PHƯƠNG THỨC XÂY DỰNG MỐI QUAN HỆ MẬT THIẾT VỚI CHÚA

PHƯƠNG THỨC XÂY DỰNG

MỐI QUAN HỆ MẬT THIẾT VỚI CHÚA

Giám mục Tô Văn Út

Tôi cảm tạ Chúa đã cứu tôi và kêu gọi tôi hầu việc Chúa trọn thời gian, gần 50 năm qua. Tôi giờ đã hơn 65 tuổi, tức là đã LÊN LÃO hơn 5 năm rồi. Tôi đã từng trải qua nhiều điều mà người hầu việc Chúa trẻ tuổi đang trải qua và biết những mục sư truyền đạo trẻ tuổi sẽ đi đến nơi nào. Nhưng các người hầu việc Chúa trẻ tuổi chưa đến nơi tôi đang trải qua đâu, như bài thơ cổ điển dưới đây bày tỏ:

Con quạ già đang trở nên chậm chạp.

Con quạ trẻ thì không như vậy.

Điều con quạ trẻ không biết

Thì con quạ già biết rất nhiều.

Vì biết nhiều, nên con quạ già

Vẫn là thầy của con quạ trẻ.

Có điều gì con quạ già chậm chạp không biết?

—KHÔNG BIẾT CÁCH ĐI NHANH HƠN.

Con quạ trẻ bay cao, bay thấp,

Và bay lòng vòng, quanh con quạ già chậm chạp.

Có điều gì con quạ trẻ nhanh nhẹn không biết?

— KHÔNG BIẾT ĐI NƠI NÀO.

Tôi nhiều lần tự hỏi chức vụ lão làng của tôi thì có thể giúp gì được cho chức vụ trẻ trung của những người hầu việc Chúa trẻ tuổi? Sau gần 50 hầu việc Chúa, tôi kinh nghiệm một vài điều có thể kể là phước lớn trong chức vụ. Tôi biết có nhiều điều tôi có thể chia sẻ lại cho những người hầu việc Chúa trẻ tuổi. Một trong những điều đó là CỐ GẮNG KỶ LUẬT HƠN TRONG VIỆC RÈN LUYỆN ĐỜI SỐNG TÂM LINH CỦA MÌNH qua việc phát triển và duy trì mối quan hệ mật thiết với Chúa.

I. Phát Triển Và Duy Trì Mối Quan Hệ Mật Thiết Với Đức Chúa Trời

Tôi nhớ một tôi tớ Chúa đã nói: Mặc dù Đức Chúa Trời là người vô hình đối với chúng ta, nhưng Ngài có thể trở thành hiện thực đáng tin cậy và yêu thương nhất trong cuộc đời chúng ta!

Vua Đa-vít đã mô tả về sự vĩ đại và sự gần gũi của Đức Chúa Trời đối với chúng ta: “Lạy Đức Giê-hô-va, Ngài đã dò xét con và biết rõ con. Chúa biết khi con ngồi, lúc con đứng dậy; từ xa Chúa biết rõ tư tưởng con. Chúa xem xét lối con đi và chỗ con nằm nghỉ, quen biết các đường lối con. Khi lời chưa ở trên lưỡi con, lạy Đức Giê-hô-va, Ngài đã biết hết rồi…Con sẽ đi đâu xa Thần Chúa? Con sẽ trốn đâu khỏi sự hiện diện của Ngài? Nếu con lên trời, Chúa ở tại đó, nếu con nằm dưới âm phủ, kìa Chúa cũng có ở đó. Nếu con chắp cánh hừng đông bay qua tận cùng biển cả, tại đó tay Chúa cũng sẽ dẫn dắt con, tay phải Chúa sẽ nắm giữ con. Nếu con nói: “Bóng tối chắc sẽ che khuất con, và ánh sáng chung quanh con trở nên đêm tối,” thì bóng tối ấy cũng không thể che nổi Chúa, ban đêm sẽ sáng như ban ngày, và bóng tối cũng thành ánh sáng đối với Chúa. Vì chính Chúa nắn nên tâm can con, dệt thành con trong lòng mẹ con. Con cảm tạ Chúa vì con được dựng nên một cách đáng sợ và lạ lùng. Công việc Chúa thật quá diệu kỳ, lòng con biết rõ lắm” (Thi-thiên 139:1-4, 7-14).

Đa-vít được truyền cảm hứng bởi sự hiện diện ở khắp mọi nơi của Đức Chúa và sự biết hết mọi sự mọi việc của Ngài. Khi con người không ở gần Đức Chúa Trời, họ thích nghĩ những điều không đúng về Đức Chúa Trời. Con người quên Chúa, nhưng Chúa không bao giờ quên chúng ta. Ngài yêu chúng ta và chờ đợi lắng nghe chúng ta nếu chúng ta hết lòng tìm kiếm Chúa.

Hằng ngày, những người gần gũi nhất của chúng ta là cha, mẹ, con cháu, người phối ngẫu hay người bạn thân thiết. Những người rất gần gũi chúng ta đó, nhưng chúng ta có thực sự biết mọi thứ về họ không. Khi chúng ta không ở với họ, chúng ta có thể biết họ đang ngồi hay đang đứng? Chúng ta có thể nhận ra ý tưởng của họ từ xa? Hay chúng ta có thể biết trước những gì họ nói, mặc dù họ chưa nói ra? Chúng ta không thể biết được. Tuy nhiên Đức Chúa Trời biết hết mọi điều thuộc về chúng ta. Ngài theo dõi từng chi tiết trong cuộc sống chúng ta ngày qua ngày- không ngừng nghỉ. Ngài biết lúc nào chúng ta ngồi, lúc nào chúng ta đứng lên và di chuyển. Ngài biết hết mọi ý tưởng thầm kín cho dù chúng ta không nói ra.

Hiện giờ có điều gì trong lòng mà chúng ta muốn nói với Chúa? Ngài biết trước các ý tưởng của chúng ta, nhưng dù sao chúng ta cũng phải nói chuyện, tương giao với Ngài. Đức Chúa Trời biết và quan tâm đến mọi chi tiết trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Ngài yêu chúng ta và chờ đợi lắng nghe chúng ta.

Hãy đến gần Chúa, và Ngài sẽ đến gần chúng ta. Tác giả Thi thiên đã viết, “Thật phước hạnh cho con được đến gần Đức Chúa Trời” (Thi thiên 73:28), và hy vọng chúng ta học được điều đó, thì tốt cho mình biết bao. Mối quan hệ với Chúa bắt đầu khi Ngài gọi chúng ta hoặc kéo chúng ta đến với Ngài. Chúa Giê-xu phán: ” Nếu Cha, là Đấng đã sai Ta, không kéo đến thì không ai có thể đến với Ta và Ta sẽ làm cho người ấy sống lại trong ngày cuối cùng” (Giăng 6:44). Sau khi Đức Chúa Trời gọi chúng ta, Ngài mong đợi chúng ta từ đó hãy chủ động tìm cách đến gần Ngài. Nếu làm vậy, chúng ta có lời hứa rất khích lệ này: “Hãy đến gần Đức Chúa Trời thì Ngài sẽ đến gần anh em” (Gia-cơ 4: 8).

  1. Đọc và suy ngẫm Kinh Thánh

Sứ đồ Phao-lô đã nhắc nhở Ti-mô-thê: “Về phần con, hãy giữ vững những gì con đã học và tin quyết, vì con biết mình đã học những điều đó với ai, và từ thuở ấu thơ con đã biết Kinh Thánh vốn có thể khiến con khôn ngoan để được cứu bởi đức tin trong Đấng Christ Giê-xu. Cả Kinh Thánh đều được Đức Chúa Trời cảm thúc, có ích cho sự dạy dỗ, khiển trách, sửa trị và huấn luyện trong sự công chính, để người của Đức Chúa Trời được toàn vẹn và sẵn sàng cho mọi việc lành” (II Ti-mô-thê 3: 14-17). Châm ngôn 3: 13-15 chép: “Phước cho người nào tìm được sự khôn ngoan và nhận được sự thông sáng! Vì thà được khôn ngoan hơn là được tiền bạc, hoa lợi nó sinh ra tốt hơn vàng ròng. Sự khôn ngoan quý báu hơn châu ngọc, chẳng một báu vật nào con ưa thích sánh kịp nó được”.

Kinh thánh có giá trị hơn tất cả các sách trên thế giới cộng lại. Kinh Thánh là vô giá! Đó là sự mặc khải của Đấng Tạo Hóa đối với sự sáng tạo của Ngài liên quan đến kế hoạch của Ngài và cách chúng ta nên sống cuộc sống của mình để hoàn thành mục đích Chúa dành cho mình. Ngay cả các vị vua cũng được lệnh đọc Kinh thánh hàng ngày (Phục truyền luật lệ ký 17: 18-20). Kinh thánh là Lời của Đức Chúa Trời. Ngài đang nói với mỗi chúng ta qua Kinh Thánh. Chúng ta phải lắng nghe, và lắng nghe cẩn thận!

Để việc học Kinh Thánh của chúng ta trở nên “có ích”, điều chúng ta cần làm là: “Đừng xao lãng việc đọc sách luật này, nhưng phải ngày đêm suy niệm và thận trọng tuân hành; như vậy con mới thành công và được hạnh phúc” (Giô-suê 1: 8 BDY). Sứ đồ Phao-lô nói với mục sư Ti-mô-thê: “Con hãy chú trọng đến việc đọc Kinh Thánh trong các buổi nhóm, việc khuyên bảo và dạy dỗ cho đến khi ta đến… Hãy thực hành và chú tâm vào những việc nầy, để mọi người thấy sự tiến bộ của con” (I Ti-mô-thê 4:13, 15).

Điều quan trọng là đừng đọc Kinh thánh một cách vội vàng. Hãy dành thời gian để thực sự suy nghĩ về những gì chúng ta đang đọc và chúng ta sẽ nhận được nhiều hơn từ Kinh Thánh. Hãy suy ngẫm về ý nghĩa sâu sắc của Thánh Kinh và ứng dụng chúng vào cuộc sống của mình. Khi chúng ta suy ngẫm về luật pháp của Đức Chúa Trời, thì Ngài sẽ đặt luật pháp Ngài trong trí chúng ta, và ghi tạc (Kinh Thánh) vào lòng chúng ta (Hê-bơ-rơ 8:10).

  1. Cầu nguyện với Chúa bất cứ lúc nào và biết rằng Ngài nghe chúng ta

Sứ đồ Giăng đã công bố: “Đây là sự vững tâm mà chúng ta có được trước mặt Ngài: Ấy là nếu chúng ta cầu xin điều gì theo ý muốn Ngài thì Ngài nghe chúng ta. Và nếu chúng ta biết Ngài nghe bất cứ điều gì chúng ta cầu xin thì chúng ta biết là mình đã nhận được điều cầu xin rồi (Giăng 5: 14-15). Trong Giăng 16:23, Chúa Giê-xu xác nhận: “Trong ngày đó, các con sẽ không hỏi Ta điều gì nữa. Thật, Ta bảo thật các con, bất cứ điều gì các con cầu xin Cha thì Ngài sẽ nhân danh Ta ban cho các con.” Lời cầu nguyện chân thành có sức mạnh bởi vì Đấng Tạo Hóa của cả vũ trụ thích nghe những lời cầu nguyện của chúng ta và rất thích đáp lại chúng. Kinh Thánh nhiều lần khuyên chúng ta cầu nguyện và chỉ dẫn chúng ta cách cầu nguyện. Đức Chúa Trời mong đợi chúng ta duy trì mối giao tiếp hai chiều hàng ngày với Ngài: Đọc các thông điệp của Ngài trong Kinh Thánh và nói chuyện với Ngài bằng lời cầu nguyện. Chúng ta càng cầu nguyện nhiều, thì càng nhận được nhiều. Kinh Thánh so sánh “lời cầu nguyện của các thánh đồ” với hương thơm ngào ngạt, vì chúng làm đẹp lòng Đức Chúa Trời (Khải Huyền 5: 8).

  1. Kiêng Ăn

Một trong những kỷ luật thuộc linh cần thiết cho sự thánh hóa là sự kiêng ăn, tiết chế trong việc dùng thực phẩm. John Wesley đề cập một cách cụ thể đến sự kiêng ăn trong một số bài giảng của ông, đặc biệt là một bài giảng trong loạt bài của Bài Giảng Trên Núi. Ông tin rằng sự kiêng ăn có nguồn gốc từ Kinh Thánh. Sự kiêng ăn được thực hành bởi dân chúng trong thời Cựu Ước, được thực hành bởi Chúa Giê-xu, và bởi các tín hữu tiên khởi.

Việc kiêng ăn đã được thực hiện trong Y-sơ-ra-ên theo mệnh lệnh của Chúa Giê-xu (Ma-thi-ơ 6:16-17), và trong hội thánh đầu tiên. Ngoài ra, việc thực hành kiêng ăn còn có những lý do khác. Đó là biểu hiện lòng ăn năn của chúng ta đối với tội ăn uống quá độ, hay bởi sự “ham mê nhục dục” quá đáng. Kiêng ăn cũng cho chúng ta có nhiều thời gian hơn để nghiên cứu, cầu nguyện, và suy gẫm. Hơn nữa, tiền bạc tiết kiệm được qua việc kiêng ăn có thể giúp người nghèo để họ có thức ăn và các thứ cần thiết khác cho cuộc sống. Việc kiêng ăn phải kết hợp với việc làm điều thiện cho người khác, càng nhiều càng tốt.

II. Thực Hành Mối Quan Hệ Mật Thiết Với Đức Chúa Trời

Tôi bắt đầu giữ mối quan hệ với Chúa trong khi tôi vào học Viện Thánh Kinh Thần Học tại Nha Trang từ năm 1972. Lúc ấy, tôi đọc về đời sống những tôi con Chúa có giờ tĩnh nguyện để gặp gỡ Chúa. Họ thức dậy lúc 4 giờ sáng để đọc Kinh Thánh một giờ và cầu nguyện một giờ trước khi ăn sáng. Tôi cố gắng làm theo họ, nhưng tôi không làm được như vậy mỗi ngày. Tôi chỉ dậy sớm lúc 4 giờ được một vài ngày. Sau đó, tôi quá mệt mỏi và không thể tiếp tục được. Tôi cảm thấy nản lòng. Tôi cố gắng đến nỗi suýt bị bệnh. Nhưng rồi tôi biết những tôi con Chúa ấy đi ngủ lúc 8 hoặc 9 giờ tối. Họ có thể dậy sớm vì đã nghỉ ngơi đầy đủ, trong khi tôi đi ngủ lúc 11 hoặc 12 giờ khuya. Đó là lý do tại sao tôi quá mệt mỏi.

Về sau, tôi học biết rằng bất cứ ai cũng có thể dành thì giờ cho Chúa mỗi sáng, không nhất thiết là phải vào 4 giờ sáng, mà có thể là 5 giờ hoặc trễ hơn. Có thể là 15 phút mỗi ngày. Tôi quyết định dậy sớm hơn 15 phút. Như vậy tôi có thể tương giao với Chúa mỗi sáng. Chẳng bao lâu, tôi thấy 15 phút không đủ. Tôi bắt đầu dậy sớm hơn 30 phút, rồi 60 phút để tương giao với Chúa nhiều hơn mỗi sáng. Ngày nay, sau gần 50 (năm mươi) năm giữ giờ hẹn với Chúa, tôi càng vui mừng gặp gỡ Chúa hơn bao giờ hết. Mối tương giao của tôi với Chúa ngày càng ngọt ngào hơn. Mỗi ngày gặp gỡ Chúa từ 1-3 giờ, tôi càng kinh nghiệm sự hiện diện, an ủi và hướng dẫn của Ngài. Từng ngày Chúa chỉ dạy tôi am hiểu đường lối của Ngài dành cho tôi. Tôi biết Đức Chúa Trời có một kế hoạch dành cho mỗi con cái Ngài (Giê-rê-mi 29:11) và cá nhân tôi. Kế hoạch đó được Chúa bày tỏ cho chúng ta qua nhiều cách khác nhau, nhưng cách quan trong nhất là qua thì giờ được biệt riêng để trò chuyện với Chúa mỗi ngày. Thì giờ này bao gồm sự cầu nguyện lắng nghe tiếng Chúa, đọc Thánh Kinh, suy ngẫm, và sau này có thêm kiêng ăn theo truyền thống Giám lý. Tôi sẽ thuật lại chi tiết về phước hạnh mà tôi kinh nghiệm được trong những lần tới khi thực hành mối quan hệ mật thiết với Chúa.

Mỗi sáng thức dậy, hãy giữ giờ hẹn với Chúa qua sự cầu nguyện, học Kinh Thánh và suy ngẫm, tôi được “tràn đầy” sự tươi mới từ Chúa, và được nhạy bén với sự hiện diện của Ngài, cùng với sức mạnh từ Ngài. Vì thế, tôi cam kết đọc Kinh Thánh mỗi ngày trước khi đọc bất cứ thứ gì khác. Trước khi ăn thức ăn thiên nhiên, tôi ăn thức ăn thuộc linh để nuôi linh hồn mình và  làm cho linh hồn no đủ về ý muốn của Đức Chúa Trời.

Tôi cũng cam kết nói chuyện với Đức Chúa Trời qua sự cầu nguyện trước khi nói chuyện với bất cứ ai. Cầu nguyện hay nói chuyện với Chúa phải là một trong những ưu tiên hàng đầu của đời sống tôi. Rất nhiều lần, Đức Chúa Trời phán với tôi bởi Thánh Linh qua cầu nguyện. Chúa chủ động trước bằng cách khiến tôi muốn cầu nguyện, hoặc cần cầu nguyện. Chúa Thánh Linh giúp tôi cầu nguyện trong sự hòa hợp, với ý muốn Đức Chúa Trời. Tôi điều chỉnh đời sống mình, cho phù hợp với ý muốn Chúa. Chúa hành động trong tôi và qua tôi, để hoàn thành các mục đích của Ngài. Tôi kinh nghiệm Chúa, đúng như Đức Thánh Linh bày tỏ khi tôi cầu nguyện.

Tôi cũng cam kết kiêng ăn ít nhất mỗi tháng hai lần. Kiêng ăn giúp tôi lệ thuộc nhiều hơn vào Đức Chúa Trời. Kiêng ăn khiến tôi nhạy bén hơn với Đức Thánh Linh và Lời Kinh Thánh. Kiêng ăn giúp tôi ý thức rõ ràng hơn sự hiện diện của Đức Chúa Trời trong cuộc sống. Kiêng ăn cũng giúp tôi rất nhiều trong việc đối phó với sự cám dỗ.

Để kết luận, tôi nhớ mục sư Raymond Edman đã kể chuyện này: Cậu bé Kevin 6 tuổi, được bố mẹ ghi danh vào lớp nhạc. Mỗi buổi chiều sau giờ học, được mẹ nhắc, cậu lững thững bước vào phòng khách gảy gảy mấy bài hát trong khi lũ bạn chơi bóng chày trong công viên bên kia đường. Đó là kỷ luật không có định hướng. Đó là một công việc khổ sở.

Buổi chiều nọ, một thiên sứ đến thăm Kevin vào giờ cậu tập đàn ghi-ta. Trong sự hiện thấy, cậu được đưa đến nhà hát Carnegie Hall, để xem một nghệ sĩ ghi-ta bậc thầy trình diễn. Kevin thường cảm thấy chán nản với loại nhạc cổ điển, nhưng bây giờ hết sức kinh ngạc trước những gì cậu thấy và nghe. Những ngón tay của người nhạc công như nhảy múa trên dây đàn, thật linh hoạt và duyên dáng. Kevin chợt nghĩ đến những ngón tay ngu ngốc vụng về của mình mỗi khi ngập ngừng vấp lên vấp xuống trên dây đàn. Người nghệ sĩ bậc thầy hòa quyện những nốt nhạc trong sáng, vút cao thành một mùi thơm đậm chất nhạc, thoảng đưa từ cây ghi-ta của ông. Kevin nhớ đến thứ nhạc lạc điệu chói tai, phát ra từ ngón đàn vụng về của mình. Nhưng bây giờ Kevin rất say mê. Cậu nghiêng tai lắng nghe. Cậu uống từng nốt nhạc. Cậu chưa từng hình dung ra người nào có thể chơi ghi-ta hay đến như vậy.

Thiên sứ hỏi: “Con nghĩ gì vậy, Kevin?”

Cậu bé 6 tuổi chậm rãi và lí nhỉ trả lời: “Chao ôi!”

Khải tượng chấm dứt, thiên sứ lại đứng trước mặt Kevin trong phòng khách nhà cậu. Thiên sứ nói: “Kevin này, vị nhạc công tài hoa con thấy chính là con trong một vài năm tới.” Rồi thiên sứ chỉ vào cây ghi-ta và nói: “NHƯNG CON PHẢI LUYỆN TẬP!”

Bất ngờ thiên sứ biến mất, chỉ còn lại Kevin với cây ghi-ta. Bạn có nghĩ rằng từ đó trở đi, thái độ của cậu bé đối với việc tập đàn sẽ thay đổi không? Miễn là cậu bé còn nhớ hình ảnh người mà mình sẽ trở thành, thì sự tập luyện của cậu sẽ có định hướng, có mục tiêu thúc đẩy cậu tiến đến tương lai. Vâng, sẽ phải nỗ lực nhiều, nhưng bạn không thể cho đó là công việc khổ sở.

Nói đến việc RÈN LUYỆN trong đời sống Cơ Đốc, nhiều người có cảm giác giống như cảm giác của Kevin đối với việc tập đàn ghi-ta: RÈN LUYỆN mà không có định hướng. RÈN LUYỆN là công việc khổ sở. Xin Chúa giúp chúng ta RÈN LUYỆN có định hướng, có mục tiêu thúc đẩy để sự CẦU NGUYỆN không có nguy cơ trở thành việc khổ nhọc. Sự SUY NGẪM Lời Chúa chắc chắn có giá trị thực tiễn. Và sự KIÊNG ĂN trở thành phương tiện nhận lấy ân điển dư dật của Chúa. Amen.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *