Ý NGHĨA SỰ ĐAU KHỔ DƯỚI ÁNH SÁNG THÁNH KINH – Bài 3

Bài 3

ĐAU KHỔ

  Sự Thử Nghiệm Tạm Thời

Trong thời kỳ dân sự bị bắt bớ và lưu đày, đã nảy sinh lòng tin này:  đau khổ chỉ là sự thử nghiệm tạm thời. Mọi hoạn nạn rồi sẽ qua đi. Người gian ác có vẻ như luôn được may mắn, còn người công chính luôn gặp đau khổ. Tuy nhiên, “kẻ ác chẳng như vậy đâu, nhưng chúng nó khác nào rơm rác gió thổi bay đi… Vì Đức Giê-hô-va biết đường người công bình, song đường kẻ ác rồi bị diệt vong” (Thi thiên 1).

Tiên tri Ha-ba-cúc có lần đã than thở với Đức Chúa Trời rằng đất nước ông bị tiêu diệt vì cớ tội ác của nó, bởi tay một nước còn tội ác hơn. Nhà tiên tri nêu lên thắc mắc và cho đó là việc không công bình. Đức Chúa Trời đáp rằng Ngài có một mục đích trong những cuộc chinh phục khủng khiếp của đạo quân Canh đê. Đế quốc này say máu các nước, sẽ tới phiên nó cũng bị tiêu diệt, và dân Đức Chúa Trời sẽ đầy dẫy trái đất.

Tiên tri Ha-ba-cúc hỏi Đức Chúa Trời:

 Sao Chúa khiến con thấy sự bất công?

Sao Ngài cứ lặng nhìn cảnh ngang trái?(1:3)

            Nhà tiên tri được trả lời:

Hãy xem, kẻ kiêu căng, không có tâm hồn ngay thẳng;

Nhưng người công chính sẽ sống bởi đức tin mình (2:4).

            Bài học của sách này là:  Người công chính sẽ sống bởi đức tin là khả năng cảm thấy vững chắc nơi Đức Chúa Trời, đến nỗi dù hiện tại tối tăm chừng nào, ta cũng không nghi ngờ kết quả. Có một tương lai vinh hiển dành cho con dân Đức Chúa Trời. Tương lai ấy có lẽ còn xa lắm nhưng tuyệt đối chắc có như thế.

Thi-thiên 37 giảng giải số phận người công chính cùng kẻ ác nhân và tác giả kêu gọi mọi người chớ uất ức về những kẻ làm điều phi nghĩa vì chúng sẽ tàn úa như cây cỏ.

Chớ phiền lòng vì cớ kẻ làm dữ, cũng đừng  ghen tị kẻ tập tành sự gian ác. Vì chẳng bao lâu chúng nó sẽ bị phát như cỏ, và phải héo như cỏ tươi xanh  (1-2)

Niềm tin này được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong cả sách Thi thiên.

Sứ điệp của tiên tri Ma-la-chi cũng đặt nền tảng trên sự đau khổ tạm thời do việc bị lưu đày tại Ba-by-lôn, và nhấn mạnh rằng một ngày kia Chúa sẽ tiêu diệt kẻ ác và thiêu hủy chúng như rơm rạ.

Sách Gióp dạy ta về kết quả sự thịnh vượng của người công chính. Sau cảnh đau khổ tạm thời, Gióp được Chúa ban cho con cái và tài sản nhiều gấp hai ngày trước.

Trong Ê-sai 48, Đức Chúa Trời nói về sự thí luyện những kẻ Ngài tuyển chọn:

Này, ta luyện ngươi, nhưng không phải như luyện bạc. Ta đã thử nghiệm ngươi trong lò hoạn nạn (48:10).

Đức Giê-hô-va phán trong sách Giê-rê-mi:

Hỡi Gia-cốp, đầy tớ Ta, đừng sợ.

Hỡi Y-sơ-ra-ên, chớ kinh hãi!

Vì nầy, Ta sẽ cứu con ra khỏi miền xa xăm,

Và dòng dõi con từ chốn lưu đày.

Gia-cốp sẽ trở về và sống yên lành an ổn,

Không còn sợ hãi ai cả (30:10).

            Lẽ thật “đau khổ là sự thử nghiệm tạm thời” đã đem lại niềm an ủi cho nhiều người, nhất là trong thời gian dân Chúa bị bắt bớ lưu đày. Cũng do niềm tin này mà các tác phẩm về lai-thế học ra đời và được nhiều người ưa thích.

Đa-ni-ên là tác giả tiên phong về bộ môn này. Qua sự mặc khải của Chúa, ông báo trước nhiều sự việc được ứng nghiệm để tạo nên một thế giới tối đẹp hơn. Các phần khác trong nhiều sách của Cựu Ước thì nói lên niềm hi vọng: dân Do thái sẽ không còn bị đàn áp nhưng sẽ thống trị thế giới, và các quốc gia khác sẽ phục tùng họ.

Ý niệm “Đau khổ là sự thử nghiệm tạm thời” đã trả lời cho nhiều người về vấn đề đau khổ. Tuy nhiên, lời giải đáp này vẫn chưa làm thỏa mãn một số người khác. Vì không phải tất cả đau khổ đều tạm thời. Đôi khi nó có mặt trong suốt cuộc sống. Ta sẽ tiếp tục tìm câu trả lời ở bài kế vào tuần tới.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *