Bài 2
ĐAU KHỔ
là Sự Sửa Dạy Thương Yêu
Câu trả lời “đau khổ là sự đoán phạt” không làm thỏa mãn một số người. Vì thế ta suy nghĩ lời giải đáp khác: Đau Khổ là Sự Sửa Dạy Thương Yêu. Tục ngữ thường nói: “Yêu cho đòn, ghét cho chơi.” Vâng, chính vì yêu ta mà đôi khi Chúa cho phép ta gặp đau khổ. Hơn ai hết Chúa biết đau khổ là ích lợi cho ta trong đời. Châm ngôn đã nhiều lần long trọng tuyên bố:
Hỡi con ta, chớ khinh sự sửa phạt của Đức Giê-hô-va,
Đừng buồn lòng khi Ngài quở trách.
Vì Đức Giê-hô-va yêu thương ai thì trách phạt nấy.
Như một người cha đối với con trai yêu dấu của mình.
(3:11-12).
Và:
Người nào kiêng roi vọt là ghét con cái mình, nhưng ai thương con sẽ sớm lo sửa dạy nó (13:24)
Hoặc:
Kẻ ngu dại khinh lời khuyên dạy của cha mình. Còn ai nghe lời quở trách trở nên khôn khéo (15:5)
Trong sách Gióp, Ê-li-pha nói rằng đau khổ là sự sửa dạy thương yêu, “người mà Đức Chúa Trời quở trách lấy làm phước thay! Vậy, chớ khinh sự sửa phạt của Đấng Toàn năng” (5:17). Ê-li-hu cũng tin tưởng như thế: “Loài người nằm trên giường mình bị đau đớn sửa phạt” (Gióp 33:19a). Sách Gióp được viết sau cuộc lưu đày, thực sự này nói lên rằng sự sửa dạy là tư tưởng phổ phát trong thời đó.
Sách Thi thiên bày tỏ quan niệm tương tự. Trước giả Thi thiên 94 đang khi cầu khẩn Đức Giê-hô-va báo trả kẻ thù nghịch của dân sự Ngài, cũng cho rằng sửa phạt là sự rèn luyện thương yêu: “Hỡi Đức Giê-hô-va, phước cho người nào Ngài sửa phạt, và dạy luật pháp Ngài cho (94:12).
Ý niệm về sự sửa phạt đã được áp dụng cho tập thể,
Ta đã nghe tiếng thở than của Ép-ra-im:‘Ngài đã sửa phạt con, và con bị sửa phạt như con bò tơ chưa quen ách. Xin Chúa đem con về, thì con sẽ được trở về; vì Chúa là Giê-hô-va Đức Chúa Trời của con! (Giê-rê-mi 31:18)
Tư tưởng trên cũng ứng dụng cho trường hợp riêng rẽ. Tác giả Thi thiên cho rằng có người bị sửa phạt nhiều lần, song cá nhân đó vẫn không mất hi vọng, “Đức Giê-hô-va sửa phạt tôi cách nghiêm trang, nhưng không phó tôi vào sự chết” (118:18).
Người khác nữa khi gặp đau khổ thì vui mừng bởi lẽ nhờ đó mà tránh được sự lạc lầm, “trước khi chưa hoạn nạn, thì tôi lầm lạc; nhưng bây giờ tôi gìn giữ lời Chúa” (119:67).
Trong sách Giô-na, ta cũng nhìn thấy nguyên tắc của sự sửa dạy này. Sách trình truyện một tiên tri bất tuân, thoạt tiên muốn trốn tránh sứ mạng mình. Trên đường đi lánh mặt Chúa, Giô-na gặp bão lớn cho nên đã thú nhận với các thủy thủ rằng: “Chính vì tôi mà cơn bão này xảy đến cho các ông.” Nhà tiên tri bảo họ: “Các ông hãy đem tôi quăng xuống biển, thì biển sẽ yên cho các ông qua khỏi.”
Khi Giô-na bị ném xuống biển thì Chúa sắm một con cá lớn nuốt lấy Giô-na. Từ trong bụng cá Giô-na đã cầu nguyện ăn năn. Sau khi được Chúa giải cứu, nhà tiên tri đã theo lệnh Chúa đi đến Ni-ni-ve rao giảng.
Cho dù bạn tin hay không tin truyện Giô-na bị cá nuốt thì cũng không ai chối cãi được tính cách giáo huấn của câu chuyện. Và giáo huấn của sách này là một trong những cao điểm của Cựu ước.
Tóm lại, các phân đoạn Thánh Kinh Cựu ước trên cho ta thấy đau khổ là sự sửa dạy thương yêu. Niềm tin này rất phổ thông cho xưa và nay. Nhiều người đã tìm được yên ủi qua lẽ thật này. Nó đã trở thành lời giải đáp chính yếu cho vấn đề đau khổ. Tuy nhiên, đối với một số người khác, niềm tin trên vẫn chưa phải là câu trả lời cho vấn nạn: tại sao người công chính, ngay thật lại bị đau khổ? Vì thế, ta sẽ tiếp tục tìm câu giải đáp ở bài kế.