Điều lệ

DỰ THẢO ĐIỀU LỆ

GIÁO HỘI TIN LÀNH GIÁM LÝ LIÊN HIỆP VIỆT NAM

  

CHƯƠNG MỘT

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1 – DANH XƯNG

Danh xưng của Giáo hội là Giáo hội Tin lành Giám lý Liên hiệp Việt Nam.

Điều 2 – GIÁO HIỆU

Giáo hiệu của Giáo hội Tin lành Giám lý Liên hiệp Việt Nam là thập tự giá, ngọn lửa và bản đồ Việt Nam. Thập tự giá tiêu biểu cho sự hy sinh cứu chuộc của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Ngọn lửa tiêu biểu cho Đức Thánh Linh. Bản đồ Việt Nam tiêu biểu cho dân tộc Việt Nam thân yêu.

Giáo hiệu của Giáo hội Tin lành Giám lý Liên hiệp Việt Nam

Điều 3 –  MỤC ĐÍCH

Mục đích của Giáo hội Tin lành Giám lý Liên hiệp Việt Nam là chia sẻ Tin mừng của Đức Chúa Trời và gây dựng niềm tin của tín hữu. Bên cạnh các sinh hoạt tâm linh và đạo đức, Giáo hội Tin lành Giám lý Liên hiệp Việt Nam sẽ hết lòng xây dựng đất nước và phục vụ dân tộc trong mọi lãnh vực, đặc biệt là trong các lãnh vực xã hội, giáo dục, y tế theo lời Chúa dạy.

Điều 4 – TÔN CHỈ

Tôn chỉ của Giáo hội Tin lành Giám lý Liên hiệp Việt Nam là thờ phượng Đức Chúa Trời Ba Ngôi và làm theo những lời dạy trong Thánh kinh hầu đạt các mục đích nêu trên.

Giáo hội Tin lành Giám lý Liên hiệp Việt Nam là một phần tử trong Hội thánh phổ thông của Chúa trên hoàn vũ, gồm nhiều hệ phái Cơ-đốc giáo.  Vì vậy, Giáo hội Tin lành Giám lý Liên hiệp Việt Nam luôn luôn duy trì mối giao hảo tốt đẹp và sự tôn trọng đối với các hệ phái Tin lành và các Giáo hội Cơ-đốc giáo khác.

Giáo hội Tin lành Giám lý Liên hiệp Việt Nam tin rằng Đức Chúa Trời đã dựng nên con người theo hình ảnh Ngài. Vì thế, bất cứ người nào, không phân biệt sắc dân, ngôn ngữ, phái tính, tuổi tác, trình độ học thức, điều kiện kinh tế đều được hoan nghênh đến thờ phượng, gia nhập, và tham dự vào các sinh hoạt của Hội thánh, miễn là thật lòng tin thờ Chúa và tuân giữ Điều lệ nầy.

Giáo hội Tin lành Giám lý Liên hiệp Việt Nam tin rằng mọi quyền hành đều đến từ Đức Chúa Trời, nên tín hữu có bổn phận phải cầu nguyện cho nhà cầm quyền và vâng phục luật pháp, miễn là các luật pháp đó không đi ngược lại lời dạy của Chúa và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng của người dân (Rô-ma 13:1-7). Tín hữu của Giáo hội Tin lành Giám lý Liên hiệp Việt Nam có trách nhiệm dự phần tích cực vào các sinh hoạt của cộng đồng và xã hội để giúp cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; hầu cho mọi người cùng sống trong hoà bình, tự do, ấm no và hạnh phúc. Không một ai được phép đại diện hoặc lấy danh nghĩa Giáo hội Tin lành Giám lý Liên hiệp Việt Nam để hoạt động chính trị.

Điều 5 – ĐƯỜNG HƯỚNG

Đường hướng hoạt động của Giáo hội Tin lành Giám lý Liên hiệp Việt Nam là hướng dẫn tín hữu: Kính Chúa yêu người, yêu đất nước và tuân thủ pháp luật để sống cuộc đời đạo đức phụng sự Thiên Chúa, phục vụ Tổ quốc và Dân tộc.

Điều 6 – NỀN TẢNG TÍN LÝ

Giáo hội Tin lành Giám lý Liên hiệp Việt Nam đặt nền tảng tín lý trên Kinh Thánh Cựu ước và Tân ước, gồm 66 sách.

Giáo hội Tin lành Giám lý Liên hiệp Việt Nam nhìn nhận tầm quan trọng của Truyền thống, Kinh nghiệm và Lý luận trong sự hình thành và giải thích các quan điểm thần học. Thánh Kinh có thẩm quyền tối thượng trong việc xây dựng và giải thích các quan điểm thần học của Giáo hội Tin lành Giám lý Liên hiệp Việt Nam.

 

CHƯƠNG HAI

TỔ CHỨC

Điều 7 – HỆ THỐNG TỔ CHỨC CỦA GIÁO HỘI TIN LÀNH GIÁM LÝ LIÊN HIỆP VIỆT NAM

Hệ thống tổ chức của Giáo hội Tin lành Giám lý Liên hiệp Việt Nam gồm các hội thánh địa phương (cấp cơ sở), Giáo hội toàn quốc (cấp trung ương).

  • Hội thánh địa phương: là tập hợp các tín hữu, những người có cùng niềm tin nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu và thờ phượng Đức Chúa Trời Ba Ngôi, chấp nhận Điều lệ này, tổ chức thành những hội thánh địa phương, còn gọi là điểm nhóm.
  • Giáo hội toàn quốc: Những hội thánh địa phương kết hợp lại thành Giáo hội toàn quốc của Giáo hội Tin lành Giám lý Liên hiệp Việt Nam.

Điều 8 – NGUYÊN TẮC TỔ CHỨC

Giáo hội Tin lành Giám lý Liên hiệp Việt Nam là một tổ chức Giáo hội độc lập với các tổ chức, hệ phái Giám lý trong nước và ngoài nước.

Giáo hội Tin lành Giám lý Liên hiệp Việt Nam được lãnh đạo bởi người Việt Nam, được tổ chức theo thể chế Giám mục, hài hòa với các nguyên tắc dân chủ để mang lại ích lợi cho tín hữu lẫn cộng đồng, và phù hợp với Luật Tôn giáo Tín ngưỡng của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.

Điều 9 – TRỤ SỞ

Trụ sở của Giáo hội Tin lành Giám lý Liên hiệp Việt Nam, đặt tại:

Số 19/8 Đường Dương Bá Cung, Phường An Lạc A, Quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 10CHỦ QUYỀN

Chủ quyền tài sản, động sản hoặc bất động sản của Giáo hội thuộc trung ương hay địa phương đều thuộc về Giáo hội Tin lành Giám lý Liên hiệp Việt Nam. Sự tạo mãi hoặc phát mãi các tài sản nầy được ủy thác cho Hội đồng Quản trị Sản nghiệp Trung ương của Giáo hội quyết định.

 

CHƯƠNG BA

TÍN HỮU

Điều 11 – ĐỊNH NGHĨA

Bất cứ người nào tin nhận Chúa Giê-xu làm Chúa và Đấng Cứu Thế của mình, quyết tâm tôn thờ Ba Ngôi Đức Chúa Trời và gia nhập vào một hội thánh địa phương của Giáo hội và chấp nhận Điều lệ này được gọi là một tín hữu của Giáo hội Tin lành Giám lý Liên hiệp Việt Nam.

Điều 12 – TRẺ THƠ CON TÍN HỮU

Về phương diện tín lý, các trẻ thơ con của tín hữu dù chưa thể tự quyết định niềm tin cho mình, nhưng bởi đức tin của cha mẹ, các em đó được kể là một thành viên của Giáo hội Tin Lành Giám lý Liên hiệp Việt Nam khi cha mẹ bởi đức tin dâng các em hoặc cho các em chịu lễ báp-têm. Trong trường hợp làm báp-têm lúc còn thơ, khi đến khoảng 12 tuổi, các em phải được dạy giáo lý để có Lễ xác nhận niềm tin. Sự cứu rỗi của các em hoàn toàn tùy thuộc vào ân sủng của Đức Chúa Trời.

Điều 13 – THÀNH PHẦN TÍN HỮU

Giáo hội Tin Lành Giám lý Liên hiệp Việt Nam có hai thành phần tín hữu. Tín hữu chính thức là những tín hữu đã chịu lễ báp-têm, gia nhập vào một hội thánh địa phương và nhóm tế bào của hội thánh đó. Tín hữu chưa chính thức là những tín hữu chưa chịu lễ báp-têm. Tuy nhiên, mỗi khi bầu cử chỉ những tín hữu chính thức trên 16 tuổi mới được quyền ứng cứ và bầu cử.

Điều 14 – TÍN HỮU CHUYỂN HỘI

Trong trường hợp có một tín hữu từ một hệ phái Cơ đốc bạn xin gia nhập vào hội thánh địa phương, tín hữu đó phải được quá bán Ban Điều Hành của hội thánh địa phương chấp thuận. Nếu Ban Điều Hành của hội thánh địa phương chưa quyết định chấp nhận thì dù vị tín hữu đó có sinh hoạt bao lâu với hội thánh địa phương đó cũng chỉ kể là một thân hữu cùng đức tin mà thôi.

Tín hữu đã chịu phép báp-têm rồi, Giáo hội Tin Lành Giám lý Liên hiệp Việt Nam không làm báp-têm lại. Giáo hội Tin Lành Giám lý Liên hiệp Việt Nam chấp nhận cả ba hình thức báp-têm: rảy nước, tưới nước, hoặc trầm mình.

Tín hữu của Giáo hội Tin Lành Giám lý Liên hiệp Việt Nam phải có thái độ dứt khoát, bởi một người không thể vừa làm hội viên của Giáo hội Tin Lành Giám lý Liên hiệp Việt Nam, vừa làm hội viên của một hệ phái Tin lành khác.

 

CHƯƠNG BỐN

GIÁO PHẨM

Giáo hội Tin lành Giám lý Liên hiệp Việt Nam công nhận 4 phẩm trật trong Giáo hội là: Truyền đạo, Mục sư nhiệm chức, Mục sư thực thụ và Giám mục

Điều 15 – TRUYỀN ĐẠO

Truyền đạo có thể là nam hay nữ được ơn Chúa kêu gọi, có kiến thức về Lời Chúa và thần học, hoàn thành chương trình huấn luyện cơ bản của Giáo hội, có đời sống tin kính và đạo đức tốt kể từ ngày tin Chúa. Truyền đạo cũng là người có tinh thần học hỏi, khiêm tốn, biết thuận phục người lãnh đạo và cũng có ơn lãnh đạo người khác trong tổ chức của hội thánh.

Công tác chính của truyền đạo là thành lập thêm hội thánh, dạy Kinh thánh cho tín hữu, chia sẻ lời Chúa và thi hành những giáo lễ ở khu vực trách nhiệm và trong thời hạn được quy định.

Điều 16 – MỤC SƯ NHIỆM CHỨC

Mục sư nhiệm chức có thể là nam hay nữ được ơn Chúa kêu gọi, có đức tin vững chắc nơi Cứu Chúa Giê-xu, có lòng kính sợ Đức Chúa Trời, có đạo đức được lời chứng tốt, có kiến thức vững vàng về Lời Chúa và thần học, hoàn thành chương trình cử nhân thần học hoặc chương trình tương đương, có kinh nghiệm và tâm tình hầu việc Chúa và được các con cái Chúa quý mến.

Mục sư nhiệm chức phải là người có tinh thần đồng đội, có tinh thần học hỏi, khiêm tốn, biết thuận phục người lãnh đạo và cũng có ơn lãnh đạo người khác trong tổ chức của hội thánh.

Mục sư nhiệm chức chỉ được phép cử hành thánh lễ (báp-têm và tiệc thánh) và các giáo lễ trong hội thánh địa phương của đương sự.

Điều 17 – MỤC SƯ THỰC THỤ

Mực sư thực thụ là người được ơn Chúa kêu gọi vào chức vụ thánh, không phân biệt nam hay nữ, đã là mục sư nhiệm chức trong Giáo hội ít nhất ba (03) năm, đã học xong chương trình cao học thần học hoặc tương đương, được Giáo hội Tin Lành Giám lý Liên hiệp Việt Nam phong chức, hoặc được một hệ phái bạn phong chức và được Giáo hội Tin Lành Giám lý Liên hiệp Việt Nam công nhận.

Mục sư thực thụ phải là người có đức tin vững chắc nơi Cứu Chúa Giê-xu, có lòng kính sợ Đức Chúa Trời, có căn bản đạo đức, có kiến thức về Lời Chúa và thần học, có kinh nghiệm và tâm tình hầu việc Chúa, được các con cái Chúa quý mến. Mục sư thực thụ phải là người có đời sống đạo đức gương mẫu, khiêm nhu, yêu mến tín đồ, quý trọng bạn đồng lao, hy sinh cho công việc Chúa. Mục sư Thực thụ phải là người có khả năng lãnh đạo, biết vâng phục người lãnh đạo, không ham mê tiền bạc và cũng không ham mê quyền hành. Mục sư thực thụ phải là một người cầu nguyện, người có đời sống kỷ luật, có tinh thần cầu tiến và luôn tìm cách học hỏi để có thể phục vụ Chúa cách hữu hiệu trong mọi hoàn cảnh.

Điều 18 – GIÁM MỤC

Giám mục là một mục sư thực thụ do Đại hội toàn quốc bầu lên. Giám mục phải là một mục sư thực thụ của Giáo hội Tin lành Giám lý Liên hiệp Việt Nam.

Giám mục là người được trao cho nhiệm vụ coi sóc Giáo hội. Giám mục có mọi quyền thông thường, riêng biệt và trực tiếp trong Giáo hội được uỷ thác cho người. Do thánh chức và năng quyền đã lãnh nhận, Giám mục có nhiệm vụ giáo huấn, thánh hóa và cai quản Giáo hội được trao phó cho mình. Trong nhiệm vụ giáo huấn chân lý, người phải tuân theo đúng giáo lý thuần chánh của Giáo hội và Thánh Kinh.

Giám mục là người có giáo quyền để phong chức, bổ nhiệm, thuyên chuyển, khiển trách, ngưng chức và cách chức các truyền đạo, mục sư nhiệm chức, và mục sư thực thụ của Giáo hội thuộc quyền trách nhiệm. Giám mục chỉ phong chức, ngưng chức hoặc cách chức một truyền đạo, mục sư nhiệm chức, hay mục sư thực thụ theo biểu quyết của Đại hội Đoàn Mục sư Truyền đạo của Giáo hội.

Giám mục sẽ hưu trí khi được 75 tuổi. Tuy nhiên, nếu vì lý do sức khỏe, Giám mục có thể về hưu sớm hơn. Giám mục ở trong tình trạng hưu trí có thể được bổ nhiệm vào các cơ quan của Giáo hội nhưng không được bổ nhiệm để quản nhiệm Giáo hội.

Giáo hội có trách nhiệm chu cấp cho Giám mục và người phối ngẫu của Giám mục cho đến khi họ qua đời hoặc người phối ngẫu tái giá, trừ trường hợp bị chế tài.

Trong trường hợp Giám mục qua đời, con cái vị thành niên của Giám mục đó sẽ được Giáo hội tìm cách giúp đỡ cho đến 18 tuổi.

Điều 19 – ĐOÀN MỤC SƯ TRUYỀN ĐẠO CỦA GIÁO HỘI 

Các truyền đạo, mục sư nhiệm chức, mục sư thực thụ của Giáo hội họp thành Đoàn Mục sư Truyền đạo. Đoàn Mục sư Truyền đạo của Giáo hội có quyền bỏ phiếu đề nghị phong chức, ngưng chức hoặc cách chức một thành viên trong Đoàn theo đề nghị của Ban Thẩm vấn và Phong chức.

Khi truyền đạo, mục sư nhiệm chức, mục sư thực thụ về hưu khoảng 65 đến 75 tuổi, Giáo hội có trách nhiệm chu cấp cho họ và người phối ngẫu của họ cho đến khi họ qua đời, hoặc khi người phối ngẫu tái giá, trừ trường hợp khi đoàn viên đó bị chế tài. Vì lý do sức khỏe, truyền đạo, mục sư nhiệm chức, hay mục sư thực thụ có thể xin về hưu sớm hơn.

Trong trường hợp truyền đạo, mục sư nhiệm chức, hay mục sư thực thụ qua đời, con cái vị thành niên của vị đó sẽ được Giáo hội tìm cách giúp đỡ cho đến 18 tuổi.

 

CHƯƠNG NĂM

HỘI THÁNH ĐỊA PHƯƠNG

Tín hữu trong cùng khu vực địa lý tập hợp lại thành lập hội thánh địa phương với mục đích gây dựng niềm tin qua sự cầu nguyện, học Kinh thánh, thờ phượng Đức Chúa Trời, chăm sóc nhau và thực hiện những sinh hoạt tôn giáo.

Điều 20 – PHÂN HẠNG HỘI THÁNH ĐỊA PHƯƠNG

Hội thánh địa phương có hai hạng: Hội thánh tự lập và Hội thánh chưa tự lập. Quyền công nhận hội thánh địa phương thuộc Giáo hội Tin lành Giám lý Liên hiệp Việt Nam, do Hội đồng Điều hành Giáo hội quyết định.

  • Hội thánh tự lập:
    • Có từ 25 tín hữu trở lên,
    • Có Ban Điều hành hội thánh địa phương,
    • Đủ khả năng tự chủ về tài chính: Cung lương cho quản nhiệm; Dâng hiến 1/10 cho Giáo hội và chủ động về ngân sách cho các mục vụ của hội thánh.
  • Hội thánh chưa tự lập: là hội thánh chưa đủ khả năng tự chủ về tài chính.

Điều 21 – NHIỆM VỤ CỦA HỘI THÁNH ĐỊA PHƯƠNG

Hội thánh địa phương có sứ mạng rao giảng Tin lành của Chúa Cứu Thế Giê-xu, sống đạo theo Lời Kinh thánh dạy; tuân thủ Điều lệ, Giáo luật của Giáo hội, biểu quyết của Hội đồng Điều hành và pháp luật Việt Nam.

Gây dựng ngân quỹ cho hoạt động của hội thánh mình và dâng hiến 1/10 tài chính vào ngân quỹ của Giáo phận/Giáo hội.

Điều 22  – QUYỀN HẠN CỦA HỘI THÁNH ĐỊA PHƯƠNG

Hội thánh tự lập:

Hội thánh thực hiện công việc dưới sự lãnh đạo của quản nhiệm, Ban Điều hành hội thánh và Giáo hội; được chủ động về tài chính trong việc hỗ trợ lương cho quản nhiệm, phát triển cơ sở vật chất của hội thánh và giúp đỡ cộng đồng; được quyền góp ý về việc bổ nhiệm quản nhiệm. Giáo hội sẽ sắp xếp và bảo đảm là hội thánh luôn có quản nhiệm do Giám mục bổ nhiệm.

Hội Thánh chưa tự lập:

Hội thánh thực hiện công việc dưới sự lãnh đạo của quản nhiệm hoặc kiêm nhiệm, Ban Điều hành hội thánh và Giáo hội.

Hội thánh chưa tự lập nhận sự phân công, bổ nhiệm quản nhiệm hoặc kiêm nhiệm do Giáo hội quyết định và Giám mục bổ nhiệm.

Điều 23 – BAN ĐIỀU HÀNH HỘI THÁNH ĐỊA PHƯƠNG

Mỗi hội thánh địa phương sẽ được hướng dẫn bởi Ban Điều hành (Hội đồng Hành chánh) của hội thánh. Ban nầy gồm Quản nhiệm hội thánh địa phương do Giám mục bổ nhiệm, một thư ký, một thủ quỹ và nhiều ủy viên đại diện cho tín hữu trong hội thánh, để phối hợp điều hành các sinh hoạt mục vụ và quản lý tài sản chung trong toàn hội thánh. Quản nhiệm hội thánh là trưởng Ban (chủ tịch Hội đồng Hành chánh).

Điều 24 – NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA BAN ĐIỀU HÀNH HỘI THÁNH ĐỊA PHƯƠNG

  1. Quản nhiệm Hội Thánh Địa Phương:

Hội thánh sẽ được quản nhiệm bởi một truyền đạo, hoặc một mục sư nhiệm chức, hoặc một mục sư thực thụ. Tùy nhu cầu và khả năng mà một hội thánh địa phương có thể có một mục sư quản nhiệm chính, một hoặc nhiều mục sư phụ tá.

Quản nhiệm hội thánh địa phương có trách nhiệm rao giảng Lời Chúa nương trên lời dạy của Kinh Thánh, cử hành các Thánh lễ và Giáo lễ, huấn luyện nhân sự lãnh đạo (Ban Điều hành hội thánh), triệu tập và chủ tọa các cuộc họp của hội thánh địa phương; ký tên trong các văn bản của hội thánh và đại diện cho hội thánh địa phương trước các tổ chức chính quyền tại địa phương.

Nhiệm kỳ Quản nhiệm hội thánh địa phương là một (01) năm. Hằng năm, Quản nhiệm hội thánh địa phương sẽ được Giám mục tái bổ nhiệm hoặc bổ nhiệm mới qua sự giới thiệu của Hội Đồng Điều hành Giáo hội và góp ý của hội thánh địa phương (hội thánh tự lập), nhằm giúp cho mục vụ quản nhiệm hội thánh được thích hợp và hiệu quả nhất.

  1. Thư ký: chịu trách nhiệm về lưu trữ hồ sơ tín hữu; cập nhật các số liệu; ghi biên bản các cuộc họp hội thánh. Nhiệm kỳ của thư ký là một (01) năm và có thể được tái ứng cử nhiều nhiệm kỳ.
  2. Th qu: chịu trách nhiệm về các khoản thu-chi ngân quỹ của hội thánh; lập ngân sách cho các mục vụ; lập phiếu, ghi phiếu chính xác, quản lý chứng từ thu chi. Nhiệm kỳ của thủ quỹ là một (01) năm và có thể được tái ứng cử nhiều nhiệm kỳ.
  3. Các y viên: được hội thánh địa phương lựa chọn để phù hợp với kế hoạch mục vụ và đường hướng phát triển hội thánh. Thông thường một hội thánh địa phương cần có các ủy viên cơ bản: Ủy viên truyền giáo, Ủy viên linh vụ, Ủy viên xã hội, Ủy viên Thanh Thiếu nhi, Ủy viên Cơ đốc giáo dục. Nhiệm kỳ của các ủy viên là một (01) năm và có thể được tái ứng cử nhiều nhiệm kỳ.

 

CHƯƠNG SÁU

GIÁO HỘI TOÀN QUỐC

Điều 25 – CÁC ĐẠI HỘI ĐỒNG

  • Đại hội Toàn Quốc: Họp bốn (04) năm một lần.
  • Hội đồng Bồi linh của Giáo hội: Họp mỗi năm một (01) lần do Ban Lãnh đạo Giáo hội triệu tập để bồi dưỡng linh vụ.
  • Hội đồng bất thường: được tổ chức khi có việc cần thiết.

Điều 26 – ĐẠI HỘI TOÀN QUỐC

  1. Đại Biu Của Đại Hội Toàn Quốc

Những người sau đây sẽ là đại biểu chính thức của Đại hội Toàn quốc:

  • Tất cả các Giám mục ngoại trừ những vị đang bị chế tài.
  • Tất cả các truyền đạo, mục sư nhiệm chức và mục sư thực thụ trong Đoàn Mục sư Truyền đạo của Giáo hội bất kể đương nhiệm hay không, ngoại trừ những vị đang bị chế tài.
  • Ít nhất là một đại biểu tín hữu cho mỗi hội thánh địa phương. Những đại biểu nầy sẽ do mỗi chi hội chọn lựa trong kỳ Hội đồng thường niên của hội thánh. Những hội thánh địa phương đông hơn 100 tín hữu có thể cử thêm một đại biểu cho mỗi 100 tín hữu.
  1. Nhiệm Vụ Của Đại Hội Toàn Quốc
  • Hoạch định đường lối phát triển Giáo hội và ban hành những quyết nghị cần thiết.
  • Xem xét các báo cáo và giải quyết những vấn đề của Giáo hội.
  • Bầu cử Giám mục Hội trưởng. Giám mục sẽ bổ nhiệm Ban Lãnh đạo và Hội đồng điều hành Giáo hội.
  1. Quyền Hạn Của Đại Hội Toàn Quốc

Đại hội Toàn quốc là cơ quan cao nhất của Giáo hội Tin lành Giám lý Liên hiệp Việt Nam có quyền quyết định mọi việc liên quan đến Giáo hội Tin lành Giám lý Liên hiệp Việt Nam gồm tín lý, tổ chức và mọi việc khác, kể cả việc tu chính Bản Điều lệ nầy, ngoại trừ phần nền tảng tín lý của Giáo hội như đã ấn định trong Chương một, Điều 6 của Bản Điều lệ nầy.

Điều 27 – LÃNH ĐẠO, CÁC BAN NGÀNH CHÍNH YẾU CỦA GIÁO HỘI TOÀN QUỐC

 Giáo hội Tin lành Giám lý Liên hiệp Việt Nam lãnh đạo bởi một Hội trưởng là Giám mục, Ban Lãnh đạo và Hội đồng Điều hành. Nhiệm kỳ của Ban Lãnh đạo và Hội đồng Điều hành là bốn (04) năm và không quá hai (02) nhiệm kỳ.

Ngoài ra còn có các Ban ngành chính yếu của Giáo hội: Hội đồng Quản trị Sản nghiệp Trung ương, Ban Thẩm vấn và Phong chức, Ban Tài Chính, Ban Giáo dục Cơ đốc. Tùy theo như cầu cụ thể, Giáo hội sẽ thành lập các Cơ quan và Ban ngành khác để triển khai và thực hiện các công việc Giáo hội đề ra.

Điều 28 –  GIÁM MỤC HỘI TRƯỞNG   

Giám mục hội trưởng là Giám mục quản nhiệm Giáo hội, được Đại hội toàn quốc bầu lên.

Một Giám mục hội trưởng được quyền quản nhiệm Giáo hội nhiều nhiệm kỳ, mỗi nhiệm kỳ bốn (04) năm. Khi không còn được tín nhiệm để quản nhiệm Giáo hội, nếu vị Giám mục chưa tới tuổi hưu (75 tuổi), có thể được bổ nhiệm đến phục vụ trong cơ quan của Giáo hội.

Điều 29 –  BAN LÃNH ĐẠO

Ban Lãnh đạo Giáo hội gồm có: Giám mục Hội trưởng, Tổng đại diện Giám mục, và các đại diện Giám mục. Các thành viên còn lại Ban Lãnh đạo phải là mục sư thực thụ do Giám mục Hội trưởng bổ nhiệm.

Nhiệm kỳ của Ban Lãnh đạo Giáo hội là bốn (4) năm và không quá 2 (hai) nhiệm kỳ.

Điều 30 –  NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA BAN LÃNH ĐẠO

  1. Giám mc Hội trưởng

Giám mục hội trưởng Lãnh đạo và điều hành chung công việc Giáo hội; đại diện cho Giáo Hội trước chính quyền và các Giáo Hội bạn; triệu tập và chủ tọa các Đại hội đồng, các cuộc họp của Ban Lãnh đạo Giáo hội, Hội đồng điều hành Giáo hội. Giám mục hội trưởng đương nhiên là chủ tọa của các phiên họp của Giáo hội.

  1. Tổng Ðại diện Giám mục

Là phụ tá Giám mục Hội trưởng, giúp Giám mục Hội trưởng trong các vấn đề điều hành và tổ chức Giáo hội; thay thế điều hành khi Giám mục Hội trưởng đi vắng hoặc uỷ quyền; có quyền thực hiện tất cả công việc hành chính và có quyền hành pháp trong toàn Giáo hội.

  1. Ðại diện Giám mục

Là phụ tá Giám mục Hội trưởng, được Giám mục Hội trưởng bổ nhiệm để giúp điều hành mục vụ hay thực hiện những công tác được chỉ định, trong một hoặc những khu vực cụ thể.

Điều 31  –  HỘI ĐỒNG ĐIỀU HÀNH

Hội đồng điều hành Giáo hội bao gồm:

  • Ban Lãnh đạo Giáo hội,
  • Những Mục sư thực thụ, hoặc mục sư nhiệm chức được Giám mục Hội trưởng bổ nhiệm đại diện các khu vực, tỉnh, Thành phố nơi có các hội thánh địa phương của Giáo hội Tin Lành Giám lý Liên hiệp Việt Nam hiện diện,
  • Các Ủy viên chuyên trách được Giám mục Hội trưởng bổ nhiệm.

Nhiệm kỳ của Hội đồng điều hành là bốn (04) năm và không quá hai (02) nhiệm kỳ.

Điều 32 –  NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA HỘI ĐỒNG ĐIỀU HÀNH

  • Hội đồng điều hành Giáo hội đề ra các mục tiêu chiến lược, chính sách phát triển Giáo hội và tổ chức thực hiện.
  • Hướng dẫn các hội thánh thực hiện các nghị quyết của Hội đồng toàn quốc.
  • Phối trí, giám sát và giúp đỡ mục vụ cho các quản nhiệm hội thánh tại các địa phương, tạo mối dây hiệp thông, thăm viếng, động viên, tổ chức các kỳ tĩnh tâm, trao đổi, chia sẻ, trợ giúp công việc mục vụ, nâng đỡ các mục sư trong khu vực gặp khó khăn…
  • Giới thiệu cho Ban Thẩm vấn và Phong chức các ứng viên vào các phẩm trật.
  • Hàng năm đề nghị tái bổ nhiệm, bổ nhiệm, luân chuyển, thôi chức quản nhiệm hội thánh địa phương.
  • Đánh giá phân hạng hội thánh địa phương, giúp đỡ các hội thánh địa phương phát triển trở thành hội thánh tự lập.
  • Họp định kỳ với Ban Lãnh đạo Giáo hội mỗi hai (02) tháng một (01) lần và các cuộc họp bất thường khác (nếu có).
  • Báo cáo mục vụ cho Giáo hội theo định kỳ kịp thời và đầy đủ.

Điều 33  –  HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ SẢN NGHIỆP TRUNG ƯƠNG

Hội đồng Quản trị Sản nghiệp Trung ương do Đại Hội Toàn Quốc bầu chọn, số lượng thành viên tối thiểu năm (05) người, tối đa chín (09) người, và phải luôn luôn số lẻ. Hội đồng Quản trị sản nghiệp Trung ương gồm năm mươi phần trăm (50%) cộng một (01) thuộc thành phần truyền đạo, mục sư nhiệm chức, và mục sư thực thụ; dưới năm mươi phần trăm (50 %) còn lại là những tín hữu đã được báp-têm trên 25 tuổi.

Sau khi đắc cử, các thành viên của Hội đồng Quản trị Sản nghiệp Trung ương sẽ bầu cử những chức vụ chủ tịch, phó chủ tịch, thư ký, thủ quỹ của Hội đồng Quản trị Sản nghiệp Trung ương.

Hội đồng Quản trị Sản nghiệp Trung ương có nhiệm kỳ bốn (04) năm. Hội đồng luôn luôn có hai lớp. Lần chọn lựa đầu tiên, lớp thứ nhất gồm 50% cộng một (01) có nhiệm kỳ bốn (04) năm, lớp thứ nhì gồm thành phần còn lại có nhiệm kỳ hai (02) năm. Sau đó mỗi lần bầu cử chỉ cần bầu một lớp với nhiệm kỳ bốn (04) năm.

Điều 34  –  NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ SẢN NGHIỆP TRUNG ƯƠNG

Hội đồng Quản trị Sản nghiệp Trung ương có nhiệm vụ quyết định về việc tạo mãi hoặc phát mãi những tài sản, động sản, bất động sản của Giáo hội Tin lành Giám lý Liên hiệp Việt Nam. Trên phương diện pháp lý Hội đồng Quản trị Sản nghiệp Trung ương là sở hữu chủ các tài sản của Giáo hội Tin lành Giám lý Liên hiệp Việt Nam.

Hội đồng Quản trị Sản nghiệp Trung ương không được phép dâng hiến tài sản của Giáo hội cho bất cứ một ai hoặc một tổ chức nào, nếu không được Đại hội Toàn quốc cho phép.

Điều 35  –  BAN THẨM VẤN VÀ PHONG CHỨC 

Ban Thẩm vấn và Phong chức gồm các mục sư thực thụ do Giám mục hội trưởng bổ nhiệm. Số lượng thành viên Ban thẩm vấn và phong chức gồm bảy (07) người, có nhiệm kỳ bốn (04) năm, lần bổ nhiệm đầu tiên, phân nửa số thành viên sẽ có nhiệm kỳ bốn (04) năm, số còn lại sẽ có nhiệm kỳ hai (02) năm.

Điều 36 – NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA BAN THẨM VẤN VÀ PHONG CHỨC 

Ban Thẩm vấn và Phong chức có nhiệm vụ thẩm vấn và đề nghị tấn phong, ngưng chức hoặc cách chức các truyền đạo, mục sư nhiệm chức, mục sư thực thụ của Giáo hội.

Giáo hội Tin lành Giám lý Liên hiệp Việt Nam tin rằng nếp sống tình dục đồng tính (practicing homosexual) là phản tự nhiên và không phù hiệp với sự dạy dỗ của Kinh thánh. Vì thế, Giáo hội Tin Lành Giám lý Liên hiệp Việt Nam không cho phép những người có nếp sống tình dục đồng tính làm truyền đạo, mục sư nhiệm chức, hay mục sư thực thụ của Giáo hội. Giáo hội Tin Lành Giám lý Liên hiệp Việt Nam không cho phép sử dụng tiền bạc của Giáo hội để cổ xúy cho các chương trình tình dục đồng tính. Giáo hội không cho phép sử dụng cơ sở của hội thánh để làm hôn lễ hoặc tổ chức những cuộc hội họp riêng cho những người có nếp sống tình dục đồng tính.

Điều 37  – BAN TÀI CHÁNH 

Ban tài chánh có trách nhiệm hoạch định ngân sách hằng năm cho Giáo hội, cổ động sự dâng hiến, thu chi tài chánh, quản lý sổ sách, chứng từ thu chi minh bạch, chính xác, hợp với các nguyên tắc kế toán và hợp pháp.

Nhân viên Ban Tài chánh phải có nghiệp vụ kế toán và có tính trung trực, ngay thẳng, được Hội Đồng Điều Hành xét chọn và Giám mục Hội trưởng bổ nhiệm.

Điều 38  – BAN CƠ ĐỐC GIÁO DỤC 

Ban Giáo dục Cơ đốc chịu trách nhiệm tổ chức và điều hành các khóa đào tạo Giáo viên hướng dẫn Trường Chúa nhật, Thánh kinh mùa hè, Thánh kinh mùa đông, các chương trình học Kinh thánh cho các Ban Ngành, các khóa thần học mở rộng (Theological Education by Extension); biên soạn tài liệu Tĩnh nguyện hằng ngày, tài liệu Trường Chúa nhật.

Thành viên Ban Giáo dục Cơ đốc là những Mục sư, Mục sư nhiệm chức, Truyền đạo đang tại chức hoặc nghỉ hưu, các cộng tác viên từ các hội thánh địa phương.

Thành viên Hội đồng Điều hành Giáo hội giữ vai trò cố vấn cho Ban Giáo dục Cơ đốc.

 

CHƯƠNG BẢY

TƯ PHÁP CỦA GIÁO HỘI

Điều 39HỘI ĐỒNG TƯ PHÁP

  1. Bầu Cử Và Thành Phần 

Hội đồng Tư pháp sẽ do Đại hội toàn quốc bầu chọn bằng phiếu kín. Hội đồng nầy sẽ có bảy (07) người, gồm ba (03) tín hữu và bốn (04) người thuộc thành phần mục sư thực thụ, mục sư nhiệm chức hoặc truyền đạo.

  1. Nhiệm Kỳ

Tất cả các thành viên trong Hội đồng Tư pháp đều có nhiệm kỳ bốn (04) năm. Lần bầu cử đầu tiên, phân nửa số thành viên sẽ có nhiệm kỳ bốn (04) năm, số còn lại sẽ có nhiệm kỳ hai (02) năm.

  1. Nhiệm Vụ 

Hội đồng Tư pháp có nhiệm vụ xét xử và giải quyết mọi sự tranh tụng của Hội thánh liên quan đến sự vi phạm Bản Điều lệ nầy và những sự tranh tụng trong Giáo hội.

  1. Trường Hợp Đặc Biệt

Trong trường hợp người bị tố cáo là một thành viên trong Hội đồng Tư pháp, tình trạng nầy sẽ được giải quyết như sau:

Thứ nhất, thành viên đó không được quyền tham dự mọi giờ nghị luận để xét xử về việc tố cáo liên hệ đến đương sự, ngoại trừ khi được yêu cầu đến giải thích.

Thứ nhì, khi thấy cần thiết, Ban Lãnh đạo Giáo hội cử một người khác, có cùng phẩm trật, thế vào chỗ vị ấy để giải quyết vấn đề bị tố cáo đó mà thôi. Người bị tố cáo đó vẫn có quyền thi hành nhiệm vụ trong Hội đồng Tư pháp đối với những vấn đề khác.

Điều 40ĐIỀU TRA, XÉT XỬ, VÀ KHÁNG CÁO

Tất cả mọi sự tố tụng trong Giáo hội phải được thi hành trong sự kính sợ Chúa, công bằng và yêu thương. Hội đồng Tư pháp phải nhờ ơn Chúa điều tra tường tận và xét xử công minh mọi sự tố tụng trong Giáo hội. Hội đồng Tư pháp phải bảo vệ sự tín cẩn để danh Chúa không bị thương tổn.

Khi một chức viên hay một đoàn thể của Giáo hội bị tố cáo vi phạm những điều khoản trong bản điều lệ nầy hoặc vi phạm trầm trọng sự dạy dỗ của lời Chúa trong Kinh thánh, bên bị cáo sẽ cứ được xem là vô tội cho đến khi có phán quyết của Hội đồng Tư pháp.

Khi bị buộc tội, bị cáo có thể kháng cáo lên Ban Lãnh đạo Giáo hội. Sau khi cứu xét, Ban Lãnh đạo Giáo hội có thể bác bỏ lời yêu cầu xin kháng cáo hoặc yêu cầu Hội đồng Tư pháp tái cứu xét nội vụ. Hội đồng Tư pháp có quyền tái xét nội vụ hoặc bác bỏ thỉnh nguyện xin tái xét.

 

CHƯƠNG TÁM

TU CHÍNH ĐIỀU LỆ

Điều 41QUYỀN TU CHÍNH ĐIỀU LỆ

Chỉ có Đại hội Toàn quốc mới có quyền tu chính Điều lệ này.

Điều lệ của Giáo hội Tin lành Giám lý Liên hiệp Việt Nam có thể được tu chính bởi hai phần ba (2/3) tổng số đại biểu chính thức hiện diện tại Đại hội Toàn quốc bằng phiếu kín.

Ban tu chính sẽ do Đại hội Toàn quốc quyết định.

Điều 42TỔNG SỐ CHƯƠNG, ĐIỀU CỦA ĐIỀU LỆ

Điều lệ của Giáo hội Tin lành Giám lý Liên hiệp Việt Nam có tám (08) chương, bốn mươi hai (42) điều và được thông qua Đại hội toàn quốc ngày 20 tháng 09 năm 2018 và có hiệu lực thi hành ngay sau Đại hội.

Tất cả các văn kiện đã ban hành trước trái với điều lệ nầy đều không còn hiệu lực.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *