ thật về môn đồ hoá cho hội thánh Ngài.

3. Học Kinh Thánh có hệ thống

Nếu bạn đang môn đồ hóa những tân tín hữu, thì hãy ngồi xuống với họ và sử dụng chương trình học có hệ thống về những nguyên tắc căn bản của đời sống Cơ Đốc. Đồng thời cũng chia sẻ những KINH NGHIỆM SỐNG của bạn. Bạn có thể dùng tài liệu học Kinh Thánh dễ hiểu và ngắn gọn để hướng dẫn tân tín hữu học Kinh Thánh (tài liệu đã phổ biến trong các Đại hội khu vực).

4. Cấp độ môn đồ hoá

Có ít nhất 4 cấp độ môn đồ hoá:

  • Môn đồ hoá tân tín hữu
  • Môn đồ hoá trong các lãnh vực mục vụ (mục vụ âm nhạc, tư vấn, giúp đỡ, hiếu khách…)
  • Môn đồ hoá thuộc các lãnh vực lãnh đạo (lãnh đạo nhóm tế bào, lãnh đạo theo tinh thần tôi tớ …)
  • Môn đồ hoá thực tiễn (tài chánh, hôn nhân, gia đình, dưỡng linh…)

5. Định ra thời gian để lượng giá

 Chúa Giê-xu dành 3 năm rưỡi với các sứ đồ, rồi để họ ở lại, tin cậy rằng Đức Thánh Linh sẽ tiếp tục hướng dẫn họ.

6. Mọi người đều tham gia

Cơ đốc giáo không phải chỉ ngồi trên băng ghế nhà thờ vào mỗi sáng Chúa Nhật để NHÌN PHÍA SAU LƯNG của người ngồi trước mình. Cơ Đốc giáo là biết Chúa Giê-xu, đến với người hư mất, và môn đồ hóa. Hội thánh truyền thống thường trông giống như một trận bóng đá chỉ với VÀI CẦU THỦ trên sân, còn lại hàng ngàn người làm khán giả. Đức Chúa Trời muốn mọi người vào sân. Ngài muốn mọi người ĐỀU ĐÁ BÓNG.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *