THẤY CHÚA PHỤC SINH
“Ma-ri quay lại, reo lên: Thưa Thầy!” (Giăng 20:16)
Các nhà thần học thường căn cứ vào hai sự kiện, để minh chứng Chúa Giê-xu đã từ cõi chết sống lại: đó là ngôi mộ trống và những lần Chúa hiện ra với các sứ đồ và môn đồ sau khi Ngài sống lại. Về ngôi mộ trống, chỉ có vài phụ nữ, sứ đồ Phi-e-rơ và Giăng là những người đã chứng kiến. Còn về những lần Chúa hiện ra với những người nữ và các môn đệ, chúng ta thấy có những phản ứng khác nhau. Tuy nhiên, cuối cùng mọi người đều tuyên xưng đức tin vào Chúa Phục sinh.
Một trong những bằng chứng thuyết phục nhất về sự phục sinh là sự thay đổi trong đời sống của các môn đồ. Trước khi Chúa sống lại, họ là một nhóm người bị cô đơn và thất bại. Sau đó, họ là những người không sợ hãi để công bố Tin mừng Chúa Sống lại, ngay cả khi đối mặt với sự chống đối và nguy hiểm.
Hôm nay, chúng ta Mừng Chúa Phục Sinh trong tinh thần lắng nghe các nhà chép sách Phúc âm kể lại hai người nữ đầu tiên đã THẤY Chúa Phục sinh, và thế nào đời sống họ đã được thay đổi.
I. Ma-ri Ma-đơ-len đã THẤY CHÚA PHỤC SINH (Giăng 20:1-18)
Theo Thánh kinh, Ma-ri Ma-đơ-len vốn là một người bị quỉ ám và được Chúa giải thoát khỏi bảy quỉ dữ. Chúng ta không thể tưởng tượng nổi số phận đen tối của Ma-ri Ma-đơ-len, nếu cô không gặp gỡ Chúa Giê-xu. Nhờ ân sủng của Chúa, Ma-ri Ma-đơ-len đã được Chúa kéo đến tin nhận Ngài, được tha thứ tội lỗi, và được giải thoát khỏi ác quỷ. Sau đó, Ma-ri Ma-đơ-len cùng nhiều người nữ khác theo Chúa Giê-xu và giúp việc truyền giáo. Khi Chúa Giê-xu chịu đóng đinh trên thập tự giá, cô cùng với các phụ nữ khác đứng nhìn cho đến giờ phút cuối cùng. Lúc người ta hạ xác Ngài xuống đem chôn, Ma-ri Ma-đơ-len cũng chứng kiến tận mắt.
Vào sáng Chúa nhật, lúc trời còn mờ mờ, Ma-ri Ma-đơ-len đến viếng mộ Chúa. Thấy tảng đá lấp cửa mộ đã lăn qua một bên, cô chạy tìm Phi-e-rơ và Giăng, báo tin: “Người ta đã dời thi hài Chúa khỏi mộ, không biết để tại đâu.” Phi-e-rơ và Giăng liền chạy đến mộ. Hai người bước vào trong mộ, thấy vải liệm còn đó, tấm khăn trùm đầu thì cuốn lại để một bên. Lúc ấy, các môn đệ chưa hiểu lời Thánh kinh nói Chúa sẽ sống lại. Hai môn đệ trở về nhà, ‘nhưng Ma-ri đứng bên mộ mà khóc, nước mắt đầm đìa’.
Thật ra, không phải đến lúc này Ma-ri Ma-đơ-len mới khóc. cô đã khóc nhiều khi người ta cầm gươm giáo đến bắt Chúa. Cô cũng đã khóc nhiều khi người ta đem xử Chúa cách bất công và vu cáo Ngài. Cô còn khóc nhiều hơn nữa, khi người ta đóng đinh Chúa và treo Ngài trên cây thập tự. Và bây giờ qua đến Chúa Nhật, một lần nữa cô lại khóc. Hôm nay, cô khóc không phải vì theo tục lệ than khóc người chết của người Do Thái, nhưng khóc vì xác Chúa bị mất: “Người ta đã dời Chúa tôi đi, không biết để Ngài ở đâu”. Hai thiên sứ hiện ra cũng không làm cho cô sợ hãi. Lời hỏi thăm của thiên sứ cũng chẳng giúp làm vơi đi nỗi buồn của cô. Thấy bóng Chúa gần bên, Ma-ri không buồn quay nhìn kỹ mà cứ ngỡ là người giữ vườn. Có lẽ tâm trạng bất an của cô cộng với việc mất xác Chúa, làm cho cô nhận Chúa Giê-xu là người giữ vườn, nên dò hỏi: “Bác có đem thi hài Chúa đi đâu, bác làm ơn cho biết để tôi đem về!” Chúa gọi tên cô: “Ma-ri!” Tiếng gọi thật thân thương. Ma-ri Ma-đơ-len xoay hẳn người lại, mừng rỡ kêu lên: “Ra-bu-ni—Thầy đáng tôn đáng kính của con” (Mác 10:51). Chúa Phục sinh đã dùng ngay tên của Ma-ri để mở mắt cho cô, và cô đã nhận ra Ngài đang sống. Tiếp đó, Ma-ri Ma-đơ-len vâng lệnh Chúa, đi báo tin mừng Chúa Phục sinh cho các môn đồ. Việc NHÌN THẤY Chúa Phục sinh đã làm thay đổi hoàn toàn đời sống của Ma-ri Ma-đơ-len.
Hôm nay là ngày Lễ Kỷ niệm Chúa Phục sinh 2025. Trong ngày này, người ta đến nhà thờ rất đông. Nhiều người đến để tham dự Lễ, để nghe Lời Chúa, để đón nhận ơn phước Chúa. Đây là thói quen tốt nhưng chưa đủ. Kỷ niệm Chúa Phục Sinh, chúng ta phải thật sự NHÌN THẤY Chúa Phục Sinh. Lúc Chúa Giê-xu còn tại thế, biết bao người đã gặp gỡ Ngài. Chính mắt họ đã NHÌN THẤY Ngài. Chính tai họ đã nghe tiếng Ngài. Chính bàn tay họ đã chạm đến Ngài. Chính ngôi nhà họ đã đón Ngài vào dùng bữa. Và sau khi Chúa sống lại họ cũng từng NHÌN THẤY Ngài. Những cuộc NHÌN THẤY Chúa như thế rất là quý giá, nhưng có thể chưa phải là cuộc gặp gỡ Chúa thật sự.
NHÌN THẤY Chúa Phục sinh thật sự là đặt niềm tin nơi Ngài, để được sự sống vĩnh phúc (Giăng 5:24). NHÌN THẤY Chúa Phục sinh là nhận ra Ngài đang sống. Chúa đang gần gũi ta, đang thương yêu ta, đang hy sinh cho ta, đang cho ta sự sống dư dật, đang đưa ta về với Đức Chúa Cha trên trời. NHÌN THẤY Chúa Phục sinh là nhận ra tiếng Ngài đang nói với chúng ta: “Ta đã đến để chiên được sống và sống sung mãn” (Giăng 10:10). NHÌN THẤY Chúa Phục sinh là nhận ra tấm lòng của Ngài: “Ta có lòng khiêm tốn, dịu dàng; hãy mang ách với Ta và học theo Ta, các con sẽ được an nghỉ trong tâm hồn” (Ma-thi-ơ 11:28-29). Vậy nên dự lễ Phục sinh năm nay, ước mong chúng ta không những NHÌN THẤY Chúa đang sống, mà còn nhớ rằng Chúa Phục sinh muốn sống trong chúng ta để ban sự cứu rỗi và bình an cho chúng ta.
II. Ma-ri mẹ Gia-cơ và Giô-sép đã THẤY CHÚA PHỤC SINH (Mác 16:1-8; Ma-thi-ơ 28:1-10)
Ma-ri mẹ Gia-cơ và Giô-sép, được ông Ma-thi-ơ, Mác và Lu-ca gọi là “Ma-ri khác”. Ma-ri mẹ của Gia-cơ và Giô-sép, được đề cập bảy lần trong Tân ước. Giống như Ma-ri Ma-đơ-len, bà là một tín đồ trung thành của Chúa Giê-xu, thể hiện sự cam kết của mình bằng cách có mặt tại lễ an táng của Ngài. Trong Ma-thi-ơ và Mác, bà được đề cập như người quan trọng thứ hai sau Ma-ri Ma-đơ-len trong các câu chuyện về cái chết và sự phục sinh của Chúa Giê-xu. Điều này cho thấy rằng, mặc dù nhiều người ngày nay không chú ý đến Ma-ri mẹ của Gia-cơ và Giô-sép, nhưng bà ấy vẫn nổi bật trong số các môn đệ đầu tiên.
Theo các nhà chép các sách Phúc âm, Ma-ri mẹ của Gia-cơ và Giô-sép, là người có đức tin mạnh mẽ đối với Chúa Giê-xu. Bà và Ma-ri Ma-đơ-len đã mua hương liệu để đến xức thi hài Chúa Giê-xu vào sáng sớm Chúa nhật Phục sinh. Một tôi tớ Chúa kể chuyện:
“Các phụ nữ phải có can đảm lớn để làm điều này. Thăm mộ trong buổi bình minh sẽ thử thách hầu hết phụ nữ, trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Nhưng đến thăm mộ của một người đã bị xử tử như một kẻ ác, thì đây thực sự là một sự can đảm mạnh mẽ. Hành động này cho thấy sự khác biệt giữa đức tin yếu ớt và đức tin mạnh mẽ với Chúa. Những người nữ thánh thiện này đã nếm trải lòng thương xót tha thứ của Chúa chúng ta. Lòng họ tràn đầy lòng biết ơn Ngài về ánh sáng, hy vọng, an ủi và bình an. Họ sẵn sàng mạo hiểm bất chấp mọi hậu quả, để bày tỏ tình yêu Chúa của họ”.
Ngày nay, chúng ta thấy nhiều người tin Chúa đã có quá ít tình yêu dành cho Chúa Giê-xu. Hiện nay, chúng ta hiếm khi gặp các tín đồ sẽ sẵn sàng đối mặt với bất kỳ nguy hiểm nào vì Chúa Cứu Thế. Chúng ta bây giờ ít khi nhìn thấy các Cơ đốc nhân sẵn sàng đi qua lửa và nước vì Chúa Giê-xu. Tại sao? Chỉ có một câu trả lời. Đó là các tín hữu có đức tin yếu đuối, và có ý thức thấp kém về nghĩa vụ đối với Chúa Phục sinh. Một cảm giác nhỏ bé về món nợ của chúng ta đối với Đức Chúa Trời, sẽ luôn đi kèm với một cảm giác nhỏ bé về những gì chúng ta nợ ơn cứu chuộc. Chính những người cảm thấy được tha thứ nhiều, là người yêu Chúa nhiều. “Ai được tha thứ ít, thì yêu mến ít” (Lu-ca 7:47).
Hôm nay là ngày Lễ Kỷ niệm Chúa Phục sinh 2025. Trong ngày này, người ta đến nhà thờ rất đông. Nhiều người đến để tham dự Lễ, để nghe Lời Chúa, để đón nhận ơn phước Chúa. Đây là thói quen tốt nhưng chưa đủ. Kỷ niệm Chúa Phục sinh, chúng ta phải thật sự NHÌN THẤY Chúa Phục sinh. NHÌN THẤY Chúa Phục sinh thật sự là trở thành một tín đồ có đức tin mạnh mẽ đối với Chúa. NHÌN THẤY Chúa Phục sinh là tiếp nhận lời ủy thác của Chúa Phục sinh để công bố tin mừng Chúa Sống lại cho những người khác, và truyền lại cho họ những chỉ dẫn của Ngài (Mat 28:9-10; Giăng 20:11-18).
Tóm lại, chúng ta đã biết Ma-ri Ma-đơ-len và Ma-ri mẹ Gia-cơ đã NHÌN THẤY Chúa Phục sinh. Nếu các người nữ này không NHÌN THẤY Chúa Phục Sinh, thì cuộc đời họ sẽ tiếp tục buồn bã và chỉ biết một điều là Chúa đã chết. Họ sẽ trở về với cuộc sống bình thường, và nếu sau này có ai hỏi về Chúa Giê-xu, thì họ sẽ lại buồn rầu mà nói rằng: Người ấy đã chết. Nhưng tạ ơn Chúa, họ đã thật sự THẤY Chúa Phục sinh, nên đời sống đã hoàn toàn thay đổi. Họ vui mừng và hãnh diện đi ra rao báo về một Chúa Sống.
Chuyện kể rằng, tại nước Pháp, có một truyền thuyết về Ma-ri mẹ Gia-cơ và Giô-sép, Ma-ri Ma-đơ-len, và Sa-lô-mê đã cùng nhau chạy tản lạc khỏi cuộc bắt bớ. Những người nữ này lên một chiếc thuyền không có cánh buồm hay mái chèo, và chiếc thuyền đã đưa họ đến nước Pháp. Địa điểm mà họ cặp bến, ngày nay được đặt tên là Les Saintes-Maries-de-la-Mer (“các thánh Ma-ri của biển”). Ba người nữ này là những người đầu tiên mang Phúc âm của Chúa Giê-xu đến tỉnh Gaul của La Mã.
Tôi cầu nguyện cho các bạn để mùa Phục sinh năm nay, các bạn cũng có kinh nghiệm THẤY Chúa Phục sinh như Ma-ri Ma-đơ-len, Ma-ri mẹ Gia-cơ và Giô-sép, và hơn hai tỷ người đã NHÌN THẤY. Xin Chúa giúp cho niềm tin Phục sinh của chúng ta không còn là niềm tin lý thuyết, mơ hồ, sáo ngữ, và rỗng tuếch mà là một niềm tin sinh động, bùng cháy, và mạnh mẽ. Chúa Phục sinh đang sống và sẵn sàng ban sự cứu rỗi và bình an cho tôi, cho bạn, và cho mọi người miễn là chúng ta có đức tin nơi Ngài. Chúa Phục sinh sẵn sàng thay đổi cuộc đời chúng ta nếu chúng ta thật sự gặp gỡ Ngài. Tôi tin rằng bạn đã thật sự NHÌN THẤY Chúa Phục sinh. Amen.
Giám mục Tô Văn Út
Phục Sinh 2025